Thoáng đó, tưởng chừng chỉ cần đưa tay ra níu lấy gió trời là đã chạm đến Xuân, sờ thấy Tết. Cảm giác này, thường đến vào những ngày đầu năm mới.
Năm qua, y có gì mới không? Ắt có. Ấy là vừa được lên chức không chỉ cực kỳ “oách xà lách” mà còn “ngon lành cành đào”. Thế thì, hãy mượn lấy câu hát xưa “súc sắc súc sẻ” để tự chúc lấy một niềm vui rực rỡ.
Nhớ những đồng dao
Cứ theo như nhà giáo Dương Quảng Hàm cho biết: “Vào khoảng nửa đêm Ba mươi Tết, trẻ con nhà nghèo đi thành từng bọn đến cửa các nhà xin tiền.
Đứa đi đầu cầm một cái ống đựng tiền đã xin được lắc lên thành tiếng “súc sắc”, rồi vừa lắc vừa hát bài này: “Súc sắc súc sẻ/ Nhà nào nhà này, còn đèn còn lửa/ Mở cửa cho anh em chúng tôi vào/ Bước lên giường cao, thấy đôi rồng ấp/ Bước xuống giường thấp, thấy đôi rồng chầu…”.
Nhịp đi của bài đồng dao reo vui, vần nối theo vần, chúc cho gia chủ sự giàu sang, phú quý như nhà ngói lợp, có voi, có ngựa, sống lâu hơn trăm tuổi, sinh con đẻ cái…
Và nay, cũng bài đồng dao này, từ những câu trên, y đã nối theo:“Chích chòe theo sau/ Chào mào đi trước/ Hồng hạc chúc Tết/ Chú ếch thổi kèn/ Gõ kiến chập cheng/ Sâm cầm thổi sáo/ Chúc lành ông Táo/ Lên chức… vú em/ Trổ tài nấu ăn/ Phụ vợ chăm bé…”.
Mà nghĩ cho cùng, đời người được thế đã là may mắn lắm rồi. Từ một người cơm hàng cháo chợ, nay đã biết đi chợ, nấu ăn, phụ vợ thay bỉm, ẵm bồng và hát ru con, há chẳng phải niềm vui rực rỡ là gì?
Sáng nay, vừa ẵm con vừa nghĩ vẩn vơ, có phải “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”? Người đời bảo thế, chắc gì đã đúng? Cái tính, cái nết ấy cũng từ giáo dục của các bậc phụ huynh mà ra. Thời nhỏ, sau khi thi rớt trung học đệ Nhất cấp, tức từ lớp Năm lên lớp Sáu, y không thể vào học trường công Phan Châu Trinh (Đà Nẵng).
Thiệt tình, chán nản quá sức, nói như lời hăm he của mẹ y: “Nếu thi rớt, ba mẹ cho về quê đi chăn bò”. Được thế, sướng quá đi chứ, còn hơn phải mắc cỡ, tự ti mặc cảm với bạn bè vì phải học trường tư Tây Hồ. Giữa lúc y dứt khoát không chịu đi học, ngày nọ ba y mua về quyển sáchKim chỉ nam dành cho học sinhcủa Nguyễn Hiến Lê.
Mỗi tối, sau giờ cơm nước, ngươi cha nhẫn nại lật từng trang đọc cho con nghe và giải thích thêm. Từ những lời khuyên trong quyển sách này, y dần dần hiểu ra học trường nào cũng được miễn có sức khỏe, được học với thầy cô giáo yêu thương học trò như con và nhất là mình có phương pháp học.
Y đồ rằng, khi đọc và giảng ý nghĩa trong sách cho con, chính lúc ấy, các bậc phụ huynh cũng đang học. Không phải ngẫu nhiên, khi y lớn lên đã thấy trong nhà có rất nhiều sách. Ba y mua đó.
