Ở Việt Nam và hình như cả thế giới, chưa có vụ ly hôn nào đình đám như vậy. Vợ chồng ở với nhau không được thì ly hôn là lẽ thường tình. Có khi đó là lối thoát tốt nhất cho cả hai, thậm chí cả nhà. Cố ở với nhau mà cứ hục hặc, mặt nặng mặt nhẹ, chỉ làm tổn thương nhau thêm.

Suy nghĩ từ cuộc ly hôn đình đám

27/02/2019, 11:33

Ở Việt Nam và hình như cả thế giới, chưa có vụ ly hôn nào đình đám như vậy. Vợ chồng ở với nhau không được thì ly hôn là lẽ thường tình. Có khi đó là lối thoát tốt nhất cho cả hai, thậm chí cả nhà. Cố ở với nhau mà cứ hục hặc, mặt nặng mặt nhẹ, chỉ làm tổn thương nhau thêm.

Hôn nhân là kết quả của tình yêu. Khi thật lòng đến với nhau, không ai nghĩ tới chuyện ly hôn. Đó là việc chẳng đặng đừng. Nếu phải ly hôn, hành xử sao cho trọn tình vẹn nghĩa là việc không đơn giản. Phải đến từ cả hai phía. Bao nhiêu năm nhịn nhường nhau còn được, chẳng lẽ cuối cùng cứ phải ăn thua?

Vụ ly hôn đình đám không hẳn vì tiền bạc, dù tài sản lên đến hàng mấy ngàn tỉ. Đình đám vì độ nóng, vì sự quan tâm của xã hội. Báo nào cũng có bài trang nhất, nhiều số liền. Cứ như truyện dài nhiều tập, chưa có hồi kết. Có người bảo sự kiện này chỉ xếp sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều và chiến tranh Thương mại Mỹ - Trung.

Vụ ly hôn này là nội dung cửa miệng khi gặp nhau từ hai người trở lên. Mỗi bên một ý, có khi mâu thuẫn và căng thẳng cứ như mình là nhân vật chính. Thế nào cũng chia thành hai phe. Hoặc bên chồng, hoặc bên vợ. Cứ qua thông tin báo chí và mạng xã hội mà suy diễn rồi phán. Bên nào cũng có lý riêng.

Tôi có đọc qua vài bài và cũng phát hoảng vì không biết đúng sai, thực hư thế nào. Rồi những phát biểu của đôi bên. Ai cũng cho mình đúng. Dĩ nhiên thì người kia phải sai. Không ai nhường ai nửa lời, thậm chí nửa ánh mắt. Người theo chủ nghĩa hoài nghì thì nói đó là chiêu trò PR của cả hai và của truyền thông. Tôi không tin như vậy.

Tôi cũng hoang mang và cứ băn khoăn vì sao cặp vợ chồng rất xứng đôi vừa lứa, ai cũng tài cũng đẹp, từng có mối tình đẹp như mơ. Từng dắt nhau hạnh phúc vượt qua bao gian khó để xây dựng sự nghiệp lừng lẫy, bỗng chốc thành đối thủ không thể chung nhà? Sau lưng cả hai, là đội ngũ luật sư từng trải, dạn dày kinh nghiệm trận mạc. Họ cân đo từng từ, bắt bẻ từng chữ để chiến đấu giành phần hơn cho gia chủ. Lắm lúc gia chủ tuyên bố một đàng, các luật sư nói và làm một nẻo.

Bên cạnh luật sư là các chuyên gia truyền thông sừng sỏ. Bắt lỗi từng chữ, từng câu, chọn từng tấm ảnh minh họa xấu nhất của đối thủ để hạ gục càng sớm càng tốt. Có người bảo đó là cuộc nội chiến không phải “Huynh đệ tương tàn” mà là “Phu thê triệt hạ”. Không ai chịu nhường ai trước mọi người. Dù rằng họ đã từng nhường nhịn nhau bao năm nay mà 4 người con là kết quả. Hay là trong nhà thì dễ nhịn gấp mấy trăm lần ngoài xã hội.

Trong bất cứ cộng đồng nào, không thể có hai thủ lĩnh cùng lúc. Trong gia đình cũng vậy. Vấn đề là phân chia trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi. Công khai bằng hợp đồng hay tự thỏa thuận tùy điều kiện. Hai thủ lĩnh khi tự nguyện về sống chung nhà , thường thì một trong hai người sẽ chấp nhận lùi một chút để người kia tiến lên. Không thể cả hai cùng giành nhau quyền lãnh đạo cao nhất. Dân gian thường bảo “Của chồng công vợ” là vậy. Thành công của người này cũng chính là thắng lợi của người kia. Còn cứ xem nhau như đối thủ ăn thua; trước sau cũng thất bại, đổ vỡ.

Tôi chắc là trong thâm tâm, khi yêu và đến với nhau, vợ chồng cà phê Trung Nguyên không bao giờ nghĩ tới chuyện ra tòa ly hôn và thua đủ như hiện nay. Cả tuổi thanh xuân mấy chục năm vì nhau, vì con không tiếc nuối. Nửa đời nhìn lại, tiếc gì mà giành giật nhau đủ thứ như vậy? Chỉ cần mỗi người lùi một bước, mọi việc sẽ khác đi. Vấn đề là không ai chịu lùi. Người này cứ muốn người kia lùi trước và lùi theo ý mình?

Kết cục, thế nào cũng có kẻ thắng người thua. Không biết kẻ thắng có thể hả hê trước cái thua của người phối ngẫu? Tôi nghĩ là dù thắng hay thua thì cả hai đều thất bại vì đã chọn nhầm người, hiểu sai về đối tác sống chung. Chỉ có đội ngũ làm dịch vụ là chiến thắng. Người thua thiệt và tổn thương nhiều nhất trong các cuộc chiến ly hôn thua đủ là con cái.

Con cái là hạnh phúc của cha mẹ. Đó là quyền và nghĩa vụ của cả đôi bên. Cha mẹ ăn thua đủ trước tòa là vô tình hủy hoại hạnh phúc của con cái. Nếu không nghĩ về mình thì hãy nghĩ về các con. Chẳng đứa con nào muốn cha mẹ ly hôn. Càng không muốn ly hôn kiểu một mất một còn hoặc lôi kéo chúng về một phía để chống lại phía kia.

“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng” (Trịnh Công Sơn). Với cuộc đời còn vậy, huống nữa là với con cái và với người từng là vợ hay chồng.

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo tình hình chuyển đổi số, kinh tế số một cách trung thực
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực, có số liệu cụ thể về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Suy nghĩ từ cuộc ly hôn đình đám