Các nhà khoa học Đức kết luận rằng tính trung bình, trong quá trình sống biệt lập, hồi hải mã của các nhà thám hiểm vùng cực trở nên nhỏ hơn 7% so với những người tham gia nhóm đối chứng.
Trước đây, cả Nga lẫn Mỹ đều đã tiến hành những thử nghiệm để kiểm tra tình trạng sống biệt lập ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể con người nhằm tìm cách khắc phục những hậu quả đó đối với các nhà du hành vũ trụ trong chuyến bay dài ngày thám hiểm không gian.
Theo LiveScience, mới đây, Viện Max Planck và Phòng khám Charité đã nhận thấy những nếp nhăn não của các nhà thám hiểm vùng cực người Đức đã giảm kích thước sau khi trú đông 14 tháng tại một trạm thám hiểm ở Nam Cực. Được biết, 5 người đàn ông và 4 phụ nữ đã tham gia vào cuộc thám hiểm ở trạm Neumayer.
Kết quả, một chuyến thám hiểm vùng cực dài và đơn điệu là một thử thách khắc nghiệt đối với cơ thể và tâm lý, hồi hải mã trở nên có kích thước nhỏ hơn do tình trạng sống biệt lập, giao tiếp hạn chế, cảnh quan đơn điệu, nhàm chán. Các thử nghiệm trên động vật cũng cho thấy những điều kiện như vậy có thể dẫn đến suy giảm chức năng của hồi hải mã (hippocampus) - khu vực của não liên quan đến hoạt động của các cơ chế bộ nhớ và điều hướng.
Bằng phương pháp chụp MRI, các nhà khoa học đã kiểm tra não của các thành viên thám hiểm trước và sau khi họ ở trạm Nam cực. Ở nhóm đối chứng, các phép đo tương tự đã được thực hiện đối với 9 người cùng độ tuổi và giới tính, những người sống cuộc sống bình thường trên đất liền. Trung bình, trong quá trình sống biệt lập, hồi hải mã của các nhà thám hiểm vùng cực trở nên nhỏ hơn 7% so với những người tham gia nhóm đối chứng.
Kết quả nghiên cứu trên mang tính thời sự trong bối cảnh những sứ mệnh thám hiểm không gian có người lái, đặc biệt khi các chuyến bay dài ngày thám hiểm Mặt trăng và Sao Hỏa càng đến gần, câu hỏi về cách cơ thể phản ứng với điều kiện cô lập, đơn điệu càng phải được làm sáng tỏ.
Vũ Trung Hương