Theo dự báo của Viện khoa học thủy lợi miền Nam, mùa khô năm 2022-2023, hạn mặn có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các vùng ven biển và vùng chuyên sản xuất cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng.

Sóc Trăng chủ động ứng phó với hạn, mặn

Lương Xuân Cao | 22/02/2023, 20:54

Theo dự báo của Viện khoa học thủy lợi miền Nam, mùa khô năm 2022-2023, hạn mặn có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các vùng ven biển và vùng chuyên sản xuất cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng.

Trong mùa khô năm 2022-2023, độ mặn cao nhất tại các trạm đo trên sông Hậu có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 2 và tháng 3. Đối với các trạm đo mặn trên sông Mỹ Thanh và trên kênh Quản Lộ Phụng Hiệp có khả năng xuất hiện muộn hơn khoảng một tháng nhưng đều ở mức cao hơn.

z4129528433808_76a4850012bdc397843aec0ec42484b6.jpg
Cống kiểm soát nguồn nước ở Sóc Trăng - Ảnh: Lương xuân Cao

Nhằm chủ động triển khai các biện pháp ứng phó trước tình hình, diễn biến xâm nhập mặn trong mùa khô 2022-2023, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn; đảm bảo thực hiện tốt ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng, cho biết: “Mùa khô năm 2023, diễn biến mặn có thể sẽ gay gắt. Do đó, ngay từ đầu năm nay, các ngành chức năng đã chủ động ứng phó nhằm tránh rủi ro, hạn chế thiệt hại và bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Đến thời điểm này chưa ảnh hưởng nhiều, các địa phương cũng đang kiểm soát tốt”.

Từ đầu tháng 2 đến nay, tại huyện Kế Sách - nơi có diện tích cây ăn trái lớn nhất của tỉnh với gần 18.000 ha trồng xoài, vú sữa, bưởi, cam, sầu riêng, nhãn... nước mặn xâm nhập vào địa bàn, với số liệu đo mặn cao nhất tại trung tâm huyện khoảng hơn 4g/l (phần nghìn).

Trước tình hình đó, người dân địa phương đã chủ động mua thiết bị đo mặn, thử nồng độ nước mặn trước khi lấy nước tưới tiêu cho vườn cây ăn trái; chủ động nạo vét ao, mương, bơm dự trữ nước phòng tình trạng mặn xâm nhập trong những ngày tiếp theo.

z4129528433182_0d96aff038dfde020ac26268b18f6336.jpg
Gia cố đê bao ở Kế Sách - Ảnh: Lương Xuân Cao 

Ông Lê Vũ Đức, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kế Sách cho biết: “Toàn huyện có gần 1.300 ha trồng sầu riêng, trong đó trên 60% diện tích cho trái tập trung ở các xã Xuân Hòa, Ba Trinh, Trinh Phú. Đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao và không có khả năng chống chịu nước mặn”.

Ông Đức cho biết thêm, huyện Kế Sách có 24 km tiếp giáp với sông Hậu và cách biển từ 42-64 km, thuộc vùng dự án thủy lợi hở (chưa có cống ngăn mặn giáp với sông Hậu), chỉ khép kín từng khu vực có quy mô 30-50 ha nên khả năng trữ nước trong kênh thủy lợi không nhiều.

Tại huyện Cù Lao Dung, vùng trọng điểm thứ 2 của tỉnh về trồng cây ăn trái, nhằm ứng phó với tình hình mặn xâm nhập trong mùa khô năm 2023, địa phương cũng đã chủ động gia cố đê bao, xây dựng kế hoạch nhằm chủ động ứng phó với mặn xâm nhập, bể bờ bao mặn tràn vào gây thiệt hại cho cây trồng. Đồng thời, chỉ đạo ngành chuyên môn thường xuyên kiểm tra, duy tu bảo dưỡng cống ngăn mặn, vận hành thông suốt, đảm bảo hệ thống đê bao an toàn; triển khai những mô hình tưới nước tiết kiệm, giúp người dân ứng dụng vào sản xuất.

Theo Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng, dự báo độ mặn cao nhất từ ngày 20.2 - 26.2, tại Trần Đề ở mức 19,7 g/l; tại Long Phú 15,9 g/l; tại Đại Ngãi 8,5 g/l; tại Rạch Mọp 6,6 g/l; tại Thạnh Phú 2,8 g/l; tại TP.Sóc Trăng 3,2 g/l; tại Ngã Năm 3,1 g/l. Trong thời gian từ nay đến tháng 3, nước mặn sẽ xâm nhập gay gắt hơn, với nồng độ mặn 4 phần ngàn trở lên có thể xâm nhập theo sông Hậu vào khoảng 60 km.

Trước tình hình đó, Chi cục Thủy lợi đã chủ động triển khai các giải pháp chống hạn, mặn; trong đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình xâm nhập mặn để có thông báo, cảnh báo kịp thời với các địa phương người dân chủ động trong công tác ứng phó.

Phối hợp với đơn vị liên quan tiến hành quan trắc độ mặn trên các sông, kênh, rạch, nhất là các điểm quan trọng như, các cống đầu nguồn, lấy nước phục vụ sản xuất và số liệu đo mặn được cập nhật hàng ngày trên các phương tiện thông tin của địa phương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sóc Trăng chủ động ứng phó với hạn, mặn