Không cần phải dũng cảm, bất chấp tính mạng… để cứu người, mà chỉ cần vượt qua lòng tham của chính mình để trả lại người khác vài chục triệu đồng, đã được xã hội xem như làm điều phi thường. Vì sao?

Khi chuẩn mực đạo đức thông thường được xem là điều phi thường

03/03/2018, 14:06

Không cần phải dũng cảm, bất chấp tính mạng… để cứu người, mà chỉ cần vượt qua lòng tham của chính mình để trả lại người khác vài chục triệu đồng, đã được xã hội xem như làm điều phi thường. Vì sao?

3 em nhỏ ở Sóc Trăng được khen thưởng - Ảnh: Hàm Yên

Xin được nói trước, quan điểm của người viết bài này là luôn trân trọng, ủng hộ và hoan nghênh, xem những người không tham của người khác, trả lại của rơi cho người bị mất là những người rất đáng quý!

Đó là 3 em nhỏ - trong đó có 1 em vẫn còn theo học lớp 10 ở H.Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, đã đến công an nhờ trả lại cho người đánh rơi chiếc ví có 40,6 triệu đồng, mà các em nhặt được trên đường đi chơi.

Đó là nam sinh lớp 3 ở H.U Minh, tỉnh Cà Mau đã nhặt được chiếc ví chứa 44 triệu đồng. Nhờ chiếc điện thoại di động trong đó, em và người nhà đã lần ra danh tính người đánh mất, để hoàn trả lại.

Và mới đây là ông nông dân 59 tuổi cũng ở H.U Minh, tỉnh Cà Mau, đã hoàn trả lại gần 6 chỉ vàng cho người cùng xóm, khi ông nhặt được chiếc ví trong lúc làm cỏ trước nhà.

Đây rõ ràng là những người tốt, đã chiến thắng được lòng tham. Rất đáng quý! Họ nhặt được của, lúc mà người ngoài không ai hay biết. Nếu tham, họ đã lẳng lặng bỏ túi, tiêu xài, mua sắm với những đồng tiền từ trên trời rơi xuống ấy, mà dù sau này có bị phát hiện, cũng không ai bắt tội được họ. Của rơi mà!

Ngay sau khi báo chí thông tin việc tốt của 3 em nhỏ ở H.Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư khen việc tốt của các em. Ông đã dành thời gian để tìm hiểu và khen ngợi việc tốt của 3 em nhỏ ngay ngày đầu năm, “đánh trống” khơi gợi điều tốt.

Và có lẽ, các em và gia đình đã quá hạnh phúc với bức thư khen của Thủ tướng, và thế là quá đủ! Nhưng rồi, các cơ quan, bộ ngành, từ tỉnh đến trung ương, lại quá “hăng hái” vào cuộc khen: Bằng khen, giấy khen, hàng đống tiền thưởng, những lời hứa hẹn… được “chuyển” về Sóc Trăng tới tấp. Các doanh nghiệp cũng hăng hái vào cuộc…Em học sinh lớp 3 ở Cà Mau cũng được Bộ GD&ĐT khen thưởng, rồi ông nông dân cũng đang được săn đón… như những “người hùng”.

Khen một hành động đẹp là rất tốt và rất cần, nhưng nên có giới hạn. Những người tốt này đã dũng cảm chiến thắng lòng tham của chính mình và hoàn trả vài chục triệu đồng. Họ không phải hy sinh một phần thân thể, hay bất chấp nguy hiểm tính mạng để cứu người. Vì vậy, cần ghi nhận, biểu dương hành động tốt đẹp của họ nhưng không cần thiết biến họ thành những người hùng!

Ngày xưa, cha mẹ, thầy cô dạy tôi, không tham của rơi, nhặt được biết ai mất thì tìm trả lại, vậy mới đúng đạo làm người. Đó là điều được những đứa trẻ thời ấy xem là đương nhiên! Ở những xã hội văn minh, việc trả lại của rơi cũng được xem như điều bình thường, “đương nhiên phải thế”. Người mất cám ơn là được, không cũng chẳng chết ai!

Ở Nhật, nếu để quên đồ trên tàu điện… thì hầu như đều lấy lại được! Dường như chả ai lấy đồ của bạn cả, nếu nhặt được, họ đều đem đến quầy dịch vụ khách hàng hoặc giao lại cho cảnh sát để trả lại cho bạn. Có được trật tự như vậy một phần cũng là nhờ luật pháp và cả hành pháp! Ở Nhật rất nghiêm, nếu bạn nhặt được của rơi mà không trả lại, xem như bạn đã phạm tội ăn cắp!

