Những con sâu nhỏ này bám dày đặc vào các đọt tràm non và “xơi tái” chỉ trong vài ngày. Điểm đặc biệt, loại sâu này chỉ xuất hiện khi trời tối, mát còn lúc nắng nóng thì tìm mỏi mắt vẫn không thấy đâu.

Sóc Trăng: Sâu lạ 'xơi tái' nhiều khu vườn tràm

Hồ Hùng | 15/06/2017, 10:16

Những con sâu nhỏ này bám dày đặc vào các đọt tràm non và “xơi tái” chỉ trong vài ngày. Điểm đặc biệt, loại sâu này chỉ xuất hiện khi trời tối, mát còn lúc nắng nóng thì tìm mỏi mắt vẫn không thấy đâu.

Khổ vì sâu

Nằm cặp Quản lộ Phụng Hiệp, hàng ngàn cây tràm hơn 9 tháng tuổi của ông Hồ Văn Ngon (69 tuổi, ngụ ấp Phương Bình 2, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) đang ở trong tình trạng còi cọc và chẳng cây nào còn lá non.

Rầu rĩ, ông Ngon nói: “Từ khi phát hiện bị sâu ăn lá non khoảng 2 tháng trước, tôi và thằng con trai đã 5 lần xịt thuốc sâu. Vậy mà vẫn không cứu được. Cây tràm không ra nhánh, lá non… nổi trước sức ăn của sâu. Cứ đà này, chắc mấy ngàn gốc tràm của tôi mất hết. Gần chục năm trồng tràm, tôi chưa gặp cảnh này bao giờ”.

Theo quan sát của PV, những cây tràm của ông Ngon hiện đã cao ngang mặt người. Nhưng phần đọt non của cây gần như toàn bộ đã bị sâu ăn sạch, những cây tràm chỉ còn trơ lại những nhánh khô, còi cọc. Riêng phần lá già bên dưới ngọn cây tràm vẫn còn nguyên. Ông Ngon cho biết, đây là lần đầu tiên ông thấy 1 loại sâu lạ đến như vậy.

“Sáng sớm tôi ra thăm tràm thì thấy được mấy con sâu này. Cứ 1 ngọn tràm như vậy có từ 5 - 7 con sâu bâu vào. Mà 1 cây tràm có đến mấy chục đọt, như vậy số lượng sâu nhiều đến mức nào? Chúng chỉ ăn vài ngày là thấy ngọn tràm trụi lá”, ông Ngon nói.

Những cây tràm chỉ còn trơ ngọn

Theo lão nông này, những con sâu có chiều dài khoảng 1 đốt tay, có con nhỏ như cây tăm, cây nhang, có con lớn gần bằng đầu đũa. Loại sâu này mình trơn không có lông, màu xanh. Đặc điểm của loại sâu này là chỉ bò lên ngọn tràm ăn khi trời tối và mát. Vào thời điểm sáng sớm, nông dân có thể thấy được sâu bò ra ngọn tràm để ăn. Còn khi nắng lên thì tìm kỹ như thế nào cũng không thấy sâu có trên cây.

Trước mắt, ông Ngon cùng một số hộ dân ở xã Hưng Phú đã xịt thuốc để diệt loại sâu này. Theo ông, khi thấm thuốc những con sâu này chết như rạ, nhưng chỉ cần lá non đâm ra thì sâu lại từ đâu xuất hiện và tiếp tục hoành hành những đọt tràm…

Vườn tràm 10 công (1 héc-ta) của gia đình anh Lê Quang Trung (27 tuổi) ngụ cùng địa phương hiện đã ngoài 1 năm tuổi. Cây đã cao quá đầu người, thì thời gian gần đây, anh phát hiện loài sâu lạ đã ăn gần hết ngọn, lá non của tràm. Vì cây đã quá cao, việc xịt thuốc sẽ gặp nhiều khó khăn, tốn kém nên gia đình anh quyết định phó mặc cho trời.

