Ông Quang dùng căn nhà trị giá 2,1 tỉ đồng để bảo lãnh cho doanh nghiệp vay 1,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, phụ lục hợp đồng sau đó được điều chỉnh bảo lãnh cho nghĩa vụ trả nợ đến 9 tỉ đồng.
Ngày 11.10, ông Đỗ Văn Ngọc (ngụ khóm 8, P.3, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) cho biết sẽ làm đơn yêu cầu xem xét theo trình tự giám đốc thẩm đối với bản án kinh doanh thương mại do TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên ngày 10.10. Đây là án phúc thẩm do bà Trương Tố Hương làm chủ tọa, còn ông Ngọc là người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
"Bản án không thật sự khách quan, chưa đúng với nội dung vụ án. Việc đảo nợ chưa được làm rõ. Phụ lục hợp đồng số 01 không được làm rõ xem có đúng pháp luật hay chưa vì phụ lục này mà người có quyền và nghĩa vụ liên quan phải mất trắng tài sản", ông Ngọc nói.
Theo tuyên án ngày 10.10 của TAND tỉnh Sóc Trăng, tuyên buộc Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại Vị Xuyên (ở Nam Định) trả cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) gần 7,6 tỉ đồng. Trong đó, nợ gốc chỉ trên 1,7 tỉ đồng, còn lại là tiền lãi kéo dài từ năm 2011 đến nay.
Hồ sơ tố tụng thể hiện tháng 1.2018, Agribank khởi kiện yêu cầu tòa án buộc Công ty Vị Xuyên phải trả nợ gốc và lãi hơn 7,5 tỉ đồng. Nguyên đơn cũng yêu cầu tòa án tuyên phía ngân hàng được quyền bán tài sản là căn nhà 1 trệt 2 lầu của ông Vũ Ngọc Quang ở P.2, TP.Sóc Trăng.
Căn nhà này từng được Agribank chi nhánh Sóc Trăng định giá 2,1 tỉ đồng vào tháng 12.2007 (hợp đồng bảo lãnh số 3618). Lúc đó, ông Quang giao nhà cho ngân hàng để làm tài sản bảo lãnh khoản vay 1,5 tỉ đồng (hợp đồng tín dụng 3617 đã tất toán) của Công ty Vị Xuyên tại Agribank Sóc Trăng.
Bản phụ lục số 01 gây tranh cãi- Ảnh: Trúc Mai
Năm 2012, toàn bộ nhà xưởng của Công ty Vị Xuyên tại khu công nghiệp An Nghiệp (Sóc Trăng) bị phát mãi thi hành án nhưng vẫn không trả hết nợ. Vì vậy, Agribank yêu cầu bán cả nhà riêng của ông Quang để thu nợ. Theo ngân hàng, căn nhà này được thế chấp bảo lãnh nhiều lần, lần sau cùng là vào tháng 6.2011, để Công ty Vị Xuyên vay 4 tỉ đồng phục vụ sản xuất.
Việc khuất tất xảy ra khi ngày 24.6.2011, Agribank chi nhánh Sóc Trăng ra phụ lục số 01 của hợp đồng bảo lãnh 3618 (nhưng ngân hàng ghi sai, chữ "bảo lãnh" thành "tín dụng"). Lúc này, không hiểu sao căn nhà trị giá 2,1 tỉ của ông Quang đã được ngân hàng cho phép bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ đến 9 tỉ đồng
Tại tòa sơ thẩm tháng 4.2019, đại diện cho bị đơn là ông Đỗ Văn Ngọc chỉ ra những chỗ sai của phụ lục số 01. Đặc biệt là giá trị căn nhà của ông Quang từng được Agribank Sóc Trăng định giá 2,1 tỉ thì không lý do vì ngân hàng này lại cho vay đến 4 tỉ đồng.
"Tháng 6.2011, chi nhánh Công ty Vị Xuyên tại Sóc Trăng không còn hoạt động, tất cả nhà xưởng đã bị kê biên bán đấu giá nên Agribank cho vay tiền để sản xuất là rất vô lý. Việc cho vay này là nhằm đảo nợ để tránh xảy ra dư nợ xấu. Bất thường nhất là tài sản 2,1 tỉ lại được ngân hàng cho đảm bảo nợ vay đến 9 tỉ đồng", ông Ngọc nói.
Dù bị đơn đưa ra những dấu hiệu bất thường nhưng TAND TP.Sóc Trăng vẫn buộc Công ty Vị Xuyên trả nợ cho Agribank trên 7,5 tỉ đồng. Nếu bị đơn không trả thì ngân hàng được quyền xử lý căn nhà của ông Quang để thu hồi nợ. Công ty Vị Xuyên và ông Quang sau đó kháng cáo nhưng cấp phúc thẩm là TAND tỉnh Sóc Trăng đã bác đơn, tuyên y án sơ thẩm.
Luật sư Trần Quốc Dũng (Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng) nói rằng hợp đồng bảo lãnh 3618 với phụ lục số 01 sai cả về nội dung lẫn hình thức. Cụ thể, hợp đồng thì ghi "bảo lãnh" nhưng phụ lục lại ghi "tín dụng"; hợp đồng có chứng thực, còn phụ lục không chứng thực và giá trị căn nhà với giá trị bảo lãnh chênh lệch quá lớn.
Còn luật sư Trần Thị Ánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì nói: "Phụ lục 01 ghi chung về việc bảo lãnh các hợp đồng tín dụng, không ghi rõ hợp đồng nào. Giá trị căn nhà định giá 2,1 tỉ thì không thể bảo lãnh vay 9 tỉ đồng. Phụ lục 01 không có dấu giáp lai, trang 1 không có chữ của ông Quang là sai".
Luật sư Ánh còn phân tích rằng tại phần chứng thực củahợp đồng bảo lãnh số3618,Phó chủ tịch UBND P.2(TP.Sóc Trăng)khi chứng thực đãkhông xác định rõ chủ thể tham gia hợp đồng gồm bên nhận bảo lãnh, bên bảo lãnh lànhữngai, cá nhân hay pháp nhân và kể cảbên được bảo lãnh đều không thể hiện trong lời chứng.
"Theo quy địnhtạiđiều 13 Nghị địnhsố75/2000/NĐ-CP ngày 8.12.2000của Chính phủvềcông chứng - chứng thực,quy định nội dung lời chứng phải rõ ràng, chặt chẽ và phải tuân theo mẫu của Bộ Tư pháp. Vì thế lời chứng thực trong hợp đồng bảo lãnh số 3618 do Phó chủ tịch UBND P.2, TP.Sóc Trăng ký là vô giá trị”, luật sư Ánh khẳng định.
Còn ông Đỗ Văn Ngọc thì nói: "Bản án không thật sự khách quan, chưa đúng với nội dung vụ án. Việc đảo nợ chưa được làm rõ. Phụ lục hợp đồng số 01 không được làm rõ xem có đúng pháp luật hay chưa vì phụ lục này mà người có quyền và nghĩa vụ liên quan phải mất trắng tài sản".
Trúc Mai