TS Nguyễn Đức Nghĩa Theo dự thảo mới về cải tiến việc ưu tiên khu vực và đối tượng trong kỳ thi tuyển sinh năm nay, nhiều thí sinh thuộc diện ưu tiên trước đây nay sẽ không còn hoặc điểm ưu tiên sẽ giảm xuống.

Tác động của điều chỉnh ưu tiên tuyển sinh

Một Thế Giới | 11/02/2014, 11:15

TS Nguyễn Đức Nghĩa Theo dự thảo mới về cải tiến việc ưu tiên khu vực và đối tượng trong kỳ thi tuyển sinh năm nay, nhiều thí sinh thuộc diện ưu tiên trước đây nay sẽ không còn hoặc điểm ưu tiên sẽ giảm xuống.

KV1 thay đổi nhiều nhất

Theo quy chế tuyển sinh hiện hành, các thí sinh thuộc nhóm 1 (đối tượng 1-4) và nhóm 2 (đối tượng 5-7) sẽ được hưởng ưu tiên theo đối tượng, còn các thí sinh thuộc khu vực 1 (KV1), khu vực 2 nông thôn (KV2-NT), khu vực 2 (KV2) sẽ được hưởng ưu tiên theo khu vực. Cũng theo quy chế tuyển sinh hiện hành, hiện nay chênh lệch điểm trúng tuyển giữa thí sinh được ưu tiên nhiều nhất (nhóm ưu tiên 1 và KV1) với thí sinh không được ưu tiên gì (nhóm học sinh phổ thông thuộc KV3) sẽ là 3,5 điểm.

"Ước đoán một số lượng rất lớn thí sinh trước đây được xếp vào KV1 nay sẽ chỉ được hưởng ưu tiên KV2-NT (giảm 0,5 điểm ưu tiên) hoặc KV2 (giảm 1 điểm ưu tiên)"

TS Nguyễn Đức Nghĩa

Ngày 28-12-2013, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo điều chỉnh quy định ưu tiên tuyển sinh, trong đó những thay đổi nhiều nhất liên quan đến khu vực ưu tiên 1 và đối tượng ưu tiên 1. Trước đây, KV1 gồm các địa phương thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo, trong đó có các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ. Với quy định như vậy, diện thí sinh được hưởng ưu tiên KV1 rất lớn, chẳng hạn toàn bộ thí sinh thuộc năm tỉnh Tây nguyên, kể cả các thí sinh ở các thành phố như Đà Lạt, Buôn Ma Thuột... cũng được hưởng ưu tiên KV1.

Tuy nhiên, theo dự thảo mới, thí sinh được ưu tiên KV1 phải thuộc các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III (xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) theo quy định tại quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18-7-2012 của Thủ tướng Chính phủ và quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19-9-2013 của bộ trưởng - chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; các xã giáp biên giới, các xã hải đảo. Như vậy, ước đoán một số lượng rất lớn thí sinh trước đây được xếp vào KV1 nay sẽ chỉ được hưởng ưu tiên KV2-NT (giảm 0,5 điểm ưu tiên) hoặc KV2 (giảm 1 điểm ưu tiên). Một hệ quả khác liên quan đến điều này: trước đây thí sinh có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số sẽ được xếp vào diện đối tượng 1, tuy nhiên, theo dự thảo điều chỉnh, để được công nhận là đối tượng 1 thì cha mẹ của thí sinh phải ở những vùng thuộc KV1 theo dự thảo quy định mới, còn nếu không chỉ được xếp vào đối tượng 6 (giảm 1 điểm ưu tiên).

Tác động đến mức nào?

