Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 694.286 trường hợp mắc COVID-19 và 13.733 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 94,2 triệu ca bệnh, hơn 2 triệu người thiệt mạng.

Số người chết vì COVID-19 đã vượt qua 2 triệu

TTXVN | 16/01/2021, 07:00

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 694.286 trường hợp mắc COVID-19 và 13.733 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 94,2 triệu ca bệnh, hơn 2 triệu người thiệt mạng.

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại một viện dưỡng lão ở Nykoping, Thụy Điển, ngày 27.12.2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 16.1 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 94.214.610 ca, trong đó có 2.015.561 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 67.259.576 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 24.808.934 ca và 111.198 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 15.1, thế giới có tới 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 112 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Toluca, Mexico, ngày 8/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 401.170 ca tử vong trong tổng số 24.055.171 ca nhiễm. Đáng chú ý, trong 24 giờ qua, Mỹ tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm mới, ca tử vong và cả số người nhập viện do COVID-19 tăng vọt. Tiếp đến là Ấn Độ với 10.541.760 triệu ca nhiễm và 152.086 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm tại Brazil là trên 8,3 triệu người, trong đó có 207.160 trường hợp tử vong.

Dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi toàn thế giới. Theo tờ Dailymail, các nhà khoa học cho rằng càng có nhiều người mắc COVID-19 thì càng có nhiều biến chủng lây lan mạnh hơn xuất hiện.

Chú thích ảnh
Vaccine đang được triển khai tiêm tại nhiều nước. Ảnh: AP

Các nhà khoa học đưa ra giả thiết là các biến chủng “siêu COVID” sẽ ngày càng phổ biến khi số ca mắc tăng vọt trên toàn cầu. Nguyên nhân là vì càng nhiều ca mắc thì số người mắc các loại biến chủng hiếm càng nhiều. Các ca mắc biến chủng hiếm này lại tạo cơ hội đặc biệt cho các biến chủng COVID-19 mới và mạnh hơn biến đổi.

Theo Tiến sĩ Trever Bradford thuộc Trung tâm Ung thư Fred Hutchison, các hệ thống miễn dịch yếu giúp virus ở lại lâu hơn trong cơ thể. Trong thời gian đó, hệ miễn dịch tiếp tục chiến đấu với virus. Chiến đấu với hệ miễn dịch đã giúp virus học cách bám trụ lại trong cơ thể tốt hơn.

Nhiều người cũng có quan điểm như ông Bedford. Tiến sĩ Ali Mokdad, nhà dịch tễ học tại Đại học Washington cho rằng khi người bệnh bị nhiễm virus trong thời gian dài thì đó là cơ hội để virus biến đổi trong cùng vật chủ. Theo ông Mokdad, các nhà khoa học nghi ngờ rằng biến chủng B117 ở Anh đã xuất hiện theo cách này.

Chú thích ảnh
Các chuyên gia thuộc phái đoàn điều tra của WHO tới Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 14/1/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tại châu Á, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết Trung Quốc đại lục ghi nhận 144 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 135 ca lây nhiễm cộng đồng. Đây là số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất trong hơn 10 tháng qua tại Trung Quốc đại lục. Như vậy, tính đến nay, Trung Quốc đại lục đã có tổng cộng 87.988 ca nhiễm, trong đó 4.635 ca tử vong.

Trước tình hình trên, Trung Quốc đã đưa hơn 20.000 người dân sinh sống ở các làng quanh thành phố Thạch Gia Trang (Shijiazhuang), thủ phủ tỉnh Hà Bắc (Hebei), bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng phát số ca nhiễm mới gần đây, tới các cơ sở cách ly của nhà nước.

Nhà chức trách Trung Quốc cũng đang gấp rút xây dựng một trung tâm giám sát y tế tập trung mới quy mô trong khu vực với trên 3.000 giường bệnh tạm thời để cách ly những người có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Nhiều cửa hàng phải đóng cửa do dịch COVID-19 tại Osaka, Nhật Bản, ngày 12/1/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trong khi đó, giới chức tỉnh Hiroshima (Nhật Bản) cho biết tỉnh này sẽ tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 quy mô lớn đầu tiên nhằm làm giảm số ca nhiễm gia tăng nơi đây. Theo đó, có tới 800.000 người đang sinh sống và làm việc ở nhiều vùng của thành phố Hiroshima, nơi cư trú của 1,2 triệu dân, sẽ được xét nghiệm.