“Quanh xóm tôi đây, nếu có 10 nhà trồng tràm thì chắc hết 9 nhà dính loại sâu này. Tôi đi kiểm tra thì thấy loài sâu này lớn hơn đầu đũa có màu đen, đỏ và 2 bên mình có sọc dọc. Có lẽ đây cũng là loài sâu lúc nhỏ chúng màu xanh nhưng khi lớn lên thì đổi màu”, anh Trung lo lắng nói.

Không chỉ là tràm nhỏ, đối với loại tràm thu hoạch cũng bị loài sâu này tấn công. Tuy nhiên, do lúc này cây tràm đã đủ lớn, đến thời điểm thu hoạch nên không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế.

Sâu chỉ thích ăn trụi đọt tràm

Lão nông Hồ Văn Ngon còn kể một câu chuyện khá lạ về loại sâu này: “Buổi sáng sớm ra đứng nhìn mấy ngọn tràm, hàng trăm con sâu tấn công vô 1 cây. Nhìn sâu ăn lá, cả cây tràm rung lên như có gió lùa. Chưa hết, nếu có người đứng hô hò lớn tiếng, thì những con sâu này như nghe được vậy, chúng bò nhanh làm rung rinh hết cành lá. Đó là chuyện có thật!

Anh hàng xóm tên Đỏ của tôi đi kể với những người khác nghe chuyện này mà không ai tin. Anh này mới xin cá độ 1 thùng bia uống chơi. Thỏa thuận xong, sáng sớm anh ta dẫn đến vườn tràm rồi hò dô. Nhìn thấy hàng trăm cây tràm rung rinh dù không có gió, những người khác mới tâm phục khẩu phục chung bia. Đó là chuyện hoàn toàn có thật”.

Đã lấy mẫu kiểm tra

Ông Đặng Minh Phương - Phó Chủ tịch xã Hưng Phú cho biết, diện tích tràm ở xã hiện vào khoảng 700 héc-ta. Bà con trong xã đã phát triển cây tràm đã được hơn 20 năm nay. Lúc trước, người dân chủ yếu trồng giống tràm ta, phải mất 5 - 6 năm mới thu hoạch cây được. Nhưng gần đây đã phát triển được giống tràm Úc, chỉ cần hơn 3 năm là có thể bán cây lấy tiền.

“Loại sâu lạ ăn ngọn tràm thực chất chỉ mới hoành hành năm trước và năm nay. Riêng năm nay tình hình diễn biến phức tạp hơn. Sau khi nắm được thông tin có sâu lạ tấn công vườn tràm, xã đã báo cáo với Trạm Bảo vệ thực vật của huyện. Cán bộ cơ quan này đã xuống địa phương lấy mẫu về kiểm tra. Sau khi có kết quả và hướng xử lý, chúng tôi sẽ nhanh chóng phổ biến cho bà con nông dân”, ông Phương nói.

Theo ông Phương, dù nông dân trong xã chủ yếu trồng giống tràm Úc nhưng do trong quá trình gieo giống, những cây tràm này đã bị lai với giống tràm ta.

Vườn tràm còi cọc dần...

Ông nói: “Có thể sau khi bị lai tạo thì khả năng chống sâu bệnh của giống này bị kém đi hoặc mùi vị của lá non có thể khác nên bị sâu tấn công. Hiện chưa có loại thuốc nào để đặc trị loại sâu này, nhiều bà con trong xã phản ánh dùng các loại thuốc trừ sâu bán ngoài thị trường thì sâu chết, nhưng rồi lại bị tái phát”.

Cây tràm hiện là cây trồng mang lại giá trị kinh tế khá cao cho người nông dân, bởi bán dùng làm cừ trong xây dựng. Theo người dân địa phương, với 1 công đất trồng tràm, khi bán cây, người nông dân có thể thu về từ 20 - 22 triệu đồng.

Điều đáng lo ngại là hiện nay, không chỉ riêng xã Hưng Phú mà các xã lân cận cũng xảy bị loại sâu lạ này tấn công. Bà con nông dân hiện rất mong ngành chức năng sớm tìm ra giải pháp giúp họ cứu sống vườn tràm.

Thanh Công
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sóc Trăng: Sâu lạ 'xơi tái' nhiều khu vườn tràm