Có lẽ, ngoài sở thích, còn một phần do ông tán thành ý kiến tâm đắc của nhà văn Nguyễn Hiến Lê, đại khái, sự giáo dục sẽ thất bại nếu không dạy cho trẻ thói quen đọc sách. Vì ham đọc sách, trẻ không tự giam mình trong cảnh vật cỏn con trước mắt mà bước vào thế giới mênh mông của tư tưởng, tưởng tượng và tình cảm...
Yêu thích một tác phẩm, với đứa trẻ chỉ là giải trí thôi ư? Không. Còn là sự hình thành nhân cách sau này nữa chứ? Nói cách khác, nhà văn đó chính là “người ơn”.
Dù chỉ một câu thơ, một ca từ an ủi lúc ngã lòng tuyệt vọng; một bức tranh đem lại mỹ cảm vui sống; một quyển sách đã mở ra chân trời mới… Dù chưa một lần trò chuyện để được nghe một lời an ủi, chỉ bảo nào từ các tác giả đó nhưng rồi, nghĩ cho cùng, đó chính là “người ơn” đã giúp ta vượt qua bế tắc, khó khăn trong thời điểm đó. Dù rằng, những người đó không hề hay biết nhưng thâm tâm ta làm sao có thể quên?
Với y, trong số các “người ơn” đó, còn có cả nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê đã góp phần giúp y thay đổi. Ngay cả Nguyễn Hiến Lê, ông cho biết bản thân ông cũng phải tự thay đổi, nếu muốn tiến bộ.
Ngày nọ, trong lớp im phăng phắc, học trò cắm cúi làm bài tập, ông giáo đang chăm chú tranh thủ chấm bài, bỗng ông ngẩng đầu lên, nói lớn: “Lê marche à recoulons” (Trò Lê đi giật lùi). Cả lớp cười ầm lên. Từ đó, luôn bị bạn bè chế giễu, trò Lê xấu hổ quá quyết tâm phải sửa tính sửa nết, chuyên cần hơn.
Hai chữ khiêm khiêm giữ đạo xưa
Thuở nhỏ, Nguyễn Hiến Lê được cha dạy chữ Hán, chữ quốc ngữ và làm bốn phép toán, sau đó mới vào học dự bị ở Trường Tiểu học Yên Phụ (Hà Nội). Do người cha dữ đòn lại rèn cặp chu đáo nên ông học hành tiến bộ.
Năm lên 10, chẳng may, mồ côi cha, gia đình lâm vào cảnh nghèo túng. “Không còn cha nhắc nhở nữa, kiềm chế nữa, tôi bỏ bê việc học trọn một niên khóa”, ông Lê nhớ lại. Rồi như ta đã biết, nhờ câu nói của thầy mà ông Lê đã thay đổi.
Bấy giờ, để có thể theo kịp bạn bè về môn tiếng Pháp, ông nhịn ăn sáng nửa tháng để đủ tiền mua quyểnTừ điển Larousse. Hễ khi gặp các chữ khó thì tra cứu tìm hiểu cho rõ nghĩa. Dù học hành chuyên cần, được lãnh thưởng học sinh giỏi tại Nhà hát Tây nhưng lúc thi vào Trường Bưởi (nay là Trường Chu Văn An) lại rớt vì môn chính tả.
Sau đó, ông phải vào học trường tư Trí Đức. Nhằm khắc phục điểm yếu của mình, ông chú tâm đọc danh tác của văn hào Pháp Victo Huygo bằng nguyên tác dù chỉ là loại sách tóm tắt, chừng vài chục trang in, nhờ đó, qua năm 1927, ông dễ dàng thi đậu vào Trường Bưởi.
Sự đọc này, về sau đã có phần ảnh hưởng đến phong cách viết văn của ông: “Tôi nhận thấy Hugo hay dùng “phép đối ngữ” mạnh mà kêu, tôi cũng lây hơi bút pháp đó”.
Trong thời gian này, một quyết định quan trọng từ người mẹ: bà buộc con trai suốt thời gian nghỉ hè phải về Phương Khê (Sơn Tây) học chữ Hán với ông bác ruột. Lý do của bà đơn giản chỉ là muốn con mình có thể đọc được gia phả, biết gốc gác ông bà tổ tiên.