Phát biểu trong cuộc họp của một ủy ban thuộc Thượng viện Nhật Bản, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản, cho biết giới chức nước này đang cân nhắc thực hiện hàng loạt các biện pháp ứng phó dịch bệnh trong trường hợp xấu nhất là số ca nhiễm mới không giảm. Theo ông, có thể có thêm nhiều tỉnh khác được bổ sung vào danh sách các khu vực áp đặt tình trạng khẩn cấp.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc quyết định tiếp tục gia hạn một tháng cảnh báo chú ý đặc biệt về du lịch, áp dụng với tất cả các quốc gia, lãnh thổ trên toàn thế giới cho đến ngày 15.2. Theo đó, bộ trên đề nghị người dân hủy hoặc hoãn du lịch nước ngoài trong thời gian ban cảnh báo chú ý đặc biệt về du lịch.

Công dân Hàn Quốc đang cư trú tại nước ngoài phải tuân thủ các quy tắc vệ sinh, hạn chế ra ngoài, di chuyển, tránh tiếp xúc với người khác nhằm phòng ngừa lây nhiễm COVID-19.

Ngày 23.3.2020, Hàn Quốc lần đầu ban cảnh báo chú ý đặc biệt về du lịch nước ngoài. Sau đó mỗi tháng, nước này lại gia hạn một lần. Đợt gia hạn gần đây nhất có hiệu lực tới ngày 16.1. Nhiều khả năng Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục gia hạn thêm sau ngày 15.2 tùy theo diễn biến dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Berlin, Đức trong bối cảnh các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ngày 12/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, châu Âu đã ghi nhận tổng cộng hơn 30 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Hiện châu lục này là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, đứng sau là Mỹ và Canada với tổng cộng gần 24 triệu ca nhiễm. Trong 24 giờ qua, số ca mắc COVID-19 tại Đức đã vượt 2 triệu người, trong khi số ca tử vong đã lên gần 45.000 ca. Thụy Điển cũng ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 vượt quá 10.000 ca.

Trước tình hình trên, Anh đã đóng cửa biên giới với hơn 10 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Nam Mỹ cùng Bồ Đào Nha do lo ngại nguy cơ lây nhiễm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Brazil.

Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo chính phủ nước này sẽ triển khai thực hiện lệnh giới nghiêm toàn quốc vào 18h hằng ngày, bắt đầu từ ngày 16.1 tới, nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay.

Theo đó, ngoại trừ các dịch vụ khẩn cấp, toàn bộ các cửa hàng và dịch vụ đều phải đóng cửa vào thời gian nói trên. Không chỉ vậy, từ ngày 18.1 tới, những người tới từ các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) sẽ không được phép trình giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 để nhập cảnh vào Pháp.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Thessaloniki, Hy Lạp ngày 31/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Hy lạp Kyriakos Mitsotakis thông báo nước này có thể nới lỏng một số hạn chế trong lĩnh vực bán lẻ vào tuần tới, sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc đã giúp khống chế dịch hiệu quả. Trước đó, Chính phủ Hy Lạp đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vào đầu tháng 11.2020, sau khi số ca nhiễm tăng mạnh, chủ yếu tại miền Bắc và khu vực rộng lớn tại thủ đô Athens. Đây là lần thứ 2 Hy Lạp phải áp đặt phong tỏa do dịch COVID-19.

