“Sơn mài Trần Ngọc Hưng, chất liệu và nghệ thuật” là triển lãm cá nhân lần thứ 3 của họa sĩ Trần Ngọc Hưng - người 12 năm liền theo đuổi thể loại sơn mài truyền thống bằng đam mê giữ gìn một giá trị văn hóa lâu đời của người Việt.

Sơn mài Trần Ngọc Hưng, chất liệu và nghệ thuật

Tiểu Vũ | 22/06/2022, 08:25

“Sơn mài Trần Ngọc Hưng, chất liệu và nghệ thuật” là triển lãm cá nhân lần thứ 3 của họa sĩ Trần Ngọc Hưng - người 12 năm liền theo đuổi thể loại sơn mài truyền thống bằng đam mê giữ gìn một giá trị văn hóa lâu đời của người Việt.

ngo78.jpg
Talkshow mini về tranh sơn mài tại triển lãm của họa sĩ Trần Ngọc Hưng

Chiều 21.6 tại phòng tranh Ngõ Art Gallery (P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã khai mạc triển lãm cá nhân "Sơn mài Trần Ngọc Hưng, chất liệu và nghệ thuật", trưng bày 38 tác phẩm của họa sĩ Trần Ngọc Hưng đến từ Hà Nội.

Lễ khai mạc diễn ra trong không gian nghệ thuật với đông đảo công chúng yêu tranh sơn mài, các nghệ sĩ đồng nghiệp cùng nhiều họa sĩ nổi tiếng như TS Mã Thanh Cao - nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, họa sĩ Hứa Thanh Bình, họa sĩ Lê Xuân Chiểu...

ngo16.jpg
Không gian triển lãm của họa sĩ Trần Ngọc Hưng - Ảnh: T.V

Nói về mối duyên giữa Ngõ Art Gallery với một họa sĩ đã lặn lội mang tranh từ Hà Nội vào tận TP.HCM để triển lãm, giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật một “món đặc sản” kỹ thuật sơn mài truyền thống, ông Phạm Thanh Sơn - Giám đốc điều hành Ngõ Art Gallery cho biết cũng là nhờ các họa sĩ đã có kết nối với Ngõ giới thiệu và rất vui đã trở thành cầu nối để có thể cùng với các họa sĩ đưa những tác phẩm nghệ thuật nghiêm túc tới công chúng yêu nghệ thuật TP.HCM.

ngo42.jpg
Công chúng và các nhà sưu tập đến thưởng lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Ngọc Hưng

Tại talkshow mini bàn chuyện làm nghề trong khuôn khổ buổi khai mạc triển lãm, nói về hành trình kéo dài hàng chục năm sáng tác của mình để có thể lưu giữ lại cả một bộ sưu tập tranh đồ sộ, họa sĩ Trần Ngọc Hưng tâm sự: “Mình không thể nói chuyện khó khăn gian khổ, đã khó thì không làm, đã làm thì không kêu khó”.

ngo77.jpg
Họa sĩ Trần Ngọc Hưng chia sẻ về quá trình sáng tạo

“Làm sơn mài không chỉ khó về kỹ thuật, chất liệu, mất nhiều thời gian mà còn bị ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của họa sĩ, nhưng chất liệu không có tội gì cả, quan trọng nhất là người nghệ sĩ đối xử với chất liệu đó như thế nào”, họa sĩ Trần Ngọc Hưng tỏ bày.

Họa sĩ Lê Xuân Chiểu nhận định: “Trần Ngọc Hưng đã có cả một hành trình dài hơn 10 năm làm việc nghiêm túc với sơn mài. Tôi đánh giá cao kỹ thuật sơn mài chuyên nghiệp của Trần Ngọc Hưng. Tranh Hưng có kiểu riêng và đã chứng tỏ được nội lực cũng như đam mê theo đuổi dòng tranh này”.

