Trạm đổ bộ Hakuto-R của công ty ispace có trụ sở tại Tokyo được lên kế hoạch phóng lên hố trũng Atlas của Mặt trăng ngày 28.11. Đây có thể là lần đầu tiên một công ty tư nhân thực hiện hạ cánh lên bề mặt Mặt trăng.

SpaceX phóng trạm đổ bộ Mặt trăng cho công ty tư nhân Nhật Bản

Long Hải | 21/11/2022, 18:06

Trạm đổ bộ Hakuto-R của công ty ispace có trụ sở tại Tokyo được lên kế hoạch phóng lên hố trũng Atlas của Mặt trăng ngày 28.11. Đây có thể là lần đầu tiên một công ty tư nhân thực hiện hạ cánh lên bề mặt Mặt trăng.

tram-do-bo.jpg
Hình ảnh minh họa trạm đổ bộ Hakuto-R hạ cánh lên bề mặt Mặt trăng - Ảnh: ispace

Hakuto-R sẽ cất cánh trên đỉnh tên lửa Falcon 9 của SpaceX từ Căn cứ Lực lượng Vũ trụ Cape Canaveral, bang Florida và đến Mặt trăng sớm nhất là vào tháng 4.2023.

Sau khi hạ cánh, Hakuto-R sẽ triển khai một xe tự hành nhỏ của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có tên Rashid. Robot 4 bánh này dự kiến nghiên cứu Mặt trăng trong 14 ngày Trái đất bằng camera độ phân giải cao, thiết bị chụp ảnh nhiệt, thiết bị chụp ảnh hiển vi và máy dò được thiết kế để kiểm tra điện tích trên bề mặt Mặt trăng.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Hakuto-R có phải là công ty tư nhân đầu tiên đáp thành công xuống bề mặt Mặt trăng hay không. NASA cũng đang hỗ trợ công ty Intuitive Machines phóng trạm đổ bộ Nova-C, dự kiến ​​​​vào tháng 3.2023; trong khi trạm đổ bộ Peregrine của Astrobotic sẽ cất cánh vào quý đầu tiên của năm 2023. Ở giai đoạn đầu này, thật khó để nói công ty nào sẽ hạ cánh trước.

“Sứ mệnh đầu tiên của chúng tôi sẽ đặt nền tảng cho việc giải phóng tiềm năng của Mặt trăng và biến nó thành một hệ thống kinh tế mạnh mẽ và sôi động”, Takeshi Hakamada, người sáng lập và CEO của ispace, cho biết.

cot-moc.jpg
Các mốc quan trọng của sứ mệnh hạ cánh trên Mặt trăng Hakuto-R - Ảnh: ispace

Hạ cánh an toàn trên Mặt trăng là điều khó khăn, đặc biệt là đối với các công ty tư nhân không có nguồn lực từ chính phủ. Ví dụ trạm đổ bộ Beresheet của SpaceIL đã bị rơi trong nỗ lực hạ cánh của nó vào năm 2019. Tuy nhiên, một kỷ nguyên mới đang đến với các trạm đổ bộ thương mại nhỏ hạ cánh lên Mặt trăng để giúp mở đường cho các cuộc đổ bộ của con người trong tương lai.

Chương trình Artemis của NASA đang hỗ trợ một nhóm các công ty như ispace, Astrobotic và Intuitive Machines trong chương trình Dịch vụ tải trọng Mặt trăng thương mại (CLPS). Chương trình này sẽ đưa nhiều robot hơn nữa lên bề mặt Mặt trăng trong thập kỷ tới. Hakuto-R không được CLPS hỗ trợ, nhưng Draper, đối tác của ispace, đã được NASA giao nhiệm vụ lãnh đạo một nhóm thực hiện một cuộc đổ bộ vào phía xa của Mặt trăng sớm nhất là vào năm 2025.

Địa điểm hạ cánh chính của Hakuto-R là hố trũng Atlas, nằm ở phần đông bắc của Mặt trăng, gần Mare Frigoris hay còn gọi là Biển Lạnh. Địa điểm này được chọn nhằm duy trì tính linh hoạt trong quá trình hoạt động, theo ispace.

“Việc xem xét cẩn thận các tiêu chí của địa điểm mục tiêu bao gồm thời lượng chiếu sáng liên tục của Mặt trời và khả năng hiển thị thông tin liên lạc từ Trái đất. Các mục tiêu hạ cánh thay thế bao gồm Lacus Somniorum, Sinus Iridium, Oceanus Procellarum và một số nơi khác”, các quan chức của ispace cho biết.

Hakuto có nghĩa là “thỏ trắng” trong tiếng Nhật, là tên của nhóm chuyên gia từ ispace tham gia cuộc thi Google Lunar X-Prize (GLXP). GLXP đã trao 20 triệu USD cho đơn vị tư nhân đầu tiên đưa trạm đổ bộ lên Mặt trăng và thực hiện một số nhiệm vụ trên đó. Cuộc thi kết thúc năm 2018 mà không có nhóm nào chiến thắng. Tuy nhiên, một số nhóm tham gia vẫn tiếp tục phát triển thiết kế của mình.

Hakuto-R (R là viết tắt của “Reboot”, nghĩa là tái khởi động) ban đầu dự kiến đáp xuống Mặt trăng năm 2021, nhưng bị hoãn lại do vấn đề kỹ thuật và một số vấn đề khác. Công ty ispace đặt mục tiêu cuối cùng là đưa con người định cư trên Mặt trăng bằng cách sử dụng băng nước được khai thác tại chỗ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
SpaceX phóng trạm đổ bộ Mặt trăng cho công ty tư nhân Nhật Bản