Cụm từ “hạn chót” đã trở thành từ khóa quen thuộc trong các diễn đạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và một lần nữa nó đã được sử dụng trong cuộc đối đầu kinh tế mới đây giữa Washington và Liên minh châu Âu (EU).

Viễn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - EU

09/04/2018, 05:40

Cụm từ “hạn chót” đã trở thành từ khóa quen thuộc trong các diễn đạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và một lần nữa nó đã được sử dụng trong cuộc đối đầu kinh tế mới đây giữa Washington và Liên minh châu Âu (EU).

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái) trao đổi với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi chào đón ông tại trụ sở EU.

Theo trang mạng Modern Diplomacy, mấu chốt ở đây là việc ông Trump, để đối phó với sự phản đối của các lãnh đạo châu Âu, vừa tuyên bố rằng Mỹ sẽ cho EU và một số quốc gia khác sự miễn thuế tạm thời với các mặt hàng thép và nhôm. Ngoài EU, sự miễn trừ này còn được áp dụng cho cả Argentina, Australia, Brazil và Hàn Quốc. Trước đó, ông Trump cũng đã đưa ra quyết định trên với Mexico và Canada khi ông ký các biểu thuế hồi đầu tháng này.

Các quyết định mới này của ông bao gồm mức thuế áp 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu, các mặt hàng mà châu Âu được miễn thuế. Lúc đầu, Tổng thống Trump chỉ công bố là Canada và Mexico được miễn. Hai nước này hiện đang đàm phán với Mỹ về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Ông Trump cảnh báo sẽ chỉ miễn các loại thuế cho hai nước này nếu đàm phán NAFTA thành công. Nói cách khác, Canada và Mexico đang phải chịu sức ép từ chính quyền Trump. Tình huống tương tự cũng đang làm gia tăng sự đối đầu giữa Tổng thống Trump và các đồng minh châu Âu của mình.

Sự đối đầu đang gia tăng

Tuyên bố về sự miễn thuế trong 40 ngày này một lần nữa đã thổi bùng sự giận dữ trong giới lãnh đạo châu Âu đối với nguyên thủ Mỹ. Họ đã thẳng thừng tuyên bố rằng ông Trump đang kích động EU và sẵn sàng đối đầu với liên minh này. Họ đề nghị phải có sự miễn thuế lâu dài, song ông chủ Nhà Trắng cho thấy ông đơn giản sẽ không chấp nhận yêu cầu này.

Kể từ đầu năm 2018, cuộc chiến thương mại giữa Trump và EU đã bước sang một giai đoạn mới. Một số nhà phân tích người Mỹ tin rằng, trong tương lai, chính phủ của Tổng thống Trump sẽ áp đặt thêm các loại thuế mới và với phạm vi lớn hơn nhằm vào EU, Trung Quốc, Canada và Mexico.

Giới chức châu Âu hiện đang phải đối mặt với một người coi “chủ nghĩa bảo hộ kinh tế” là một chính sách quan trọng trong lĩnh vực thương mại, và tương lai sẽ nỗ lực áp đặt việc thực thi chính sách này. Không nghi ngờ gì, sự đối đầu kinh tế giữa Mỹ và châu Âu sẽ ngày một nghiêm trọng, hay nói đúng hơn, sẽ có một cuộc chiến thương mại triệt để. Thêm vào đó, các nước như Trung Quốc và Canada cũng sẽ bước vào cuộc đối đầu này với Mỹ.

Trong một tuyên bố mới đây, EU cho biết Hội đồng châu Âu lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ đánh thuế lên các mặt hàng nhập khẩu nhôm và thép. Tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Ủy ban châu Âu nhằm đảm bảo sự bảo vệ tuyệt đối các quyền của EU theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm đáp trả một các tương xứng và thích đáng với các hành động của Mỹ.

Cecilia Malmstrom, Ủy viên phụ trách thương mại của EU, cho biết Brussels sẽ chờ đợi tuyên bố chính thức về các biểu thuế của Mỹ. Bà nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times: “Việc áp dụng những biện pháp có tính ảnh hưởng sâu rộng như vậy không phải là hướng đi đúng đắn. Chúng ta đang có nguy cơ phải chứng kiến một hiệu ứng domino nguy hiểm từ điều này”.

