Trong khuôn khổ Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần lễ VHTT-DL Sóc Trăng lần thứ nhất năm 2024 và tiến tới tới sự kiện xác lập kỷ lục về trình diễn nhạc ngũ âm quy mô lớn nhất Việt Nam, tối 11.11, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Sóc Trăng tổ chức biểu diễn nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng.
Tại buổi biểu diễn, có 20 dàn nhạc ngũ âm với 200 nghệ nhân, nhạc công đến từ các đơn vị, địa phương trong tỉnh Sóc Trăng tham gia trình diễn.
Ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở VH-TT-DL Sóc Trăng cho biết: “Việc tổ chức trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer Sóc Trăng nhằm tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, đưa loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của đồng bào Khmer ngày càng phát triển sâu rộng hơn nữa trong cộng đồng dân tộc”.
Nhạc ngũ âm truyền thống của người Khmer (Pinn Peat) được trình diễn với dàn nhạc được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ được làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da. Trong đó, mỗi bộ sẽ có một hoặc hai, ba loại nhạc cụ tham gia tạo nên biên chế hoàn chỉnh của dàn nhạc ngũ âm truyền thống gồm loại 9 nhạc cụ: kèn Srolai Pinn Peat (bộ hơi); đàn Rôneat Ek, Rôneat Thung (bộ mộc); Rôneat Đek (bộ sắt); Kuông Vông Tôch, Kuông Vông Thum, Chhưng (bộ đồng); trống Samphô, trống Skô Thum (bộ da).
Nhạc ngũ âm là loại hình âm nhạc hòa tấu mang tính chất nghi lễ và tôn giáo, gắn bó chặt chẽ với các nghi lễ và đời sống sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của Phật giáo Tiểu thừa Theravada trong các ngôi chùa và phum, sóc của người Khmer. Loại hình âm nhạc này được xác định có ảnh hưởng xa xưa từ cung đình và tôn giáo của Ấn Độ và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như: Campuchia, Thái Lan,... Sau đó, nhạc ngũ âm được lưu truyền vào nền văn hóa Khmer Nam Bộ ngay từ thời tiền sử và tồn tại cho đến ngày nay. Tuy nhiên, qua ký ức văn hóa và dòng chảy thời gian, bên cạnh những yếu tố ngoại sinh được tiếp thu và duy trì, người Khmer ở Việt Nam nói chung và ở Sóc Trăng nói riêng cũng đã có sự dung hòa, tiếp biến cho phù hợp với tính cách ứng xử vào phong tục, tập quán của dân tộc mình. Một mặt tạo nên tính tương đồng trên nhiều khía cạnh của loại hình nhạc ngũ âm với đặc điểm âm nhạc của một số quốc gia láng giềng, một số dân tộc anh em trong nước, nhưng mặt khác, cũng luôn khẳng định được những nét văn hóa đặc trưng, riêng biệt của con người và vùng đất này.
Nghệ thuật âm nhạc ngũ âm Khmer là vốn di sản văn hóa quý giá có từ lâu đời của cộng đồng người Khmer Nam Bộ, đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa của các nghi lễ phong tục theo vòng đời người; lễ hội truyền thống; lễ nghi phong tục tín ngưỡng tôn giáo; lễ nghi phong tục tín ngưỡng dân gian của người Khmer Nam Bộ. Nghệ thuật âm nhạc ngũ âm Khmer không thể tách rời khỏi đời sống xã hội, sinh hoạt tinh thần của cộng đồng người Khmer Nam Bộ nói chung, cộng đồng người Khmer tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Đặc biệt, những giá trị văn hóa âm nhạc dân gian, truyền thống sử dụng trong dàn nhạc ngũ âm đã được chứng minh thông qua các nghệ nhân của nhiều thế hệ biểu diễn bằng trí tuệ, tài năng sáng tạo góp phần cho sự phát triển văn hóa âm nhạc của dân tộc theo chiều dài lịch sử.
Nghệ thuật âm nhạc ngũ âm có vai trò dẫn dắt, liên kết các nghi thức trong buổi lễ, làm tăng thêm tính trang nghiêm cho buổi lễ. Vai trò quan trọng nhất của âm nhạc ngũ âm được xem là một trong những ngôn ngữ giao tiếp giữa con người với thần linh. Sự gắn bó mật thiết giữa âm nhạc và nghi lễ thể hiện trong mối quan hệ giữa âm nhạc và tâm linh con người, mang yếu tố triết lý của con người và mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của tộc người.
Trong thực hành nghi lễ, âm nhạc thể hiện chức năng điều phối quy trình hành lễ và là tín hiệu thông báo cho cộng đồng Phật tử. Tiếng nhạc ngũ âm vang lên tại các ngôi chùa Khmer để báo hiệu cho Phật tử trong phum sóc biết được đã đến ngày tổ chức các nghi lễ tôn giáo… Với những tín hiệu bằng âm nhạc như vậy, có thể giúp cho cộng đồng Phật tử Khmer phân biệt được các nội dung, hình thức nghi lễ thông qua cách thể hiện bài bản âm nhạc ngũ âm khác nhau.
Nhạc ngũ âm của người Khmer ở Sóc Trăng đã biểu hiện một giá trị văn hóa cao trong kho tàng âm nhạc tôn giáo đã được dân gian hóa, là một loại hình nghệ thuật âm nhạc trình diễn mang tính nhân văn sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh, tinh thần của người Khmer.
Nhạc ngũ âm là minh chứng mang tính tiêu biểu về mối quan hệ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa giữa người Khmer với các quốc gia và dân tộc xung quanh trong suốt quá trình lịch sử tồn tại và phát triển của mình; đóng góp vào bức tranh văn hóa phong phú, đa dạng và đặc sắc của tộc người Khmer nói chung và văn hóa của cộng đồng người Khmer tỉnh Sóc Trăng nói riêng.
Dàn nhạc ngũ âm mang tính thẩm mỹ cao, trình tấu âm nhạc chuẩn mực, có chất lượng nghệ thuật cao.