Họa sĩ Lê Xuân Chiểu cho hay đã từng đến thăm “kho tranh” của họa sĩ Trần Ngọc Hưng tại Hà Nội, và số lượng tranh thực sự mà họa sĩ đang lưu giữ còn “khủng” hơn con số 38 bức đang trưng bày nhiều lần.

Có mặt tại buổi khai mạc, nhiều người yêu nghệ thuật trầm trồ, chiêm ngưỡng những tác phẩm sơn mài lung linh, huyền bí, đầy sức hút của họa sĩ Trần Ngọc Hưng tại triển lãm.

ngo62.jpg
Thưởng thức tranh của Trần Ngọc Hưng bằng cả niềm say mê 

Theo đuổi thể loại sơn mài truyền thống, đam mê giữ gìn một giá trị văn hóa truyền thống của người Việt, họa sĩ Trần Ngọc Hưng đã có quá trình sáng tác kéo dài hơn 12 năm liền, đây là triển lãm cá nhân lần thứ 3 của họa sĩ. Trước đó, họa sĩ có triển lãm “Chuối rừng” tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc năm 2018 và triển lãm cá nhân “Lát cắt trầm tích” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2015.

Tranh sơn mài của họa sĩ Trần Ngọc Hưng đang vào độ chín. Với tông màu chính gam trầm, họa sĩ trăn trở với những đề tài đa chiều kích, không dễ để công chúng có thể hiểu được.

ngo81.jpg
Du khách nước ngoài đến xem, chọn tranh để mua

Họa sĩ Trần Ngọc Hưng bày tỏ: “Không khó hiểu nếu công chúng chưa hiểu được tranh của tôi, bởi ngay cả chính tôi nhiều lúc cũng không hẳn đã hiểu được bản thân mình. Trên hành trình làm nghề, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là đối diện với chính mình, chờ đợi ở chính mình và vượt qua những thách thức của chính mình, lắng nghe tiếng nói từ bên trong bản thân và đi theo sự mách bảo từ tận sâu bên trong”.

ngo3.jpg
Họa sĩ Trần Ngọc Hưng bên tác phẩm tại triển lãm

Triển lãm "Sơn mài Trần Ngọc Hưng, chất liệu và nghệ thuật" tại Ngõ Galery (21 Võ Trường Toản, P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức, TP.HCM), mở cửa từ 10 - 20 giờ hằng ngày, từ ngày 21 - 30.6.2022. 

Sơn mài, nghệ thuật hội họa được làm với sơn ta đang tập hợp được nhiều họa sĩ tài năng. Họ đã có những đóng góp quan trọng cho sơn mài với nhiều cách tiếp cận và quan niệm khác nhau. Với tài năng và ý thức nghệ thuật cao, họ đã sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị và mở cho sơn mài một trang mới, một tinh thần mới, một tầm vóc mới.

Giữa những tên tuổi nổi bật của sơn mài hiện đại thì Trần Ngọc Hưng là một gương mặt đặc biệt. Trần Ngọc Hưng vẽ rất khỏe và rất nhiều. Anh sở hữu một nền tảng kỹ thuật cao và được trời phú cảm giác chất liệu đặc biệt. Màu trong tranh sơn mài của anh luôn chìm trong sắc thái của hổ phách, của cánh gián và lạnh trầm của sơn then, vừa chắc nịch, vừa ngả, vừa rực rỡ, vừa trầm sâu như đá quý. Sơn mài, vàng, bạc, vỏ trai, vỏ trứng đều được sử dụng hợp lý, đúng độ. Lối tạo hình của anh dựa trên những đường cong uốn lượn trôi chảy, có thể đôi khi hơi dư thừa và hoa mỹ những chất sơn trên mặt tranh của anh cho phép thiết lập một tổng thể hoàn mỹ và huyền bí, mạnh mẽ mà quyến rũ.

