Cải lương thiếu soạn giả mới, đó là điều được nói đến rất nhiều suốt thời gian qua. Thế nhưng, tại Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra tại Long An hồi tháng 11 vừa qua, có sự xuất hiện của ba tác giả trẻ.
Đó là Phạm Văn Đằng với vở Chân dung người đi mở cõi, Sống mãi với non sông, Câu hò đất mẹ; Lâm Hữu Tặng với vở Dạ cổ hoài lang và Nguyên Phương với vở Làm vua.
Ba gương mặt trẻ tham gia trong một liên hoan sân khấu lớn là con số khiêm tốn, nhưng nó cũng thắp lên một tia hy vọng cho một thế hệ soạn giả kế thừa trong tình cảnh cải lương còn vẫn còn cố vẫy vùng để tồn tại.
Soạn giả Hoàng Song Việt cho biết: “Nếu chỉ xét trong các kỳ liên hoan, sự xuất hiện của các tác giả trẻ chưa nhiều cũng là điều dễ hiểu, vì phần lớn chưa đủ lực, cần có người dìu dắt chăm chút cho tác phẩm mới đủ chất lượng dự thi. Phạm Văn Đằng, Lâm Hữu Tặng và Nguyên Phương là ba trong số tác giả thế hệ mới đang khẳng định được mình.
Việc họ xuất hiện trong liên hoan chuyên nghiệp là một bước đột phá trong hành trình sáng tác. Thiệt thòi của các bạn trẻ ngày nay là nhu cầu sử dụng kịch bản không cao, lý do khán giả xem cải lương chưa đủ nhiều. Viết kịch bản mà không có đất dụng võ, không có cơ hội mài giũa, rất khó rút tỉa kinh nghiệm để trưởng thành”.
Những người trẻ “khác thường”
Theo soạn giả Hoàng Song Việt, các sân khấu công lập có kinh phí nhà nước sản xuất theo chỉ tiêu hàng năm, có thể tạo điều kiện cho tác giả trẻ viết có chiều sâu nội dung, hoàn chỉnh về cấu trúc kịch bản, nhưng cơ hội vẫn ít. Các sân khấu tư nhân bỏ tiền đầu tư tham gia hội diễn chuyên nghiệp cũng đồng thời tính đến việc diễn bán vé sau đó, rất cần thu hồi vốn nên họ cần các tên tuổi soạn giả uy tín, ít ai dám trao cơ hội cho gương mặt mới. Tác giả cần tiền để sống, vậy nên, nếu họ cặm cụi viết kịch bản vài tháng ròng rồi bỏ đó, họ sẽ mất lửa và chuyển hướng. Điều này dẫn đến tài năng chưa kịp mài giũa, chưa kịp bộc lộ thì đã bỏ cuộc chơi. Vì vậy, liên hoan hội diễn chỉ quanh quẩn vài gương mặt quen thuộc.
Thực tế, vẫn có nhiều bạn trẻ muốn gắn bó với cải lương, nhưng niềm đam mê chưa đủ lớn để vượt qua nỗi lo "cơm áo gạo tiền". Người còn ở lại chắc chắn là “những chú lính chì”, vừa có tài năng, vừa dám hy sinh vật chất, vừa may mắn tận dụng được cơ hội quý hiếm. Cho đến lúc cái tên của họ được nhắc đến tại một liên hoan lớn, nghĩa là trước đó khá lâu họ đã miệt mài cống hiến.
Phạm Văn Đằng sinh ra ở vùng đất cải lương - tỉnh Hậu Giang, từ nhỏ cải lương đã ngấm vào máu. Anh quyết định trở thành kép hát nên thi vào lớp trung cấp diễn viên cải lương Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM, nhưng cả 2 lần đều rớt. Sau đó, anh thi vào học chuyên ngành Nga - Anh, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Được một nghệ sĩ cải lương khuyến khích, anh học dự thính kịch hát dân tộc cải lương Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM. Học xong, phát hiện mình không đủ năng lực thành kép hát, thế là anh tạm rời bỏ ước mơ và thi vào học chuyên ngành Nhật Bản, Đại học Hồng Bàng như là hướng đi mới.
Nhưng nỗi nhớ cải lương vẫn thôi thúc.
Lúc này, anh nhớ lại mình đã từng viết nhiều bài ca cổ cho một số sinh viên khoa cải lương hát. Những người ấy sau này trở thành nghệ sĩ có tiếng nên họ khuyến khích anh chuyển sang viết bài hát và kịch bản. Nghệ sĩ Thanh Phong đã giới thiệu anh đến đài truyền hình TP.HCM. Bài hát được phát sóng, anh tự tin năng khiếu sáng tác nên tiếp tục cống hiến. Các đài khác như Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Kiên Giang liên tục đặt hàng. Năm 2007, hãng phim Bình Minh đặt anh viết tuồng để phát sóng trên VTV Cần Thơ. Đó là vở Giọt máu chung tình. Sau khởi đầu này, dù còn lúng túng nhưng anh quyết tâm mày mò học hỏi từ các bài học của thầy cô. Từ đó, anh viết nhiều tuồng cho hãng phim VTV.
