Những diễn biến nóng hổi trong lòng nước Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng đến không khí trên toàn cầu, cho dù là ở Syria hay Trung Quốc. Trong chính trị thì phải biết dùng tốt các quân bài của mình và cả các quân bài không phải của mình.
Với những ai từng xem bộ phim truyền hình Mỹ House of Cards (tên Việt là Sóng gió chính trường) thì sẽ rất nhớ chi tiết nhân vật tổng thống Frank Underwood. Ở cuối season 4, khi cảm thấy các mũi điều tra hướng vào mình rất gần thì Underwood đã không ngần ngại dùng ngón nghề chính trị đẩy quốc gia vào tình trạng báo động: chiến tranh tổng lực với chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Khi những thước phim đó được phát trên sóng vào Quý 1/2016 thì người ta cảm thấy đội ngũ viết kịch bản có đầu óc tưởng tượng thật phong phú. Thế nhưng vào lúc này, thì người ta lại cảm thấy các nhà viết kịch bản cho phim House of Cards có tài tiên đoán.
Ngày 9.4, tổng thống Mỹ Donald Trump (tổng thống ngoài đời thực) đã lên án vụ tấn công hóa học tại Douma, Syria là "tàn bạo". Và ngay sau đó, ông tuyên bố sẽ ra quyết định đáp trả trong vòng 24 đến 48 giờ tới. Quyết định này có vẻ khá nhanh chóng khi trước đó không có tin ông Trump tham vấn ý kiến từ các nước đồng minh.
Trước đó một ngày, Tổng thống Trump đã đăng lên Twitter rằng kẻ gây ra vụ tấn công hóa học sẽ phải "trả giá đắt". Cụ thể hơn, ông viết: "Dù kẻ chủ mưu là người Nga, Syria, Iran, hay tất cả bọn họ, nhất định chúng tôi sẽ điều tra làm rõ chân tướng vụ việc".
Phản ứng của ông Trump là kịp thời hay nóng vội thì thời gian sẽ trả lời. Thế nhưng tuyên bố mới ám mùi khói súng của ông Trump đã khiến báo giới chạy theo và dư luận không còn quá chú ý vào diễn biến trong lòng New York. Cùng ngày, FBI được Biện lý thành phố Manhattan chấp thuận cho khám nhà Michael Cohen, luật sư riêng của ông Trump. Vụ khám xét này hứa hẹn sẽ khui ra những tài liệu liên quan đến các cáo buộc đội ngũ của ông Trump có liên lạc với người Nga hồi giữa năm 2016 cũng như cáo buộc dùng tiền mua im lặng từ một cô gái có quan hệ với ông Trump năm 2006.
Phản ứng của Tổng thống Underwood trong phim và của Tổng thống Trump ngoài đời thực có giống nhau hay không thì tùy thuộc cảm nhận mỗi người. Thế nhưng chắc chắn một điều là những diễn biến nóng hổi trong lòng nước Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng đến không khí trên toàn cầu, cho dù là ở Syria hay Trung Quốc.
Và liệu sức nóng ở Syria có ảnh hưởng đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang trong những ngày gần đây không? Người Trung Quốc có thể hy vọng Mỹ bị cuốn theo khủng hoảng ở Syria để Donald Trump có cớ xuống thang nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Bắc Kinh. Sự kiện ở Syria đang thật sự là một cái cớ tốt để ông Trump xuống thang trong danh dự với Trung Quốc. Trong chính trị thì phải biết dùng tốt các quân bài của mình và cả các quân bài không phải của mình, giống như House of cards vậy.
Hồi tháng 6.2013, sau khi cuộc tấn công hóa học ở vùng ngoại ô Damacus diễn ra, ông Trump khi đó còn là một tỉ phú bất động sản đã lên tiếng phản đối ý định của Tổng thống Obama về việc can thiệp quân sự vào Syria, cho rằng ý định này chỉ có hại chứ không có lợi.
“Chúng ta nên đứng bên ngoài địa ngục Syria. “Phiến quân” cũng xấu xa như chính quyền hiện tại mà thôi. Chúng ta sẽ thu được gì sau khi đã bỏ ra sinh mạng và hàng tỉ USD? Không có gì cả”, ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter vào tháng 6.2013. “Lý do duy nhất mà Tổng thống Obama muốn tấn công Syria là để giữ thể diện cho tuyên bố “lằn ranh đỏ” của ông ấy. Đừng tấn công Syria, hãy lo cho nước Mỹ”.
Cũng suốt mùa hè năm đó, tỉ phú Donald Trump liên tục kêu gọi ông Obama phải thông qua Quốc hội nếu muốn tiến hành không kích Syria. Trong thời gian tranh cử vào năm 2016, ông Trump cũng tuyên bố phản đối bất kỳ sự can thiệp nào vào Syria, đồng thời cáo buộc ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và một số nghị sĩ là muốn bắt đầu Thế chiến thứ III.
An Miên (PL TP.HCM)
Anh Tú