Mượn một phần đất của dân để đào kênh dẫn nước cách đây gần 40 năm, hiện nay đoạn kênh không còn giá trị sử dụng do bị san lấp nhưng các cấp chính quyền của tỉnh Sóc Trăng chẳng những không trả mà còn đang củng cố hồ sơ, giành quyền quản lý với diện tích được mở rộng gần gấp 3 lần diện tích được mượn ban đầu.

Sóc Trăng: Đất mượn của dân không trả, lại muốn đòi thêm!

Hồng Thanh | 08/10/2020, 17:12

Mượn một phần đất của dân để đào kênh dẫn nước cách đây gần 40 năm, hiện nay đoạn kênh không còn giá trị sử dụng do bị san lấp nhưng các cấp chính quyền của tỉnh Sóc Trăng chẳng những không trả mà còn đang củng cố hồ sơ, giành quyền quản lý với diện tích được mở rộng gần gấp 3 lần diện tích được mượn ban đầu.

Từ “mượn tạm” đến giành quyền quản lý

Nội dung phản ánh nêu trên được đại diện gia đình bà Nguyễn Thị Kim Mừng (SN 1939, ngụ tại ấp An Ninh 2, thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cung cấp cho chúng tôi sáng 8.10. Theo trình bày của bà Mừng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) của bà do UBND huyện Kế Sách cấp ngày 26.10.1996 có diện tích hơn 28.000m2 gồm 4 thửa 02, 120, 878 và 788. Tại thửa số 120 và 788 có thể hiện đoạn kênh thủy lợi (do Nhà nước quản lý) nhưng không chú thích diện tích cụ thể là bao nhiêu.

Về đoạn kênh này ông Lê Ngọc Giàu (con ruột, người đại diện theo ủy quyền của bà Mừng) cho biết: “Toàn bộ diện tích đất của gia đình tôi được thừa kế từ các thế hệ trước do khai khẩn mà có. Năm 1982 chính quyền và ngành chức năng địa phương đến vận động gia đình mượn tạm một phần đất để đào đoạn kênh dẫn nước (rộng 4 mét, dài 150 mét).

3.jpg

Các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng nhiều lần bác yêu cầu hợp thức hóa phần đất đoạn kênh của gia đình ông Lê Ngọc Giàu nhưng không đưa ra được bằng chứng, cơ sở nào để chứng minh đoạn kênh nằm trong hệ thống kênh thủy lợi của địa phương - Ảnh: Hồng Thanh

Mục đích đào đoạn kênh là nhằm dẫn nước phục vụ trạm y tế xã (lúc đó An Lạc Thôn chưa lên cấp thị trấn) và giúp người dân chuyển bệnh nhân đến điều trị được dễ dàng vì đường bộ còn khó khăn. Từ năm 2010 đến nay do thấy đoạn kênh bị san lấp gần hết, trạm y tế cũng đã chuyển đến nơi khác nên gia đình tôi liên tục có đơn yêu cầu các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng tạo điều kiện cho hợp thức hóa phần đất đoạn kênh nhưng không được giải quyết”, ông Giàu nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng viện dẫn đây là “kênh thủy lợi” nên bác đơn yêu cầu của gia đình ông Giàu.

Không có cơ sở nhưng vẫn muốn đòi thêm?

Ngàỳ 22.9.2020, ông Giàu tá hỏa khi được ông Dương Lương Tâm, Phó chủ tịch UBND thị trấn An Lạc Thôn mời tới trụ sở làm việc và thông báo: Tổ công tác của UBND huyện Kế Sách sau khi tiến hành các bước xác minh, kiểm tra, đo đạc đã xác định đoạn kênh có chiều rộng 10 mét, dài gần 160 mét! Ông Tâm yêu cầu ông Giàu ký vào biên bản xác nhận số liệu đo đạc mới của đoạn kênh nhưng ông Giàu không đồng ý vì nhận thấy tổng diện tích đoạn kênh bỗng dưng lại biến động lớn, phình ra gần gấp 3 lần diện tích ban đầu, “ăn” thêm vào 2 thửa số 120 và 788 gần 5,5 mét.

4(1).jpg

Ngày 22.9, ông Giàu được UBND thị trấn An Lạc Thôn mời tới thông báo số liệu đo đạc mới - Ảnh: Hồng Thanh

Trước đó, ngày 15.9.2020, ông Giàu được ông Phạm Thế Hoàng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn An Lạc Thôn “nhắn” lên gặp. Tại cuộc gặp này ông Hoàng khẳng định trước đây mục đích đào kênh là để phục vụ đi lại chứ không phải phục vụ sản xuất nhưng lại “động viên” gia đình ông Giàu đồng ý với diện tích con kênh (chiều rộng 10 mét, dài gần 160 mét). Ông nói sau này nếu Nhà nước có triển khai đồ án quy hoạch đô thị thì chỉ nhận bồi thường ở phần “đất thịt” chứ không được nhận bồi thường diện tích đất trên con kênh.

Ông Giàu bức xúc: “Tôi không hiểu họ căn cứ vào đâu để đưa ra số diện tích đó? Trong khi các nhân chứng, trong đó có ông Phạm Thọ, nguyên Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Kế Sách khẳng định vào năm 1982 chính ông vận động gia đình tôi cho mượn đất đào đoạn kênh chiều ngang 4 mét, dài 150 mét.

7.jpg

Xác nhận của ông Phạm Thọ, nguyên Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Kế Sách về việc vận động gia đình bà Mừng cho đào kênh trên đất - Ảnh: Hồng Thanh

Các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng không đưa ra được bằng chứng, cơ sở nào để chứng minh đoạn kênh này nằm trong hệ thống kênh thủy lợi của địa phương nhưng không cho gia đình tôi hợp thức hóa phần đất trên đoạn kênh đó. Giờ đây bỗng dưng đưa ra số liệu đo đạc mới, với diện tích lớn gấp gần 3 lần, như vậy có phải là không muốn trả mà lại muốn lấy thêm?”, ông Giàu đặt câu hỏi.

Phóng viên liên hệ với các ông Phạm Thế Hoàng và Dương Lương Tâm để làm rõ nội dung người dân phản ánh nhưng đều bị từ chối. Ông Hoàng nói: “Tôi đang nằm bệnh viện”. Còn ông Tâm cho hay: “Không có sự ủy quyền của chủ tịch, không tiếp nhà báo”.

Sau đó phóng viên tiếp tục liên hệ với ông Lê Hoàng Hển, Phó trưởng Phòng TN-MT huyện Kế Sách - người được UBND huyện Kế Sách cử làm Tổ trưởng Tổ công tác xác minh trường hợp liên quan đến vấn đề đất đai của gia đình ông Giàu. Và ông Hển khẳng định: “Số liệu con kênh có chiều rộng 10 mét, dài gần 160 mét là căn cứ vào dữ liệu hồ sơ địa chính quản lý từ năm 1994 tới nay”. Khi được hỏi số liệu này có tham khảo ý kiến các cơ quan quản lý các công trình thủy lợi hay không, ông Hển không trả lời.

Một Thế Giới sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sóc Trăng: Đất mượn của dân không trả, lại muốn đòi thêm!