Ngành thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất thế giới, đặc biệt là thời trang nhanh. Mảng thời trang này là nguyên nhân chính gây ra phát thải khổng lồ khí hiệu ứng nhà kính và các tác động tàn phá môi trường.

Sự thật đáng sợ của thời trang nhanh

Đan Thuỳ (Tổng hợp) | 10/10/2022, 11:49

Ngành thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất thế giới, đặc biệt là thời trang nhanh. Mảng thời trang này là nguyên nhân chính gây ra phát thải khổng lồ khí hiệu ứng nhà kính và các tác động tàn phá môi trường.

Thời trang nhanh là một mô hình kinh doanh thúc đẩy việc sản xuất nhanh chóng các quần áo giá rẻ để đáp ứng xu hướng thời trang mới nhất. Sự trỗi dậy nhanh chóng và thành công của các thương hiệu thời trang nhanh đã dẫn tới một sự thay đổi lớn trong hành vi của người tiêu dùng.

Theo Quỹ Ellen McArthur, ở các nước phương Tây, số lần người dân mặc quần áo đã giảm 36% trong 15 năm qua, trong khi trung bình số lượng quần áo được người tiêu dùng mua tăng hơn gấp 2 lần.

Thời trang nhanh cũng khuyến khích sản xuất các bộ quần áo chất lượng thấp hơn. Chất lượng và độ bền không còn quan trọng mà chỉ cần quần áo giá rẻ đáp ứng thị hiếu trước mắt nhưng sẽ nhanh chóng lỗi mốt vào mùa năm sau. Hậu quả là dẫn tới số lượng khổng lồ quần áo bỏ đi chất đống ở các bãi chôn rác. Theo thống kê, vào năm 2014, các bãi chôn rác ở Mỹ tiếp nhận tới 10,46 triệu tấn quần áo. Chỉ khoảng 15-20 số quần áo thừa dành cho các cửa hàng từ thiện là có mặt được trên các giá của các cửa hàng này vì đơn giản là số lượng của chúng quá lớn.

125353_11-52026793.png

Ở Anh, chỉ có khoảng 20% ​​số quần áo cũ có thể được bán lại trong các cửa hàng đồ cũ. Chủ yếu quần áo không bán lại được đã quá bẩn, hư hỏng nặng và không thể tái sử dụng. Khoảng 10% còn lại được đưa đến các trung tâm tái chế, nơi chúng biến thành các loại vải có thể tái sử dụng hoặc được gửi vào ngành xây dựng và được sử dụng làm vật liệu cách nhiệt hoặc để nhồi đồ nội thất.

Bên cạnh đó, theo tổ chức từ thiện phát triển toàn cầu Oxfam, ước tính, khoảng 70% số quần áo cũ ở các nước phương Tây sẽ được chuyển đến châu Phi vào năm 2015. Kết quả là hiện nay khu vực này đang chết chìm trong những bộ quần áo cũ mà các nước khác thải bỏ.

Những bức ảnh đáng lo ngại cho thấy hàng đống quần áo ướt sũng nằm rải rác trên cát đã được chụp tại thủ đô Accra (Ghana). Nhiều mặt hàng thời trang nhanh ở nước này hầu hết được nhập từ Mỹ và Anh,…

Ghana là quê hương của ngành công nghiệp quần áo cũ. Tại đây bán khá nhiều quần áo từ các quốc gia phương Tây bị thải bỏ và sau đó được vận chuyển để bán lại và tái sử dụng. Tuy nhiên quốc gia châu phi này hiện đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu.

anh-chup-man-hinh-2022-10-10-luc-10.58.36.png

Những sản phẩm may mặc được người dân địa phương gọi là "Obroni W'awu" và được dịch là "quần áo của người da trắng đã chết". Nó thường là quần áo tặng của những người phương Tây có thiện ý và người dân địa phương sẽ nhận chúng, phân loại một vài mặt hàng chất lượng để bán.