Năm 2018, tác giả Hoàng Song Việt đã tạo cơ hội cho anh đứng cùng tên vở Thầy ba Đợi nhân kỷ niệm 100 năm hình thành nghệ thuật cải lương. Từ đó, anh được tin tưởng đặt viết nhiều tuồng “nặng ký” hơn. Tại cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2022, anh có 7 trích đoạn cho 3 vòng thi, đoạt giải thưởng Tác giả có nhiều đóng góp hiệu quả cho cuộc thi.
Lâm Hữu Tặng cũng mê cải lương từ nhỏ và xác định làm việc gì đó gắn bó cải lương. Vì vậy, từ hồi đại học anh cộng tác cho báo Sân khấu. Năm 2019, anh học hát và bài bản cải lương từ thầy Bảy Quý. Lúc này anh đăng các bài vọng cổ anh sáng tác đăng trên mạng. Biên tập kiêm soạn giả cải lương Võ Tử Uyên dõi theo và giới thiệu anh đến trại sáng tác của đài truyền hình Bình Phước và bài vọng cổ Ngoại ơi của anh được chọn phát sóng trên đài này. Kế đến, anh lần mò viết vở tuồng đầu tiên tên Nỗi niềm hối hận.
Ngưng viết tuồng một thời gian, anh sáng tác hơn 300 bài tân cổ và ca cổ cho nhiều chương trình. Một sự kiện quan trọng trong sự nghiệp sáng tác, anh được chọn chuyền thể vở cải lương Cải ơi phóng tác trên truyện ngắn Cải ơi, về đâu của Nguyễn Ngọc Tư.
Tại Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp tháng 11.2022, Lâm Hữu Tặng thi tài với vở Dạ cổ (do anh chuyển thể từ kịch bản kịch nói Dạ cổ hoài lang của cố nghệ sĩ Thanh Hoàng).
Một soạn giả trẻ khác, cũng có một thành tích không kém cạnh là Nguyên Phương - người trẻ nhất trong nhóm 3 tác giả trẻ. Phương học khoa diễn viên nhưng sớm bộc lộ khả năng sáng tác, được tác giả Lê Duy Hạnh phát hiện và bồi dưỡng. Bên cạnh đó, Phương được thầy mình là Ths Lê Nguyên Đạt, kiêm ông bầu sân khấu Sen Việt tạo điều kiện viết nhiều vở tuồng. Trong đó, vở Nhật thực theo phong cách mới đã từng đoạt được giải thưởng tại Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế diễn ra tại Hà Nội.
Ngoài ra, Phương còn viết nhiều vở được đánh giá tốt về văn phong, thẩm mỹ và kịch tích như: Đối thoại Lý Chiêu Hoàng, Ai là thủ phạm, Án tình. Năng lực ngày càng được khẳng định, Phương được nhiều nghệ sĩ và các đài truyền hình đặt hàng viết bài ca lẻ và tiểu phẩm. Sau khi tốt nghiệp khoa đạo diễn sân khấu, Phương tiếp tục học lên thạc sĩ.
Chấp nhận khó khăn
Hiện tại, cả 3 tác giả trẻ kể trên có thể xem sống được với nghề soạn giả cải lương. Thế nhưng, khái niệm sống được ở đây được hiểu là tạm ổn trong mức gói ghém chứ không thể dư giả như nhiều ngành nghề khác. Với mức thu nhập hiện tại, họ có đủ năng lượng để sáng tác, nhưng nếu xảy ra một sự cố gì đấy cần nhiều tiền để giải quyết, thật sự nan giải. Nhưng với họ theo đuổi cải lương là nghiệp dĩ, là đam mê nên họ hạnh phúc với lựa chọn ấy. Nếu không có những người lãng mạn và sống theo tinh thần không xem trọng vật chất này, cải lương khó có một thế hệ tiếp nối.
Lâm Hữu Tặng chia sẻ: “Người trẻ viết tuồng lớn rơi vào tình cảnh chông chênh, phiêu lưu vì họ thiếu kinh nghiệm. Cải lương nhiều thập niên rơi vào khủng hoảng, đoàn cải lương ít dàn dựng tuồng dài vì khán giả ít dần, viết không có đầu ra. Vậy nên hiện nay còn nhiều bạn trẻ đam mê sáng tác nhưng chỉ dừng lại ca cổ và tân cổ giao duyên chứ không viết tuồng dài, vì có viết cũng không ai dùng. Trường hợp tôi được ông bầu Gia Bảo mời chuyển thể Dạ cổ là điều rất bất ngờ. Những người có cơ hội như tôi vẫn còn rất hiếm, nên tôi rất mong được tạo điều tốt hơn”.
Trong các bước tạo ra một tác phẩm sân khấu, kịch bản là khâu quan trọng đầu tiên, vì không có nó tức không có câu chuyện để kể. Nhiều năm qua, tại Việt Nam tình trạng khủng hoảng kịch bản hay. Muốn cải thiện tình hình, chắc chắn phải bồi dưỡng một lực lượng sáng tác trẻ và tạo điều kiện cho họ làm nghề. Bằng cách nào, câu hỏi này thuộc về những nhà điều hành và quản lý.