Hơn 50 nhà khoa học hàng đầu của gần 30 quốc gia đã ký vào thư kêu gọi tẩy chay Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) cùng Công ty vũ khí Hanwha do hai đơn vị này đã hợp tác lập một phòng nghiên cứu phát triển vũ khí tự hành.
Đánh giá hoạt động hợp tác này góp phần“đẩy nhanh cuộc chạy đua vũ trang”, các nhà nhiên cứu trí thông minh nhân tạo (AI) quyết định sẽ không hợp tác hay tiếp đón bất cứ thành viên nào của KAIST.
Giáo sư Toby Walsh thuộc Đại học New South Wales (Úc), người tổ chức cuộc tẩy chay, cho biết: “Bạn có thể dùng AI làm nhiều điều tuyệt vời để cứu sống những sinh mạng, kể cả trong lĩnh vực quân sự, nhưng công khai tuyên bố mục tiêu (của phòng nghiên cứu mới) là phát triển vũ khí tự hành và có một đối tác như vậy (công ty vũ khí) thật đáng quan ngại. Một trường đại học đáng kính cùng với một đơn vị luôn rất thận trọng trong vấn đề đạo đức mà lại tiếp tục vi phạm những chuẩn mực quốc tế”.
Trước khi tổ chức tẩy chay, Giáo sư Walsh đã viết thư cho KAIST để xác thực thông tin hợp về chuyện hợp tác nhưng không nhận được phản hồi.
Cuộc tẩy chay diễn ra khi Liên Hợp Quốc sắp nhóm họp tại Geneva vào tuần tới để bàn về vũ khí tự hành, và hiện đã có hơn 20 quốc gia kêu gọi cấm hoàn toàn “robot sát thủ”. Việc ứng dụng AI vào quân sự trên khắp thế giới đã làm dấy lên lo ngại về viễn cảnh xuất hiện robot hủy diệt nhân loại. Ngoài ra, độ chính xác và khả năng phân biệt bạn/thù của vũ khí này cũng bị đặt nghi vấn.
Hanwha là một trong những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Hàn Quốc. Một trong những sản phẩm của công ty này là bom chùm, loại vũ khí bị cấm ở 120 nước căn cứ theo một hiệp ước quốc tế. Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc và Nga không ký kết hiệp ước này.
Chủ tịch KAIST Sung Chul-shin cho biết ông rất buồn khi nghe tin bị tẩy chay. Ông khẳng định việnnày không có ý định tham gia phát triển vũ khí tự hành sát thương và “robot sát thủ”:"Là một cơ sở giáo dục, chúng tôi đề cao quyền con người và những tiêu chuẩn đạo đức. Tôi đảm bảo một lần nữa rằng KAIST sẽ không tiến hành bất kỳhoạt động nghiên cứu chống lại con người nào, bao gồm cả nghiên cứu vũ khí tự hành không có sự kiểm soát của con người”.
KAIST ngày 20.2 mở một trung tâm nghiên cứu ứng dụng AI vào quân sự. Vào thời điểm đó, ông Shin tuyên bố cơ sở này “sẽ tạo nền móng vững chắc cho công tác phát triển công nghệ quốc phòng của đất nước”.
Trung tâm này tập trung vào hệ thống chỉ huy và điều khiển nền tảng AI, các thuật toán định vị cho thiết bị không người lái hoạt động dưới biển cỡ lớn, hệ thống huấn luyện bay nền tảng AI, công nghệ theo dấu và nhận dạng nền tảng AI.
Theo Giáo sư Walsh: “Phát triển vũ khí tự hành có thể khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên tệ đi. Nếu những vũ khí này có thể được chế tạo ở bất cứ đâu, thì chúng rồi sẽ được chế tạo ở CHDCND Triều Tiên. Bình Nhưỡng sẽ không do dự dùng chúng chống lại Hàn Quốc”.
Cẩm Bình (theo The Guardian)