Theo Medical News Today, trong công trình nghiên cứu mới đây, các chuyên gia đã tìm ra mối liên quan giữa tình trạng thiếu chất dẫn truyền thần kinh dopamine trong não và khả năng của bộ não trong việc hình thành những ký ức mới.
Theo Medical News Today, có thểnhững phát hiện này của các nhà khoa học sẽ dẫn đến việc phát triển các phương pháp điều trị chứng mất trí một cách có hiệu quả.
Alzheimer là bệnh phổ biến nhất, chiếm 60-80% trong tất cả các trường hợp sa sút trí tuệ. Những người mắc bệnh alzheimer có khuynh hướng bị mất trí nhớ và các vấn đề nhận thức khác gây khó khăn trong cuộc sống hằng ngày của họ.
Với căn bệnh này, ban đầu trí nhớ ngắn hạn bị tác động và sau đó là trí nhớ dài hạn bị sa sút. Với sự trợ giúp của thiết bị có tên 3Tesla, các nhà nghiên cứu đã quét đại não của 51 người khỏe mạnh, 30 người tình nguyện tham gia nghiên cứu bị suy giảm nhận thức nhẹ và 29 bệnh nhân bị bệnh alzheimer.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy hoạt động của vùng hippocampus (trung tâm bộ nhớ của não) phụ thuộc vào nhóm các tế bào sản sinh dopamine. Nếu các tế bào sản sinh ra dopamine không đủ, các chức năng nhận thức bị xấu đi. Các chuyên gia hy vọng rằng nghiên cứu của họ sẽ giúp các bác sĩ phát triển một test mới giúp chẩn đoán sớm bệnh Alzheimer.
Theo thống kê, riêng ở Mỹ hiện có khoảng 5,7 triệu người mắc bệnh alzheimer, nhưng con số này dự kiến sẽ tăng gần 14 triệu người vào năm 2050. Bệnh alzheimer cũng là nguyên nhân thứ 6gây tử vong ở Mỹ.
Các chuyên gia đã công bố các kết quả nghiên cứu trên tạp chí Journal of Alzheimer's Disease.
Vũ Trung Hương