Xét về nhiều góc độ, thì đúng là vai trò kiến tạo theo đúng nghĩa của Chính phủ trong năm 2017 là chưa thực sự lớn. Tuy nhiên, sự kiến tạo tốt nhất đôi khi lại là không làm gì cả.

Sự kiến tạo tốt nhất đôi khi lại là 'không làm gì cả'

13/02/2018, 06:41

Xét về nhiều góc độ, thì đúng là vai trò kiến tạo theo đúng nghĩa của Chính phủ trong năm 2017 là chưa thực sự lớn. Tuy nhiên, sự kiến tạo tốt nhất đôi khi lại là không làm gì cả.

Như thế nào thì được xem là Chính phủ kiến tạo? - Ảnh: Internet

2017 có thể xem là một năm thành công đối với nền kinh tế Việt Nam, trong đó vai trò điều hành của Chính phủ tương đối nổi bật khi nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao hơn dự kiến (6,81% so với mục tiêu 6,7% và 6,3-6,5% như Ngân hàng Thế giới dự báo) trong khi các yếu tố vĩ mô vẫn được kiểm soát chặt chẽ. Trong đó, các chính sách thuộc diện “kiến tạo” của Chính phủ đã bắt đầu có những tác động nhất định đối với tăng trưởng của nền kinh tế.

Vì thế đây là thời điểm thích hợp để nhìn nhận và đánh giá hiệu quả của chương trình “Chính phủ kiến tạo” trong năm 2017, liệu có đúng như một số ý kiến cho rằng: Kiến tạo tốt nhất là không làm gì cả.

Đánh giá về chương trình Chính phủ kiến tạo trong năm 2017, một số quan điểm khá khắt khe cho rằng Chính phủ hầu như chỉ tập trung vào công việc “dọn dẹp mặt bằng” chứ ít thấy những động thái thực sự mang ý nghĩa “kiến tạo”. Cụ thể là việc rà soát và loại bỏ một lượng lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh trong hàng loạt các lĩnh vực chủ chốt; như Bộ Công Thương (cắt giảm khoảng 600 điều kiện kinh doanh), Bộ NN-PT-NT (cắt giảm 34% điều kiện kinh doanh và đơn giản hóa số còn lại), tương tự là Bộ Xây dựng và Bộ KH-ĐT.

Cũng cần phải nói thêm rằng sự cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh phần lớn sẽ chỉ được chính thức thực hiện từ đầu năm 2018; nghĩa là sự tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017 ít nhiều không phải là từ tác động tích cực của sự cắt giảm điều kiện kinh doanh nói trên.

Ngoài việc rà soát và cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, các chính sách khác mang tính kiến tạo của Chính phủ hầu như ít có tác động trên thực tế. Các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao… với nguồn vốn được công bố lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng được đánh giá là ít có tác dụng. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng thu được ít kết quả, khi nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017 chủ yếu vẫn dựa trên các trụ cột tăng trưởng cũ.

Xét về nhiều góc độ, đúng là vai trò kiến tạo theo đúng nghĩa của Chính phủ trong năm 2017 chưa thực sự lớn. Tuy nhiên, trong trường hợp này, có thể nói rằng sự kiến tạo tốt nhất đôi khi lại là không làm gì cả. Hãy xem thử các số liệu kinh tế trong năm 2017 nói lên điều gì: tổng vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước trong nền kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua tăng tới 16,8%, cao nhất nếu so với hai khu vực còn lại là kinh tế nhà nước (chỉ tăng 6,7%) và FDI (tăng 12,8%).

Việc dòng vốn đầu tư tư nhân vào nền kinh tế tăng vọt trong năm 2017 cho thấy hiệu ứng tích cực của chương trình kiến tạo của Chính phủ, đó là khiến người dân cảm thấy tin tưởng để bỏ vốn kinh doanh dù các điều kiện đầu tư kinh doanh trên thực tế vẫn chưa được cắt giảm nhiều. Một trong những tác động tích cực nhất mà chương trình Chính phủ kiến tạo mang lại là khơi mạnh dòng vốn đầu tư trong toàn xã hội thông qua việc tạo niềm tin. Nói cách khác, khi một mảnh ruộng đang khô cằn thì việc cấp thiết nhất là khơi dòng nước trước đã, rồi sau đó mới đến việc phân bổ nguồn nước sao cho hợp lý.

Ở một góc độ khác, việc tập trung cắt giảm điều kiện kinh doanh phần nào đồng nghĩa với việc Việt Nam đang hướng gần hơn đến một nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa, trong đó các thành phần kinh tế được xem là bình đẳng. Một quan điểm khá phổ biến từ trước đến nay cho rằng Việt Nam vẫn là một nền kinh tế đang phát triển, còn yếu và cần có sự dẫn dắt của Nhà nước và Chính phủ trong các lĩnh vực mũi nhọn. Điều đó đúng, và thực tế các trường hợp thành công của các nền kinh tế châu Á khác đều là dẫn chứng minh họa cho tầm quan trọng của sự can thiệp nhà nước vào nền kinh tế.

Tuy nhiên, ở Việt Nam thì kinh nghiệm lại chỉ ra điều ngược lại. Hầu hết các quy hoạch phát triển ngành ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn tại Việt Nam trong nhiều năm qua đều không có kết quả. Điển hình gần nhất là ngành ô tô.

Giữa năm 2017, Bộ Công Thương đã thừa nhận mục tiêu phát triển ngành ô tô Việt Nam đã chính thức thất bại. Đó là điều đã được dự đoán từ trước đó rất lâu, khi trong hàng thập niên các chính sách phát triển ngành ô tô của Bộ Công Thương lại hướng các doanh nghiệp nội địa đến việc nhập khẩu linh kiện về lắp ráp ăn chênh lệch, thay vì tập trung nội địa hóa linh kiện trang thiết bị để tiến tới tự sản xuất ô tô nội. Có thể hơi quá lời, nhưng ít nhiều có thể nói rằng chính sách phát triển sai lầm của Bộ Công Thương đã làm hỏng ngành ô tô của Việt Nam, trong khi cơn lũ xe nhập khẩu thì ở cận kề khi kể từ đầu năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô trong ASEAN về 0%.

Sự cứu vãn có thể của ngành ô tô Việt Nam sau khi Bộ Công Thương thừa nhận thất bại trên thực tế chỉ đến vào tháng 9.2017, khi VinGroup mở thương hiệu Vinfast với mục tiêu sau 2 năm sẽ cho ra mắt sản phẩm xe hơi Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa khoảng 60%. Vẫn chưa thể khẳng định dự án sẽ thành công như dự kiến, nhưng những gì Vinfast đang thực hiện được sau khoảng gần 5 tháng bắt đầu đang được đánh giá là hứa hẹn hơn nhiều so với cả ngành ô tô Việt Nam thực hiện được sau hàng thập niên vừa qua.

Nỗ lực tự thân của một doanh nghiệp đơn lẻ trong một thời gian ngắn đôi khi còn thu được nhiều kết quả hơn chương trình đồ sộ của cả một bộ trong một thời gian dài. Đây có thể xem là dẫn chứng minh họa cho nhận định “kiến tạo tốt nhất là đừng làm gì cả.” Một nền kinh tế thị trường nơi các thành phần đều được xem là bình đẳng có thể tạo ra nền tảng vững chắc cần thiết, trước khi Nhà nước và Chính phủ nâng cao và hoàn thiện khả năng điều chỉnh và dẫn dắt nền kinh tế của mình một cách bài bản.

Nhàn Đàm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự kiến tạo tốt nhất đôi khi lại là 'không làm gì cả'