Ngoài việc học từ quyểnẤu học Hán tự tân thư,ông còn được “ngốn” thêm nhiều sách vở khác nhà ông bác nữa. Nhờ vậy, vốn từ tiếng Hán của ông ngày một nhiều thêm và nó chính là nền tảng sau này.
Sau khi ra trường do nhà nghèo, Nguyễn Hiến Lê không tiếp tục theo học ban Tú tài bản xứ mà thi vào Trường Công chánh. Tháng 9-1934, ông thi ra trường đậu hạng cao, ông bác ruột có bài thơ nhắc nhở: “Mừng này biết lấy gì cho nhỉ?/ Hai chữ khiêm khiêm giữ đạo xưa”,lấy gốc từ quẻ Khiêm trong Kinh dịch: “Người quân tử nên rất khiêm tốn để nuôi cái đức của mình”, câu này đã “vận” vào đời ông một cách nhất quán.
Lúc chờ bổ nhiệm sở, để không lãng phí thời gian, ông vào Thư viện Trung ương ở Trường Thi (Hà Nội) mượn quyểnHán Việt từ điểncủa Đào Duy Anh, mỗi ngày chép lại chừng ba chục từ rồi học thuộc nghĩa.
Ông còn mượn luôn quyểnGrammaire Chinoisecủa Cordier, học về cách đặt câu. Khi có vốn từ đã kha khá, ông thử trình độ bằng cách đọcTam quốc chí, từ đó, ông rất mê lời bình của Kim Thánh Thán.
Lúc được bổ nhiệm vào miền Nam, ngoài công việc chuyên môn, thời gian còn lại rất nhàn rỗi, “gặp hồi mưa to gió lớn thì buồn ôi là buồn! Phải nằm co trong chiếc ghe bầu, cửa đóng kín mít đậu trên kinh Xà No, xa chợ, xa nhà, xa bạn”.
Chỉ còn cách đọc sách, vớ được quyển gì đọc quyển nấy nhưng vẫn không hết một ngày. “Lại chỉ có cách học chữ Hán là phương thần hiệu hơn cả”. Thế là ông chọn cách học “hàm thụ” - tức lúc đọc các bộMạnh Tử, Lương Khải Siêu ẩm băng… hễ gặp chữ nào không hiểu thì ông chép lại, gửi thư cho ông bác, nhờ giảng nghĩa.
“Cứ mót như vậy, lần lần tôi cũng biết thêm mà vỡ nghĩa”, ông cho biết. Không những thế, thời gian này nhằm tiêu khiển cho qua ngày và luyện văn, ông bắt tay viết vài quyển du ký cực hay nhưBảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Đế Thiên Đế Thích.
Từ năm 1938, lúc trở lên Sài Gòn lúc 26 tuổi, không còn đi đo đất như trước, thời gian lại cũng rảnh rỗi. Bấy giờ, nhiều bè bạn rủ rê ông nên khoây khỏa bằng cách chơi nhảy đầm, đánh bài, nhậu nhẹt nhưng xét thấy tạng mình không hợp nên ông từ chối, chỉ nằm nhà đọc sách dù bị chê trách là chọn lối sống khổ hạnh.
Ông viết câu tự răn (nghĩa): “Trị yêu sách, loạn yêu sách, trong sách chi chi cũng có/ Nghèo giữ đạo, giàu giữ đạo, ngoài đạo thảy thảy đều không”.
Ở Sài Gòn có rất nhiều sách, dễ dàng tìm mua để học, tra cứu, nhờ vậy ông đã mua được bộNho giáocủa Trần Trọng Kim,Lão tử, Mặc tửcủa Ngô Tất Tố… Những quyển này, có trích dẫn chữ Hán lại chú thích rõ ràng đã giúp cho ông học thêm về nghĩa của rất nhiều từ mà trước đó chưa biết.
