Lễ hội Cà phê 2023 là cơ hội để khẳng định mạnh mẽ vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 với chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới" sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 14.3.2023 tại TP.Buôn Ma Thuột và một số địa phương trong tỉnh Đắk Lắk. Để hiểu rõ hơn về Lễ hội cùng như tình hình phát triển mặt hàng cà phê, Một Thế Giới đã có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Văn Lạng - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2023 có những điểm gì đặc biệt so với các năm trước, thưa ông?
TS Nguyễn Văn Lạng: Lễ hội năm nay được đánh giá có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Đây là dịp để tôn vinh văn hóa cà phê, người trồng cà phê và ngành cà phê; quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành "Điểm đến của cà phê thế giới". Lễ hội cũng là cơ hội để tỉnh Đắk Lắk giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác của tỉnh.
So với Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 có thêm hoạt động mới, khác biệt như: Lễ hội ánh sáng, Cuộc thi video clip giới thiệu về cà phê Buôn Ma Thuột và biểu diễn vở ca kịch "Khát vọng Đam San". Lần này, Ban tổ chức không sử dụng voi tham gia Lễ hội đường phố và diễu hành, thay vào đó là mời các đoàn nghệ thuật quốc tế tham dự, diễu hành để phù hợp với chủ đề Lễ hội đường phố "Buôn Ma Thuột - Nơi hội tụ ba nền văn minh cà phê thế giới".
Lễ hội dự kiến có 18 hoạt động chính như: Lễ khai mạc, Hội nghị kết nối giao thương quốc tế, Lễ hội đường phố, Hội thi Nhà nông đua tài, Lễ hội ánh sáng, Triển lãm trưng bày và hội thi sinh vật cảnh, Hội voi Buôn Đôn, Hội đua thuyền độc mộc huyện Lắk. Ngoài ra, lễ hội còn nhiều hoạt động tôn vinh ngành hàng cà phê như: Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê, Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, Triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề "Văn hóa cà phê Việt Nam" và "Lịch sử cà phê thế giới", Cuộc thi pha chế cà phê đặc sản, Ngày hội cà phê miễn phí, Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê, Cuộc thi video clip giới thiệu về cà phê Buôn Ma Thuột.
Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk còn tổ chức các tour du lịch trải nghiệm và khám phá sản phẩm du lịch mới, biểu diễn vở ca kịch "Khát vọng Đam San" phục vụ du khách.
- Điểm nhấn của lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2023 là gì, thưa ông?
TS Nguyễn Văn Lạng: Lễ hội cà phê năm 2023 sẽ có cuộc thi pha chế cà phê đặc sản, đây là điểm nhấn của năm nay. Điểm quan trọng của chương trình này là có rất nhiều chuyên gia của thế giới sẽ thưởng nếm cà phê Buôn Ma Thuột và chấm điểm theo thang điểm cà phê thế giới. Sau đó là vinh danh thương hiệu cà phê ngon nhất. Ngày 10.3 sẽ có 472 quán cà phê trên toàn tỉnh Đắk Lắk cho uống cà phê miễn phí trong một ngày. Ngoài ra còn có cuộc thi chế tác gỗ cà phê của các nghệ nhân...
Trên thực tế, Lễ hội cà phê được thành lập từ ngày 02.12.2005, tôi là người khởi xướng và đạo diễn chương trình này từ những năm đầu tiên. Bộ Khoa học Công nghệ sau đó đã cấp chỉ dẫn địa lý cho cà phê Buôn Ma Thuột. Sau đó, Thủ tướng đã quyết định đây là lễ hội mang cấp quốc gia, tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào tháng 3. Đây là chính là thời điểm đẹp nhất trong năm ở Tây Nguyên, và cũng là dịp có rất nhiều sự kiện văn hóa.
Lễ hội cũng là cơ hội để tỉnh Đắk Lắk giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác của tỉnh.
- Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2023 có hướng đến các hoạt động quảng bá thương hiệu cà phê để gia tăng xuất khẩu thời gian tới, trong đó ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến cà phê là một điểm nhấn. Là một chuyên gia, lãnh đạo đã từng gắn bó với cà phê từ rất sớm, ông nhìn nhận thế nào về việc ứng dụng khoa học công nghệ của Việt Nam vào chế biến cà phê hiện nay?
TS Nguyễn Văn Lạng: Xuất khẩu cà phê của cả nước đã đạt trên 4 tỉ USD năm 2022. Thị trường trong nước rất lớn nhưng vẫn còn bỏ ngỏ. Hiện có 63 nước trên thế giới đang nhập khẩu cà phê của Việt Nam. Nếu làm tốt thì kim ngạch xuất khẩu có thể tăng lên 5 tỉ USD, thậm chí là 10 tỉ USD. Lợi nhuận ăn ở khâu chế biến rất lớn. Một kg cà phê chưa tới 50.000 đồng, nhìn giá 1 ly cà phê và giá một kg cà phê thì mới thấy được khoảng cách giữa nguyên liệu, hạt cà phê, ly cà phê, 1kg cà phê bột, viên, hòa tan thì mới thấy giá trị gia tăng còn rất lớn.