Là một họa sĩ vẽ sơn mài nhiều, tôi rất nể phục cách ứng xử với chất liệu của Hưng, nhưng cái làm tôi thán phục nhất là hiệu quả của sơn then trên tranh của anh vừa thăm thẳm vừa lộng lẫy tạo cho người xem một cảm giác choáng váng và ám ảnh.

Trong tay Hưng, tự tính và khả năng của chất liệu trở nên giá trị nghệ thuật. Điều đó cắt nghĩa việc tại sao tranh sơn mài của anh luôn nổi bật và cuốn hút trong bất kỳ cuộc triển lãm nào.

 Họa sĩ Lý Trực Sơn

Thật lạ lùng và cũng thật ngạc nhiên, các tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Hưng đều băng qua mọi đường nét, mọi màu sắc, từ chối chuẩn mực của cái đẹp quy ước, cái đẹp vô thường - cái đẹp trong tranh của Hưng là cái đẹp của cảm xúc được nuôi dưỡng từ một tâm thức Thô sinh ra trong chuẩn thức tư duy nhị nguyên cứng nhắc, hạn hẹp. Mỗi bức tranh của Hưng đều là một tiếng tiếng thét nghệ thuật lặng câm. Tiếng thét bật lên không phải từ oán hờn, ngạo mạn, mê muội, lầm lạc mà là tiếng thét khát khao đi đến tận cùng của sự sáng tạo. Mỗi bức tranh của anh đều là mỗi cánh cửa mở toang đưa dắt ta vào một thế giới vô cùng kỳ lạ, bí ẩn. Một thế giới buộc người tiếp xúc với tranh của anh ngơ ngác, hoan hỉ, hả hê, nhưng có thể cũng có những người đang làm công việc sáng tạo nghệ thuật ngượng nghịu, xấu hổ khi chợt nhận ra sự ghen tị, kiêu căng ngu xuẩn thường nhật vẫn ẩn dấu trong tâm trí và khát vọng sáng tạo của mình.

Trong môi trường đời sống nghệ thuật áp đặt ngạo mạn giáo điều, hung hăng, không chỉ có tác hại hủy hoại tâm hồn đám đông mà còn thẳng tay tàn phá cuộc đời những người làm nghệ thuật. Để chống lại sự tha hóa vô cùng nguy hiểm đó, trước hết người làm công việc nghệ thuật hằng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây phải rất nghiêm khắc với chính mình. Chỉ một phút ngông cuồng, tự đắp tượng thờ phụng mình thì ngay lập tức sẽ rơi xuống vực sâu, ngụp lặn trong ngập ngụa rác bẩn, đờm dãi của cuộc đời.

Tiếp xúc với các tác phẩm của Hưng, chứng kiến sự lao động nghệ thuật, cần cù, vất vả, say mê, hồn nhiên đến quên mình của anh, ta thấy rất rõ đó là một con người mạnh mẽ trong nghệ thuật nhưng khiêm nhường và giản dị trong cuộc đời, anh có đầy đủ tinh thần một nghệ sĩ đích thực trong sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật. Lao động sáng tạo nghệ thuật của anh xa lạ với danh vọng, tiền bạc và sự nâng niu, vỗ về, tung hô của bạn bè, của xã hội. Nhắc đến người nghệ sĩ này bất cứ một người lương thiện, tử tế nào cũng sẽ thật lòng trao anh một món quà vô giá, đó là tình cảm khâm phục yêu mến và lòng biết ơn các tác phẩm của anh đã cống hiến cho cuộc đời này.

 Nguyễn Đình Chính (nhà văn, họa sĩ)

Bài liên quan
Họa sĩ Vũ Trung Tần thăng hoa với bộ tác phẩm "Về tổ"
Người xem bất ngờ với bộ tác phẩm “Về tổ” của họa sĩ Vũ Trung Tần trong triển lãm “Đam mê” tại trụ sở Hội Mỹ thuật TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sơn mài Trần Ngọc Hưng, chất liệu và nghệ thuật