Tính đến thời điểm hiện nay khi chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là đến Tết Đinh Dậu 2017, nhiều siêu thị tại Hà Nội cho biết lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường tết năm nay đều cao hơn năm ngoái từ 20-30%. Ngoài ra, việc bình ổn giá, an toàn thực phẩm... cũng được các siêu thị cam kết thực hiện.
Theo ghi nhận tại các siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội những ngàyqua, lượng khách đổ về mua sắm đã tăng lên đáng kể. Quan sát của phóng viên cho thấy ngoài nhóm hàng tươi sống như: thịt, trứng, rau củ quả... phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày, nhiều giỏ/xe hàng của người tiêu dùng cũng được lấp đầy bởi những sản phẩm trong ngày tết như: bia, rượu, nước giải khát, bánh kẹo, đồ dùng cá nhân...
Nhận biết được nhu cầu của khách mua sắm là cao trong những ngày này nên hàng hóa trên tất cả các kệ đều được châm đầy. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng như: dầu gội, xoong nồi, chăn ga... cũng được nhiều siêu thị tung ra các chương trình khuyến mại hoặc là bốc thăm trúng thưởng.
Đại diện Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, năm nay doanh nghiệp đã chuẩn bị 1.200 tỉ đồng để chuẩn bị và dự trữ các mặt hàng thịt bò, lợn, trứng, thủy sản... tại 70 điểm bán lẻ, 22 phiên chợ hàng Việt và 100 chuyến bán hàng lưu động.
Đại diện Công ty CP VinMart cũng cho biết với hơn 400 cửa hàng tiện ích và gần 20 trung tâm thương mại, siêu thị, đơn vị sẽ chuẩn bị khoảng 1.000 tỉ đồng để dự trữ hàng hóa.
Theo Công ty cổ phần Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart), năm nay sẽ dành 250 tỉ đồng để dự trữ hàng hóa trên hệ thống siêu thị trên toàn Thủ đô, con số này tăng 30% so với năm ngoái.
Siêu thị BigC - doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam hiện nay cũng thông tin dịp Tết năm nay sẽ tăng khoảng 20-30% các mặt hàng thiết yếu như: bia, nước ngọt, bánh... Ngoài ra, thực phẩm tươi sống là mặt hàng chủ lực để cạnh tranh thu hút khách đến siêu thị nên sẽ tăng cường sản lượng cung ứng các loại thực phẩm như: thịt lợn, thịt vịt, thịt gà...
Trong khi đó, báo cáo công tác cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2016 và Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội dự kiến số lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết năm 2017 gồm: gạo 176 nghìn tấn; thịt lợn 30,6 nghìn tấn; thịt gà 12,8 nghìn tấn; thịt bò 9,2 nghìn tấn; trứng gia cầm 187,4 triệu quả; rau, củ quả: 183,4 nghìn tấn; thực phẩm chế biến 11 nghìn tấn...
Như vậy, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố khoảng 23.500 tỉ đồng, tăng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2016.
Bên cạnh hệ thống siêu thị, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bánh mứtkẹo, rượu bia, nước giải khát... sẽ dự trữ lượng hàng hóa ở mức hơn 9.000 tỉ đồng. Các làng nghề trên địa bàn thành phố sản xuất kinh doanh những nhóm hàng hóa phục vụ Tết như nông sản thực phẩm, bánh mứt kẹo… dự kiến đạt tổng giá trị gần 2.100 tỉ đồng.
Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Công Thương đã đề nghị Sở Công Thương các địa phương đánh giá sát nguồn cung, nhu cầu hàng hoá.
Trong đó, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn quản lý để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cấp có thẩm quyền biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt nguồn hoặc tồn ứ hàng hóa sau tết.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương chủ động tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh phương án hỗ trợ cho công tác chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật, hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết.
Đánh giá về tình hình quản lý hàng hóa thị trường tết 2017, trao đổi với phong viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng hiện nay việc cam kết không tăng giá và đảm bảo chất lượng hàng hóa trên thị trường là hai điều mà người tiêu dùng quan tâm nhất. Theo đó, các cơ quan chức năng cần kiểm soát được nguồn cung hàng hóa và giá bán quỹ hàng trên thị trường.
"Bài học phục vụ Tết Bính Thân 2016 vẫn còn đó khi Hà Nội công bố có 32.000 tấn rau tham gia thị trường nhưng đến tết thì giá rau, cà chua lại tăng gấp 3-4 lần nhưng chưa thấy ai chịu trách nhiệm. Có lực lượng hàng hóa lớn nhưng điều quan trọng là hàng hóa đó là của ai? Ai quyết định giá bán quỹ hàng hóa đó trên thị trường?", ông Phú cho hay.
Tuyết Nhung