Tại châu Phi, Zimbabwe cũng thông báo số ca tử vong trong 1 ngày cao nhất từ trước đến nay, với 47 trường hợp. Như vậy, tính đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng 25.368 ca nhiễm mới, trong đó có 636 trường hợp tử vong. Trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 gia tăng trong thời gian gần đây, Chính phủ Zimbabwe đã phải tái áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong 30 ngày.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Nairobi, Kenya, ngày 17/10/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Giới chức y tế Gambia cũng thông báo ghi nhận 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh. Đây là quốc gia đầu tiên tại châu Phi ghi nhận ca nhiễm biến thể này. Theo giới chức y tế, các trường hợp trên đều là người Gambia, gồm một bệnh nhân nam giới người Gambia, 34 tuổi, trở về từ Anh, và một bệnh nhân nữ 82 tuổi.

Hiện nhà chức trách đang truy vết nguồn lây nhiễm. Việc biến thể virus này xuất hiện ở Gambia có thể cản trở những nỗ lực kiềm chế tỷ lệ lây nhiễm đang gia tăng lên gần mức kỷ lục ở Gambia. Đến nay nước này đã ghi nhận khoảng 3.890 ca mắc COVID-19, trong đó 126 ca tử vong.

Cùng ngày, người đứng đầu Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev cho biết nước này sẽ nộp đơn xin cấp phép vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 ở Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 2 tới.

Theo ông Kirill Dmitriev, bản đánh giá của giới chuyên gia về tính hiệu quả của vaccine Sputnik V cũng sẽ sớm được công bố, song hiện nay vẫn chưa rõ liệu vaccine này có được EU chấp thuận hay không. Để vaccine được cấp phép đưa vào phân phối ở thị trường EU, công ty nghiên cứu sản xuất phải tiến hành các cuộc thảo luận sơ bộ và gửi đơn xin cấp phép lên Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA).

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân viên y tế tại bệnh viện ở San Diego, California, Mỹ ngày 15/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Mỹ, hãng dược phẩm Pfizer thông báo sẽ tạm thời giảm cung cấp vaccine phòng bệnh COVID-19 cho châu Âu nhằm tăng năng lực sản xuất. Trong tuyên bố, Pfizer cho biết đã phải sửa đổi quy trình và cơ sở. Điều này cũng sẽ kéo theo việc phải phê duyệt bổ sung.

Hãng nêu rõ mặc dù điều này sẽ ảnh hưởng tạm thời đến việc phân phối vaccine trong khoảng từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2, nhưng nó sẽ giúp tăng đáng kể số liều vaccine sản xuất ra vào cuối tháng 2 và tháng 3. Nhiều quốc gia thành viên EU cho biết đã  nhận được lượng vaccine thấp hơn mong đợi, đồng thời than phiền việc không chắc chắn trong vấn đề giao hàng.

Chú thích ảnh
Phun thuốc phòng dịch COVID-19 tại Campuchia. Ảnh: The Star

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 15.1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 18.828 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 39.000 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Myanmar và Malaysia.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.

Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 24 giờ qua, Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận tới 12.818 ca COVID-19 và 238 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 882.418 ca và 25.484 ca.

Chú thích ảnh
Một trạm kiểm soát tại Kuala Lumpur, ngày 13/1/2021, sau khi Malaysia tái ban bố Lệnh hạn chế di chuyển (MCO). Ảnh: THX/TTXVN

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 137 người thiệt mạng. Sau mấy tuần hạ nhiệt, Philippines lại đứng trước lo ngại sóng dịch tái phát khi số ca tử vong tăng cao mấy ngày gần đây.

Ngược lại, Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 3.211 ca bệnh mới, 8 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua.  

Myanmar trong 24 giờ qua số ca mắc COVID-19 đã giảm hơn chút, đồng thời ghi nhận thêm 14 ca tử vong. Như vậy, hết ngày 15.1, Myanmar có tổng cộng 133.378 người nhiễm virus SARS-Cov-2, trong đó có 2.926 người không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Samut Sakhon, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định lập vùng kiểm soát đặc biệt để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan diện rộng. Nước này trong ngày không phát sinh ca tử vong nào mới vì đại dịch.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 39.008 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 397 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.736.245 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.479.344 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Lào, Timor Leste và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 15.1.  

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Số người chết vì COVID-19 đã vượt qua 2 triệu