Sử dụng thẻ thông minh có thể giúp bạn quản lý tài chính cá nhân tốt hơn. Và nếu lấy một mức căn bản, an toàn khi sử dụng thì các chuyên gia tài chính khuyên bạn chỉ nên sở hữu 2 thẻ tín dụng của 2 ngân hàng phát hành khác nhau.

Tài chính cá nhân: Chỉ nên sở hữu 2 thẻ tín dụng của 2 ngân hàng khác nhau

27/06/2019, 19:25

Sử dụng thẻ thông minh có thể giúp bạn quản lý tài chính cá nhân tốt hơn. Và nếu lấy một mức căn bản, an toàn khi sử dụng thì các chuyên gia tài chính khuyên bạn chỉ nên sở hữu 2 thẻ tín dụng của 2 ngân hàng phát hành khác nhau.

Ảnh minh họa từ Refresh Financial

Chị Hạnh (kế toán trưởng một công ty cổ phần) cho biết mỗi ngày chị tiếp khoảng 20 cuộc gọi mời mở thẻ tín dụng từ nhiều ngân hàng khác nhau. Do rất thích thú với những chương trình khuyến mãi dành cho chủ thẻ của các ngân hàng nên chị đã mở rất nhiều loại thẻ tín dụng tại nhiều ngân hàng khác nhau để hưởng các ưu đãi như: hoàn tiền, miễn phí thường niên cho thẻ mới, giảm giá ăn uống mua, sắm, tích lũy chặng bay, quay số trúng thưởng…

Hiện chị sở hữu hơn 10 loại thẻ tín dụng từ nhiều ngân hàng khác nhau và tự nhận nhiều lúc thấy rối loạn với số tiền đã sử dụng trong thẻ, nhưng nhìn chung thì vẫn hài lòng vì "cần thẻ gì là có thẻ đó”.

Tương tự là trường hợp của một chị chủ shop ở TP.HCM, dù đã có khá nhiều thẻ nhưng mới đây chị vẫn mở thêm một thẻ tín dụng tại một ngân hàng nữa vì nhận thấy có chương trình tốt dành cho chủ thẻ.

Cân nhắc nhu cầu trước khi mở thẻ

Trên thực tế, khuyến khích khách hàng mở thẻ tín dụng để chi tiêu vốn là mục tiêu của các ngân hàng, cho dù khách hàng đó đã có thẻ tín dụng của một ngân hàng nào đó rồi hay chưa.

Theo chuyên gia tài chính, người tiêu dùng nên mở thẻ phù hợp với nhu cầu thay vì mở thẻ một cách vô tội vạ. Để quyết định mở thẻ tín dụng, cần xác định nhu cầu cũng như tần suất sử dụng thẻ của cá nhân. Việc sở hữu quá nhiều thẻ không chỉ tăng khả năng nợ cao hơn mà còn làm ảnh hưởng đến số tiền bạn có thể vay trong tương lai.

Về mặt lý thuyết, các chủ thẻ rất quan tâm đến việc xài thẻ ngân hàng sao cho được lợi nhiều nhất, chi tiêu một cách hợp lý nhất. Nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng có thể kiểm soát tốt khả năng tài chính của mình trong suốt thời gian dài.

Hiện có rất nhiều người mở thẻ theo phong trào, theo lời ngon ngọt của nhân viên tư vấn tín dụng ngân hàng. Hậu quả của việc mở thẻ không cân nhắc sẽ dẫn đến nhiều vấn đề liên quan đến phí, lãi suất sau này của chủ thẻ.

Nếu lấy một mức căn bản, an toàn khi sử dụng thì các chuyên gia khuyên người tiêu dùng chỉ nên sở hữu 2 thẻ tín dụng do 2 ngân hàng khác nhau phát hành.

Theo đó, người tiêu dùng sẽ dễ dàng quản lý dòng tiền, hạn mức tín dụng cộng gộp cũng sẽ cao hơn, phù hợp với khả năng chi trả và thanh toán, chưa kể sẽ tận dụng được hết các tính năng, khuyến mãi từ 2 thẻ.