Tuy nhiên, các quốc gia châu Phi như Ghana không thể lường được số lượng quần áo quá lớn được gửi đến. Mỗi tuần, quốc gia này nhận được 15 triệu mặt hàng quần áo đã qua sử dụng. Bất cứ thứ gì họ không thể bán được đều bị vứt bỏ bên bờ sông Odaw và sau đó trôi ra biển. Kết quả dẫn tới là ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Có tới 40% quần áo bị vứt bỏ ở nơi đây và vấn đề ngày càng trở nên tồi tệ hơn vì các trang phục mới và các mặt hàng thời trang nhanh kém chất lượng đang được nhập về ngày một nhiều.

Tác giả Dana Thomas nói: "Những gì đang xảy ra tại Ghana khiến chúng ta phải xem lại thói quen mua sắm của mình. Thông qua việc tiếp thị, chúng ta đã bị các nhãn hiệu thời trang kích thích việc mua sắm quá mức. Bước ra khỏi cửa hàng với một túi đầy quần áo, bạn đang góp phần vào sự nghèo đói trên toàn cầu bằng cách mua những bộ quần áo giá rẻ. Hãy suy nghĩ theo hướng đó, bạn sẽ biết cách dừng lại. Nếu quần áo quá rẻ đồng nghĩa với việc sau khi bạn mặc một hoặc hai lần, nó sẽ bị thải bỏ và gây ô nhiễm các vùng ở châu phi trong nhiều thập kỷ hoặc thậm chí nhiều thế kỷ tới".

Bên cạnh đó điều này cũng có tác động trực tiếp đến các lĩnh vực dệt may của chính Ghana khi các thương nhân địa phương không thể cạnh tranh với làn sóng quần áo giá rẻ tràn vào từ nước ngoài. Một thông tin cho rằng, vài thập kỷ trước, 500.000 người đã làm việc trong ngàng dệt của Kenya, hiện nay con số này chỉ còn khoảng 38.000 người.

Trong mảng thời trang nhanh, Shein đang trở thành một sàn thương mại điện tử thời trang được giới trẻ yêu thích tại nhiều quốc gia khi tung ra hàng nghìn mẫu đồ mới mỗi tuần ở mức giá siêu rẻ. Hiện tại, Shein đang được định giá 15 tỉ USD và có thời điểm nó vượt qua H&M và Zara để trở thành nhà bán lẻ thời trang nhanh hàng đầu nước Mỹ.

Đầu năm nay, thương hiệu thời trang này đã được ca ngợi khi quyên góp 15 triệu USD Mỹ cho một tổ chức từ thiện hoạt động tại Kantamanto ở Accra (Ghana), chợ quần áo cũ lớn nhất thế giới.

shein_-graphic-by-gracie-watt-900x600-1.jpeg

Tuy nhiên, tại cùng một diễn đàn, Liz Ricketts, Giám đốc Or Foundation, nơi làm việc với các công nhân phế thải dệt may của Accra, đã lên tiếng: "Họ là những người di cư từ phía Bắc Ghana và thường là phụ nữ và trẻ em, một số trẻ mới lên 6 tuổi. Họ đang mang trên đầu những kiện quần áo nặng 55 kg, được trả 1 USD cho một chuyến vận chuyển và về nhà ngủ trên sàn bê tông. Một số cõng con trên lưng. Đôi khi họ ngã về phía sau vì sức nặng của các kiện hàng". 

Theo báo cáo năm 2019 của Liên hợp quốc, số lượng quần áo được sản xuất trên toàn cầu đã tăng gấp đôi từ năm 2000 tới 2014 và ngành quần áo góp phần gây ra 20% lượng nước thải toàn cầu. Ví dụ, để sản xuất một chiếc quần jeans, người ta cần tới 7.500 lít nước.

Báo cáo trên cũng cho biết ngành sản xuất quần áo và giày dép xả ra 8% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu và cứ mỗi giây lại có một lượng quần áo tương đương một xe tải chở rác bị đốt hoặc chôn.

Dù rác thải quần áo bị vứt lộ thiên hay chôn dưới đất, chúng đều gây ô nhiễm môi trường, thải ra chất ô nhiễm vào không khí hoặc mạch nước ngầm. Cho dù làm bằng vải tổng hợp hay được xử lý bằng hóa chất, quần áo cần tới 200 năm mới có thể phân hủy sinh học và quần áo cũng độc hại không kém nhựa và lốp xe bỏ đi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
14 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự thật đáng sợ của thời trang nhanh