Cách học của ông là từ một cuốn sách, đọc đến đâu thì tóm tắt, ghi lại rồi so sánh với các sách khác; nếu có gì chưa rõ thì lại biên thư nhờ ông bác giải đáp. Trải dài theo năm tháng, ông đã dịch một loạt tinh hoa văn hóa, danh tác Trung Quốc.
“Sở dĩ tôi cả gan như vậy vì tin lòng quảng đại của các nhà cựu học, không nỡ trách một kẻ hậu học kiến thức nông cạn mà sẵn lòng hạ cố chỉ bảo cho những chỗ sai lầm”.
Đúng như ông đã tâm niệm “loạn yêu sách”, thời thế năm 1945-1946 có nhiều biến động, “không khí Sài Gòn thật khó thở. Khu tôi ở, nhà nào cũng đóng cửa”, do phải nằm nhà, ông mày mò học Anh qua cuốnL’Anglais en 100 lecons.
Trong hồi ký, ông cho biết: “Trong đời tôi, hễ phải ở trong nhà một thời gian lâu thì tôi học ngoại ngữ. Cách đó là cách tốt nhất mà cũng ích lợi nhất để khỏi buồn. Và lần nào tôi học cũng chỉ để đọc sách thôi, không cần nói. Những môn tôi đọc để tiêu khiển đó, sau đó giúp cho tôi rất nhiều trong việc viết sách”.
Âu cũng là đức tính của một con người đã từng bộc bạch (nghĩa): “Phú quý chẳng màng, giữ tấm băng trinh thời loạn/ Sách hoa riêng thích, thơm trang giấy mực đời sau”.
Từ đọc sách đến viết sách là một khoảng cách rất gần, nhất là đối với Nguyễn Hiến Lê.
Ông đã có một quan niệm, có thể nhiều người thấy lạ lùng nhưng hoàn toàn có lý: “Khi muốn học về một vấn đề nào thì cứ viết quyển sách về vấn đề ấy”. Tâm nguyện này, phần nào lý giải vì sao Nguyễn Hiến Lê đã viết thành công ở rất nhiều lãnh vực.
Một trong cả hàng trăm quyển sách đã dịch, trước tác của Nguyễn Hiến Lê, ở đây, y chỉ nhắc đến loạt sáchHọc làm ngườibởi lẽ đã từng in với số lượng cực lớn, đến nay vẫn còn liên tục tái bản:Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi.
Bản dịch thành công bởi ông đối chiếu từ bản in tiếng Anh và tiếng Pháp theo phương châm dịch thoát, có thể cắt bớt, tóm tắt, sửa đổi cho phù hợp với người Việt, miễn là không phản ý tác giả. Nhờ vậy, không riêng gì bạn đọc mà chính ông cũng tự nhận xét “không có dấu vết dịch” là vậy.
Trong các loại sách, y vẫn thích đọc hồi ký của người nổi tiếng, qua đó, có thể học thêm được nhiều điều hữu ích. Đọc là học. Mà này, trong những ngày này đã nghe trong gió thơm lên mùi Tết, y đang đọc quyển sách gì thế? Trả lời ra làm sao?
Đại khái, ai đó đã nói: “Trong cuộc đời, mỗi người nên trồng một cái cây, đẻ một đứa con và viết một cuốn sách”.
Cây đã trồng, sách đã viết, nay đã có con. Thế thì, cần quỷ quái gì phải cứ mải mê đi tìm “định nghĩa” về hạnh phúc. Hạnh phúc là bằng lòng với những gì mình đang có. Đơn giản vậy thôi.
Với các bậc phụ huynh bỉm sữa, há chẳng phải đứa bé vừa oe oe lọt lòng chính là quyển sách kỳ diệu nhất đó sao? Đúng là thế. “Bây giờ đây nhìn ngắm con nằm/ Ba sung sướng như lật từng trang sách/ Sự sống cựa mình trên từng trang sách/ Chính từ con - mới lạ đến không ngờ”.
Lê Minh Quốc/ANTGCT