Trang Sifted cho biết sự trỗi dậy của phe cực hữu tại Pháp làm dấy lên lo ngại chính sách trong tương lai sẽ không còn thân thiện với các công ty khởi nghiệp nữa.
Góc nhìn

Sự trỗi dậy của phe cực hữu tại Pháp là tin xấu với các công ty khởi nghiệp

Cẩm Bình 12/06/2024 19:35

Trang Sifted cho biết sự trỗi dậy của phe cực hữu tại Pháp làm dấy lên lo ngại chính sách trong tương lai sẽ không còn thân thiện với các công ty khởi nghiệp nữa.

Tuần trước ​​hàng trăm triệu cử tri châu Âu tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP). Tại Pháp, đảng Mặt trận Quốc gia (RN) cực hữu giành được hơn 30% phiếu bầu, gấp đôi đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron. Đương kim lãnh đạo lập tức giải tán quốc hội để tổ chức một cuộc bầu cử chớp nhoáng với lý do cần phải cho người dân lựa chọn tương lai cơ quan lập pháp.

Bầu cử quốc hội dự kiến có 2 vòng lần lượt vào ngày 30.6 và 7.7. Không loại trừ khả năng phe cực hữu thành công gia tăng lực lượng. RN đã sẵn sàng đề cử nhân vật lãnh đạo đảng là chính trị gia Jordan Bardella giữ chức thủ tướng nếu họ thiết lập được thế đa số. Viễn cảnh này khiến các công ty khởi nghiệp lo lắng.

su.jpg
Đảng Mặt trận Quốc gia (RN) cực hữu vừa giành được nhiều phiếu bầu hơn đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron - Ảnh: Getty Images

Phe cực hữu không ưu tiên công nghệ

7 năm qua, nhiều chính sách của Pháp đem lại cho giới công nghệ điều kiện hoạt động vô cùng thuận lợi. Tổng thống Macron thúc đẩy cải cách thuế với mục đích khuyến khích người giàu tăng đầu tư, đồng thời ra mắt một số sáng kiến chẳng hạn như “Chọn nước Pháp” nhằm kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài rót tiền cho công ty nội địa.

Chính sách đã phát huy tác dụng. Đơn vị quản lý cơ sở dữ liệu Dealroom cho biết nguồn tài chính dành cho các công ty khởi nghiệp tại Pháp trong giai đoạn 2017 - 2022 tăng gấp 4 lần lên hơn 15 tỉ USD.

Giờ đây nhiều người nghi ngờ RN không hỗ trợ giới công nghệ mạnh mẽ như vậy. Theo phó chủ tịch công ty khởi nghiệp phần mềm thương mại điện tử Mirakl Hugo Weber: “Tôi không nghĩ công nghệ là vấn đề mà phe cựu hữu ưu tiên. Họ không đủ hiểu biết về các mô hình kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ để ra xử trí”.

Trước nghi ngờ trên, nghị sĩ RN Aurélien Lopez-Liguori khẳng định: “Có sự hiểu lầm đối với Jordan Bardella. Ông ấy hoàn toàn hiểu được những vấn đề như vậy”.

Chủ nghĩa bảo hộ

Quan điểm của RN về công nghệ tập trung vào chủ quyền số trên không gian mạng bảo vệ dữ liệu của người dân châu Âu, hỗ trợ công ty nội địa và buộc các “ông lớn” toàn cầu tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp châu Âu lẫn luật pháp Pháp. Vì vậy đảng chủ trương tăng mua sắm công nghệ do đơn vị Pháp sản xuất cũng như siết chặt hạn chế với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực quan trọng.

“Chúng tôi muốn kiểm soát đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực như quốc phòng hay hạt nhân, đảm bảo công ty hoạt động trong lĩnh vực này không rời khỏi đất nước”, theo nghị sĩ Lopez-Liguori.

Đây không phải vấn đề mới mà đã được giới hoạch định chính sách châu Âu nhiều lần bàn luận. Nhưng có ý kiến lo ngại chính sách kinh tế mang tính bảo hộ của phe cực hữu ngăn cản công nghệ phát triển.

Phó chủ tịch Weber cho biết: “Công nghệ đòi hỏi hợp tác quốc tế, tiếp cận nhân tài toàn cầu lẫn thị trường toàn cầu. Tôi không hiểu chủ nghĩa bảo hộ ngày càng mạnh làm sao có thể cho phép như vậy”.

Giám đốc quan hệ công chúng hiệp hội đầu tư và khởi nghiệp France Digitale Marianne Tordeux-Bitker có cùng suy nghĩ: “Họ thiếu tầm nhìn toàn cầu. Chủ quyền cũng phải bao gồm khía cạnh toàn cầu”.

Trọng tâm trong loạt chính sách mà RN mong muốn triển khai là hạn chế người nhập cư, ưu tiên việc làm cho công dân Pháp, nâng tiêu chuẩn cấp giấy phép cư trú. Đảng còn kêu gọi áp dụng biện pháp kiểm tra xuất nhập cảnh trong khu vực Schengen thay vì để di chuyển tự do như hiện nay.

Theo phó chủ tịch Weber, loạt chính sách trên không tốt cho ngành công nghệ vốn phụ thuộc nhân lực toàn cầu. Ông nói: “Các công ty công nghệ Pháp cần nguồn lực và kỹ năng không phải lúc nào cũng có ở Pháp. Chúng ta đang sống trong hệ sinh thái toàn cầu”.

RN phản bác rằng họ muốn chọn lọc người nhập cư, lao động lành nghề vẫn sẽ có chỗ đứng tại Pháp.

Giảm hợp tác

Dù từ bỏ đề xuất đưa Pháp rời EU bằng một cuộc trưng cầu dân ý, RN vẫn quyết giảm đóng góp dành cho khối đồng thời rút khỏi thị trường điện châu Âu. Ông Bardella từng phát biểu: “EU ngày nay đang hủy hoại châu Âu”.

Theo giám đốc Bitker, hiện tại đang rất cần hợp tác chặt chẽ để cùng nhau tạo nên ngành công nghệ châu Âu đủ sức cạnh tranh với các nền kinh tế hàng đầu khác như Trung Quốc hay Mỹ. Bà lo ngại phe cực hữu không có tham vọng lớn.

Nghị sĩ Lopez-Liguori cho biết RN vẫn sẵn sàng hợp tác ở một số lĩnh vực chiến lược, trong đó có công nghệ.

Bài liên quan
Bộ Tư pháp Mỹ: Google phải bán Chrome để khôi phục sự cạnh tranh trong tìm kiếm trực tuyến
Google phải bán trình duyệt Chrome, chia sẻ dữ liệu và kết quả tìm kiếm với các đối thủ cạnh tranh và thực hiện các biện pháp khác, gồm cả việc có thể bán Android, để chấm dứt tình trạng độc quyền của mình trong tìm kiếm trực tuyến, các công tố viên trình bày với một thẩm phán hôm 20.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự trỗi dậy của phe cực hữu tại Pháp là tin xấu với các công ty khởi nghiệp