Tuy nhiên, tại Mỹ, tình trạng này không đến mức khó giải thích như vậy. Trong cuộc bầu cử năm 2016, tỷ phú Donald Trump đã kiên trì với khẩu hiệu bảo hộ mậu dịch. Có nghĩa là ngay từ đầu ông đã nỗ lực thách thức cấu trúc kinh tế thế giới, sự tự do thương mại và sự toàn cầu hóa nền kinh tế. Ông thừa hiểu rằng nếu không hoàn thành lời hứa của mình trong vấn đề này, ông sẽ phải đối mặt với sự thất vọng của các cử tri. Do đó, ngay từ đầu năm 2018, Tổng thống Mỹ đã khởi động một cuộc đối đầu về kinh tế giữa Mỹ với các đối tác. Cuộc xung đột này được cho là sẽ tiếp diễn ít nhất là đến năm 2020.

Tổng thống Trump được cho là đang lên kế hoạch sử dụng sự leo thang đối đầu kinh tế với EU, Trung Quốc và các nước khác trong cuộc chạy đua bầu cử tiếp theo như một ván cược để giành chiến thắng. Vì thế, mong muốn của các nhà lãnh đạo châu Âu rằng ông Trump sẽ từ bỏ hoàn toàn các chính sách bảo hộ mậu dịch của mình sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Cùng lắm là người đứng đầu Nhà Trắng sẽ vẫn để cho giới chức châu Âu mãi mơ hồ về các loại thuế mà thôi.

Cây gậy thuế và hạn chế hàng Mỹ nhập khẩu

Sự bức xúc của EU trước các biện pháp kinh tế của ông Trump hiện rất rõ ràng. Một số nước châu Âu cho là nên áp dụng các biện pháp đáp trả về kinh tế đối với các mặt hàng Mỹ và thậm chí Washington cần bị WTO lên án vì các hành động của mình.

Các lãnh đạo châu Âu cảnh báo ông chủ Nhà Trắng rằng sẽ có các biện pháp trả đũa nếu Nhà Trắng tiếp tục tạo ra những rào cản vào tháng Năm tới, nghĩa là các nước châu Âu sẽ không nghiêm túc chấp hành thời hạn 40 ngày mà ông Trump đề ra.

Cũng có khả năng là các nước châu Âu trong tương lai sẽ áp đặt thuế nặng lên các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ nhằm cân bằng lại mối quan hệ thương mại của họ với Mỹ. Một số nguồn tin cho biết các biện pháp trả đũa của EU có thể bao gồm đánh thuế vào hàng hóa Mỹ như thuốc lá, cam… Cũng có thể đó là sự hạn chế khắt khe hàng hóa nhập khẩu Mỹ vào thị trường châu Âu.

Tóm lại, những căng thẳng kinh tế hiện nay giữa Tổng thống Mỹ và nhà chức trách châu Âu sẽ không chỉ dừng lại ở tình trạng hiện tại mà nó sẽ trở thành một cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện trong tương lai gần. Với những tình huống như vậy, rất có thể chúng ta sẽ được chứng kiến sự liên kết giữa các nước như Trung Quốc và Ấn Độ với EU nhằm đối phó với các chính sách bảo hộ mậu dịch của Donald Trump.

Như đã đề cập ở trên, tình trạng này sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2020, vì vậy, ông Trump có khả năng sẽ đưa vấn đề này vào chiến dịch tranh cử năm 2020. Tuy nhiên, rõ ràng, kể cả đương kim Tổng thống Mỹ có thất bại trong cuộc bầu cử tới thì tổng thống kế tiếp của Mỹ cũng sẽ phải vật lộn để xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế mà ông Trump đã tạo ra. Đây là điều khiến nhiều nhà kinh tế Mỹ hết sức lo ngại.

theo báo Tin tức

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Viễn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - EU