Còn trường hợp sở hữu đến 5-7 thẻ, thậm chí là 10 thẻ thì người chủ thẻ vô hình trung đã đưa mình vào “bẫy tiêu dùng” cũng như dễ gặp rủi ro trong quá trình thanh toán.

Có quá nhiều thẻ dễ gặp rủi ro thanh toán

Một lãnh đạo ngân hàng thương mại cũng không đồng ý với việc một người sở hữu quá nhiều thẻ tại nhiều ngân hàng khác nhau. Bởi vì việc này sẽ khiến khách hàng gặp rủi ro trong quá trình thanh toán, nếu chẳng may một ngân hàng phát hành phát sinh lỗi không thể xử lý giao dịch thanh toán của chủ thẻ.

Ví dụ là trường hợp của chồng chị L. sở hữu 4 thẻ tín dụng tại 4 ngân hàng khác nhau như thẻ Visa, thẻ JCB, thẻ Mastercard. Ban đầu, nhờ tận dụng các ưu đãi, chị L. vẫn tiết kiệm được một khoản không nhỏ so với chi tiền mặt, biến thẻ tín dụng thành công cụ hoạch định chi tiêu hiệu quả. Chẳng hạn chị dùng thẻ Visa để tham gia các chương trình mua hàng điện máy thiết yếu trả góp, chia nhỏ các khoản tiền thanh toán dần. Thẻ Mastercard chị thường xuyên dùng để chi tiêu mua sắm, tích điểm rồi trừ tiền vào hoá đơn hay nhận quà...

Thế nhưng sự cố đã xảy ra khi chị đi nước ngoài dài ngày mà không sử dụng sim điện thoại trong nước. Do vậy, các thông báo chi tiêu mà ngân hàng nhắn đến thì chị đều không nhận được. Trong đó, có một loại thẻ chị sở hữu bị nợ quá hạn vài trăm ngàn đồng (chị đã quên đóng trước đó) đã khiến lịch sử tín dụng của chị bị đánh giá xấu, ảnh hưởng đến một số giao dịch liên quan đến ngân hàng sau này của chị.

Do vậy, lãnh đạo ngân hàng nói trên khuyên rằng, người mở thẻ nên cân nhắc về số lượng thẻ tín dụng sẽ mở, đồng thời đặt ra vài tiêu chí cần thiết khi mở thẻ.

Đơn cử, người mở thẻ nên coi trọng các chính sách về các loại phí, cách tính lãi suất, lãi phạt, phí chuyển đổi ngoại tệ, thời gian miễn lãi… của từng ngân hàng thay vì đặt nặng chương trình khuyến mãi, quà tặng. Bởi hiện nay, mở thẻ tín dụng tại bất kể ngân hàng lớn nhỏ nào cũng được tặng kèm rất nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Đối với việc sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán ở các quốc gia khác, người dùng sẽ phải chịu một loại phí khác là phí chuyển đổi ngoại tệ. Loại phí này cũng khá cao, dao động từ 1-4%, tùy vào chính sách của từng ngân hàng.

Ngoài ra, trường hợp khách hàng thanh toán, trả chậm thẻ tín dụng cũng có thể bị phạt một khoản từ 4-6% số tiền thanh toán chậm. Về bản chất, thẻ tín dụng cũng là một hình thức cho vay tiêu dùng, do vậy, như trên, lãi suất còn ở mức khá cao và biên lãi suất giữa các loại và giữa các ngân hàng khá rộng.

Nói tóm lại, để sử dụng thẻ một cách hiệu quả nhất và tránh những rắc rối không đáng có liên quan đến tài chính, người dùng nên nắm rõ các chi phí, lãi suất này để có những điều chỉnh hợp lý.

Theo Thời báo Ngân hàng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tài chính cá nhân: Chỉ nên sở hữu 2 thẻ tín dụng của 2 ngân hàng khác nhau