Từ cà phê có thể làm ra được nhiều sản phẩm đặc sản khác, ví dụ như: rượu vang từ quả cà phê, bánh kẹo cà phê, sữa tắm, nước rửa tay cà phê... Hiện nay, tôi đang kết hợp với phía Hàn Quốc chế biến vỏ cà phê, quả cà phê chín ra thực phẩm... thậm chí bã cà phê có thể dùng cho vật liệu xây dựng, làm vách ngăn cho tàu chở hàng ở biển hoặc vách ngăn trên tàu hỏa. Nếu tận dụng được tất cả công dụng của cây và quả cà phê thì giá trị gia tăng của sản phẩm này sẽ rất lớn, từ đó thương hiệu cà phê của Việt Nam sẽ phát triển trên thị trường thế giới.
Để một sản phẩm nào đó có thương hiệu trên thế giới thì việc ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến sản phẩm là vô cùng quan trọng. Với cà phê, ứng dụng khoa học công nghệ sẽ từ lúc trồng đến lúc chế biến. Trước kia, người nông dân thường ươm hạt cà phê được 5 tuổi và đem ra trồng. Khi trồng như vậy, cây cà phê sẽ bị phân ly vì hạt không đồng đều, chất lượng không đều. Kết quả là ra được nhiều cây cà phê có chất lượng không cao.
Trước thực trang trên, một công nghệ mới đã ra đời đó là ghép chồi cà phê từ Brazil. Năm 2001, tôi từng đưa một mô hình công nghệ ghép chồi từ Brazil về Việt Nam và áp dụng với Đắk Lắk đầu tiên, sau đó là Lâm Đồng. Với mô hình công nghệ này, hai tỉnh thành trên đã rất thành công trong việc ghép chồi, nghĩa là tạo ngân hàng chồi xong ghép chồi vào các gốc cũ, gốc già. Ghép ở đây không phải chặt bỏ hay cắt tất cả để ghép mà cắt so le, ví dụ năm nay cắt 30%, sang năm 30%, năm nữa lại cắt 40%. Như vậy thì 3 năm liên tục sẽ cải tạo được giống cà phê mới với chất lượng cao.
Bên cạnh đó, cần phải áp dụng các chế độ canh tác hợp lý, hữu cơ, tưới nước và bón phân theo nhu cầu của cây, đồng thời áp dụng các công nghệ của Nhật Bản, EU... Đặc biệt, thu hoạch cà phê phải chín, tỷ lệ thu hoạch quả chín phải trên 95% thì chất lượng cà phê xuất khẩu sẽ cao hơn. Người trồng cần đầu tư hệ thống sau thu hoạch như sân phơi, máy sấy... để đảm bảo được chất lượng hạt cà phê sau thu hái.
- Để thị trường cà phê Việt Nam luôn phát triển bền vững, giá trị xuất khẩu gia tăng, ông có khuyến nghị gì?
TS Nguyễn Văn Lạng: Cà phê là loại nông sản đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, đem lại nguồn sinh kế cho nhiều người dân, nhất là người dân vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Cụ thể, Đắk Lắk hiện chiếm khoảng 35% diện tích và sản lượng cà phê cả nước. Ngành cà phê đóng góp trên 50% GRDP tỉnh và chiếm đến 80% tỉ trọng giá trị kinh tế các mặt hàng nông sản của Đắk Lắk. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh Đắk Lắk đạt 798 triệu USD; chiếm 53,2% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Vì vậy, đẩy mạnh hoạt động chế biến sâu, hướng tới hình thành chuỗi giá trị là mục tiêu mà ngành cà phê Việt Nam đang hướng đến để nâng cao giá trị và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Để xây dựng được thương hiệu cà phê, không đơn giản là trồng cà phê ngon. Đó mới là điều kiện cần và đủ. Ngoài ra, cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần tiếp thị, quảng bá... thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, giao lưu văn hóa, du lịch… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên có chính sách hướng dẫn nông dân ngoài trồng cà phê theo chuẩn VietGAP còn phải theo tiêu chuẩn của các thị trường khó tính để mở rộng xuất khẩu, qua đó nâng tầm và nâng giá trị cà phê Việt, khai thác hiệu quả hơn lợi thế quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới.
Để cà phê Việt đứng vững trên thị trường quốc tế, tôi cũng cho rằng cần minh bạch vùng nguyên liệu, tập trung bảo vệ cho nông dân canh tác hữu cơ, canh tác sạch. Khi có được môi trường sản xuất cà phê bền vững sẽ đem lại lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp.
Cám ơn ông!