Ngày 6.4, ông Đặng Văn Ngọ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Sóc Trăng (SocTrang Waco) cùng lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sóc Trăng đã đến Phân trường Phú Lợi (xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành) để khảo sát nơi dự kiến xây dựng nhà máy nước mặt lớn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sóc Trăng cho biết : "Tổng diện tích của phân trường Phú Lợi trên 910ha. Nơi đây đang được UBND tỉnh Sóc Trăng kêu gọi đầu tư vào một số dự án thuộc lĩnh vực du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao... nên việc đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt có công suất lớn là rất cần thiết".
Ông Đặng Văn Ngọ cho biết: "Đầu năm 2024, mùa khô hạn và xâm nhập mặn đến sớm trên diện rộng nên không chỉ Sóc Trăng mà các tỉnh lân cận cũng ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sạch cho người dân. Từ ngày 8.2, nước mặn đã xâm nhập khu vực doanh nghiệp khai thác nước mặt, độ mặn tăng dần từ 270 lên 760mg/lít. Hiện độ mặn dao động từ 630 - 660mg/lít. Đây là nguyên nhân khiến doanh nghiệp khai thác nước mặt chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc mặn xâm nhập".
Không chỉ mặn xâm nhập nguồn nước mặt mà nước ngầm cũng nhiễm mặn. Vì vậy, các nhà máy khai thác nước ngầm tại TP.Sóc Trăng phải tăng cường hoạt động các giếng tầng nông (có độ mặn tương đối cao) vượt ngưỡng cho phép rất nhiều. Có những giếng nhiễm mặn trước đây không khai thác, hiện đã khai thác trở lại để pha vào nguồn nước không nhiễm mặn.
Trước hiện trạng thiếu nước sạch, từ tháng 9.2023, Công ty cổ phần Cấp nước Sóc Trăng đã đề xuất UBND tỉnh về việc quy hoạch vị trí, diện tích đất để đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt công suất 200.000m3/ngày đêm tại khu vực cách TP.Sóc Trăng khoảng 20km. Khu vực thuận lợi được doanh nghiệp đề xuất là đất rừng của phân trường Phú Lợi với diện tịch 110ha. Đây là đất công đang giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Sóc Trăng quản lý.
Ông Đặng Văn Ngọ cho biết: "Hiện nay công ty có 24 nhà máy nước ở 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh với công suất 100.000m3/ngày đêm, phục vụ cho 100.000 khách hàng. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra liên tục, có năm kéo dài nhiều tháng nên ảnh hưởng đến nguồn nước mặt cũng như nước ngầm của các nhà máy của công ty. Sản lượng khai thác từ nước mặt, nước ngầm của đơn vị đều giảm xuống. Nhà máy của đơn vị phân tán ở các địa bàn, công suất nhỏ nên việc cung cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh bị ảnh hưởng và thiếu nghiêm trọng. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý nước mặt có công suất lớn tập trung là rất cần thiết nên công ty đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề xuất quy hoạch vị trí, diện tích đất đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt công suất 200.000m3/ngày đêm...
Theo ông Ngọ, sau khi khảo sát vị trí cũng như chất lượng nguồn nước, hội đồng quản trị công ty đã thảo luận và đề xuất đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt công suất 200.000m3/ngày đêm tại phân trường Phú Lợi, thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sóc Trăng, nằm trên địa bàn xã Hồ Đắc Kiện (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng). Khu vực này là đất hiện do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Sóc Trăng quản lý.
Diện tích đề xuất quy hoạch xây dựng nhà máy nước mặt là 110ha. Các hạng mục dự kiến xây dựng gồm: Công trình thu nước, các hồ chứa nước sơ lắng quy mô lớn để đảm bảo trữ lượng cũng như chất lượng nước, hệ thống nhà máy xử lý nước, nhà làm việc và các công trình phụ trợ. Tổng kinh phí dự kiến trên 3.000 tỉ đồng.
Vị trí Công ty cổ phần Cấp nước Sóc Trăng đề xuất xây dựng nhà máy nước mặt rất thuận lợi khi nằm cặp con kênh Gòn nối thông với kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp. Đặc biệt, ở đây có sẵn hệ thống ao gồm 17 ao, rộng từ 2.000 - 3.000m2 do lâm trường đào từ nhiều năm trước, nay không sử dụng.
Ông Đặng Văn Ngọ nói: Với hệ thống 17 ao này, khi được chấp thuận đầu tư xây dựng, chúng tôi sẽ cải tạo, mở rộng các ao này thành các hồ chứa nước.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sóc Trăng cho biết: "Nước ở các con kênh này là nước ngọt quanh năm từ sông Hậu đổ về kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp, chưa khi nào bị thiếu nước. Cũng nhờ nguồn nước ngọt này mà nông dân ở xã Hồ Đắc Kiện sản xuất gặp nhiều thuận lợi, kể cả làm lúa vụ 3 vẫn trúng mùa, không bị thiệt hại như ở các địa phương khác trong tỉnh. Nếu xây dựng nhà máy nước mặt ở đây thì rất tốt khi hội tụ đủ điều kiện như gần trung tâm TP.Sóc Trăng, gần quốc lộ 1A, gần lộ Quản Lộ-Phụng Hiệp và nhất là nguồn nước ngọt dồi dào".
Theo ông Ngọ, nếu được UBND tỉnh chấp thuận, việc đầu tư xây dựng nhà máy khoảng 2 - 3 năm là hoàn thành, đủ cung cấp nước ngọt cho các địa phương trong tỉnh.