Theo quy định về ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng hiện hành, số thí sinh được ưu tiên chiếm tỉ lệ rất lớn. Thống kê tuyển sinh ĐH trong hai năm liên tiếp gần đây (2012 và 2013) cho thấy các đối tượng không được ưu tiên gì - học sinh phổ thông thuộc KV3 - chỉ chiếm 13-14%. Như vậy, hằng năm đã có hơn 1 triệu lượt thí sinh thi ĐH được “cộng thêm điểm” từ 0,5-3,5 điểm; trong đó ưu tiên do khu vực chiếm tuyệt đại đa số (82% tổng số thí sinh) và trong đó số thí sinh được ưu tiên theo KV1 dao động hằng năm lên đến 33-39% (trên dưới 450.000 thí sinh).

Vậy theo dự thảo quy định mới, tỉ lệ thí sinh được hưởng ưu tiên KV1 giảm còn bao nhiêu? Chúng tôi ước lượng tỉ lệ thí sinh được hưởng ưu tiên KV1 theo dự thảo quy định mới sẽ giảm rất nhiều. Chẳng hạn TP Buôn Ma Thuột (có hơn 8.000 lượt thí sinh, chiếm 1/5 tổng số thí sinh của tỉnh Đắk Lắk) trước đây được hưởng ưu tiên KV1, nhưng theo danh mục thôn xã khó khăn theo quyết định 447/QĐ-UBDT thì toàn bộ 13 phường và 9 xã của TP Buôn Ma Thuột không có thôn nào được xếp vào diện khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi. Như vậy theo dự thảo quy định mới, các thí sinh của TP Buôn Ma Thuột sẽ được hưởng ưu tiên tuyển sinh theo khu vực như thế nào? Câu hỏi cũng giống như vậy cho các TP khác thuộc Tây nguyên và nhiều vùng khác trước đây được xếp ưu tiên KV1.

Với ưu tiên đối tượng 1 chúng tôi ước đoán không ảnh hưởng nhiều, vì số lượng thí sinh được hưởng ưu tiên đối tượng 1 hằng năm chỉ chiếm 5-6%, nay do liên quan đến việc thu hẹp KV1 thì có thể giảm một ít.

Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh quyết định cơ cấu sinh viên của các trường ĐH - CĐ, và từ đó có liên quan đến chế độ chính sách học bổng, miễn giảm học phí, chuẩn bị ký túc xá và nhiều vấn đề khác. Với chính sách ưu tiên như hiện nay, cơ cấu sinh viên của ĐH Quốc gia TP.HCM là 25% KV3, 25% KV2, 20% KV2-NT và 30% KV1. Hơn thế nữa, chính sách ưu tiên tuyển sinh, đặc biệt là ưu tiên theo khu vực, có tác động rất lớn đến đào tạo nguồn nhân lực cho từng địa phương. Đó là chưa kể việc giảm tỉ lệ thí sinh được ưu tiên theo KV1 sẽ làm “sức cạnh tranh” của các thí sinh ở những khu vực ít ưu tiên hơn trước đây nay sẽ “mạnh” hơn lên.

Phải thay đổi tài liệu hướng dẫn tuyển sinh

Việc điều chỉnh ưu tiên tuyển sinh theo hướng tạo sự công bằng, hợp lý là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, để bảo đảm thực hiện chính xác về mặt kỹ thuật, phần mềm tuyển sinh và các tài liệu hướng dẫn tuyển sinh phải thay đổi để mã khu vực (hiện căn cứ trên địa chỉ các trường THPT) “thấy” được đến thôn, xã nằm trong quyết định số 30 của Thủ tướng Chính phủ và danh mục cụ thể của quyết định 447 của Ủy ban Dân tộc. Bên cạnh đó cần nêu rõ căn cứ để xác định ưu tiên khu vực là theo nơi học THPT như quy chế hiện nay hay theo hộ khẩu như cách đây nhiều năm, vì có thể một số thôn, xã chưa có trường THPT.

Theo Tuổi Trẻ

Ảnh bìa: Đồ họa: Vĩ Cường - Ảnh: Trung Tân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
9 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tác động của điều chỉnh ưu tiên tuyển sinh