Vì sao việc không tham của người, biết trả của rơi cho người bị mất - từ điều mà con người bình thường đương nhiên phải làm, giờ được coi như điều “phi thường”, hiếm hoi? Xã hội ngày nay, từ cán bộ đến dân, khó kiếm ra những người biết làm điều bình thường ấy sao?

Thấy các cơ quan từ Trung ương đến địa phương “nhao nhao” khen thưởng những người trả lại vài chục triệu đồng trong những ngày qua, liệu nên vui, hay buồn?

Còn chuyện thưởng tiền, cũng xin nói thêm về chuyện Hào Anh (Cà Mau) trước đây. Giữa năm 2010, khi phát hiện Hào Anh bị vợ chồng ông bà chủ hành hạ dã man, dư luận phẫn nộ! Phẫn nộ thực sự, bởi cậu bé này bị hành hạ dã man như thời trung cổ.

Thằng bé khi ấy mới 14 tuổi, bị đánh đến gãy sống mũi, trên người đầy những vết thương chi chít, lớp cũ, lớp mới. Vợ chồng ông bà chủ còn lấy sắt nung đỏ dí vào người Hào Anh… Cứ như tra tấn.

Nhưng vài năm sau, nhiều người cũng phẫn nộ, nhưng đối tượng chính là Hào Anh - người mà họ từng hết sức thương cảm 4 năm về trước. Có tiền mà người hảo tâm cho, từ người không biết xài tiền mà tự dưng có cả đống tiền, Hào Anh đã trở thành con người khác: đập phá tài sản, đuổi mẹ và cha dượng ra đường chỉ vì giận bạn gái? Sau đó, còn trở thành kẻ cắp ở Lâm Đồng!

Từ cậu bé nghèo, khi được chuyển giao số tiền mà các nhà hảo tâm trao tặng gần 1 tỉ đồng, Hào Anh mừng lắm chứ. Và như người vô tình trúng số độc đắc, cậu ta ăn xài như điên, mua xe liên tục, đó cũng là điều bình thường. Bởi những đồng tiền ấy không phải do cậu ta cực khổ làm ra. Và đã không ai dạy cậu ta cách xài tiền, mà chỉ biết xỉa xói!

Người ta hay nói, cho cần câu luôn tốt hơn cho con cá. Bởi con cá người ta xào nấu, chén sạch thì chỉ còn xương. Nhưng với chiếc cần câu, người ta có thể tự tìm cho mình những con cá như vậy để ăn suốt cuộc đời. Hào Anh cũng vậy! Cứ thương cậu ta rồi cho tiền, mà không ai dạy Hào Anh cách làm người!

Chúng ta từng lên án ông bà chủ của Hào Anh, và thương xót cho Hào Anh. Nhưng có lẽ, chúng ta chỉ biết chứng tỏ lòng thương xót ấy bằng tiền! Và những đồng tiền ấy đã làm hư chính Hào Anh? Chưa có ai ngỏ lời sẽ rước Hào Anh về nuôi nấng, dạy dỗ, đưa đi học, cho Hào Anh sống trong môi trường đầy tình thương… cả.

Tất cả chỉ biết cho tiền và chờ cách hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Và thực tế, sau khi được giải cứu khỏi ông bà chủ dã man, Hào Anh được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau. Sau đó, cậu ta được đưa đi học ở 1 trường tiểu học. Nhưng không bao lâu, Hào Anh bỏ học, về với mẹ, và sinh hư…

Khen nhiều quá cũng vậy, sẽ khiến nhiều người - nhất là những đứa trẻ, dễ sinh hư. Khen ở mức độ nào cho phải, cấp nào cho vừa. Như Thủ tướng, ông chỉ khen động viên trường hợp đầu tiên, và dừng lại đúng lúc, rất đáng trân trọng!

Nhưng điều đáng suy nghĩ là, từ chuyện “nhà nhà, người người” ào ào khen thưởng, tặng tiền… cho những người trả lại của rơi, phải chăng đạo đức, lòng nhân bình thường… giờ đã quá hiếm? Và chỉ cần không tham vài chục triệu đồng đã được xem là người hùng?

Hồ Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi chuẩn mực đạo đức thông thường được xem là điều phi thường