Chính phủ Mỹ vừa công bố một loạt tài liệu mật liên quan vụ ám sát Tổng thống John Kennedy, trong đó có tài liệu mật nghi Nga chủ mưu ám sát Tổng thống Kennedy.

Tài liệu mật nghi Nga chủ mưu ám sát Tổng thống Kennedy

29/07/2017, 15:51

Chính phủ Mỹ vừa công bố một loạt tài liệu mật liên quan vụ ám sát Tổng thống John Kennedy, trong đó có tài liệu mật nghi Nga chủ mưu ám sát Tổng thống Kennedy.

Điệp viên KGB Nosenko - Ảnh: Reuters

Theo Newsweek ngày 27,7, trong loạt tài liệu giải mật ngày 24.7 có những biên bản và băng ghi âm của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) phỏng vấn Yuri Nosenko, một cựu điệp viên của Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) đào ngũ qua Mỹ và bị bắt giam, sau khi Nosenko nói có biết thông tin về sát thủ Lee Harvey Oswald dính líu với âm mưu Nga ám sát Kennedy.

Nosenko là điệp viên KGB chịu bị tù để phá cựu đồng nghiệp

Nosenko nói sát thủ Oswald từng bị theo dõi trong một chuyến đi Liên Xô, nhưng hắn không được Liên Xô tuyển dụng làm điệp viên ngầm. Nosenko còn cho biết Anatoliy Golitsyn, một tay KGB khác bỏ trốn qua Mỹ thật ra là một điệp viên hai mang do Moscow cài cắm.

Cả hai cựu điệp viên KGB tố cáo lẫn nhau là cố tình phát tin nhiễu cho Liên Xô. Các lời khai của Nosenko bị đánh dấu “không đáng tin cậy” trong các hồ sơ về vụ ám sát Kennedy. Tuy nhiên chỉ huy phản gián của CIA lúc đó, James Angleton quan tâm đặc biệt đến tay KGB đào ngũ này.

Angleton rất tin Nosenko đang ráng lừa CIA, bằng cách bôi bác tay KGB đào ngũ Golitsyn, một điệp viên đáng tin cậy hơn của KGB, và nhằm che giấu mối liên quan giữa sát thủ Oswald với Liên Xô.

Golitsyn từng khai với Angleton: Moscow sẵn sàng cử điệp viên hai mang để đập tan những lời khai của ông, và Nosenko là một trong số điệp viên hai mang đó.

Nosenko bác bỏ, nói Golitsyn mới đúng là gián điệp hai mang.

Nosenko bị biệt giam suốt 3 năm rưỡi

CIA từng nhốt Nosenko nhiều năm, nghi ông ta toan phá hoại những lời khai của các cựu đồng nghiệp và giấu thông tin nội bộ về âm mưu ám sát Kennedy của Liên Xô.

Nosenko cũng nói ông ta có trí nhớ kém, nên ông ta không thể trả lời những câu hỏi của CIA về những cái tên, vị trí và các sự kiện liên quan thời gian ông ta làm việc cho KGB.

Việc Nosenko không thể nhớ gì khiến CIA nghi ngờ, và họ cho ông ta biết có thể bị tù suốt 25 năm, nếu ông ta không khai nhận ý đồ trốn qua Mỹ là có chủ ý trở thành điệp viên hai mang.

Cuối cùng, Angleton bỏ tù biệt giam Nosenko suốt 3 năm rưỡi, từ năm 1964 đến 1967. Sau khi được thả, Nosenko được miễn tội năm 1969 và sau này qua đời năm 2008.

Việc CIA đối xử cứng rắn với Nosenko được nhắc đến trong báo cáo Những viên ngọc gia đình (1973) đề cập những hành xử độc ác của Cục tình báo trung ương Mỹ.

Báo cáo này có sự hỗ trợ của Giám đốc CIA lúc đó là William Colby, và được công bố năm 2007.

Theo đó,Nosenko bị cấm mọi hoạt động, không hề được gặp người khác trong thời gian bị biệt giam.

Ông ta còn bị tiêm ma túy đến mức gần chết, theo lời khai của ông ta trong một tài phim tài liệu.

Cựu giám đốc CIA Richard Helms phủ nhận thông tin Nosenko bị tra tấn trong thời gian bị giam nhốt, nhưng người kế nhiệm Stansfield Turner vẫn lên án việc ngược đãi Nosenko trong báo cáo Những viên ngọc của gia đình.

Cho đến nay, vẫn còn tranh luận có phải Nosenko tiếp tục làm việc cho KGB vào lúc bị CIA bắt hay không.

Cũng có thắc mắc: ông ta giấu thành công sự dính líu của Liên Xô trong vụ sát thủ Oswald ám sát Tổng thống Kennedy ?

Đó là một giả thiết, mà tổ chức chính phủ minh bạch MuckRock xác định là không thể loại trừ, dựa theo những cuộc điều tra của CIA.

Fidel Castro biết sát thủ Oswald?

Dù Angleton nghi ngờ, CIA và FBI không tin Liên Xô đứng sau vụ ám sát Kennedy, kết luận sát thủ Oswald hành động một mình.

Tên này từng là lính thủy đánh bộ Mỹ, bỏ trốn qua Liên Xô năm 1959 làm công nhân.

Ở Liên Xô, hắn muốn từ bỏ quốc tịch Mỹ và lấy một cô gái Nga làm vợ. Cô này có bác là đại tá tình báo Liên Xô.

Năm 1961, Oswald mới trở về Mỹ, nhiều lần một mình biểu tình công khai ủng hộ Cuba. Hắn còn đánh nhau với những kẻ chống Cuba. CIA theo dõi hắn và phát hiện hắn đến Sứ quán Cuba và Sứ quán Liên Xô tại Mexico nhiều lần (từ ngày 27.9 đến ngày 2.10.1963) để xin visa thăm Cuba nhưng không được.

Ngày 22.11. 1963, Oswald bắn chết Kennedy, trong lúc đoàn xe chở tổng thống đang diễu hành trên đường phố Dallas (Texas) trước khi hắn bị bắt.

Hai ngày sau, chủ hộp đêm Jack Ruby bắn chết Oswald. Ruby bị buộc giết người, kháng án nhưng chết vì bịnh ung thư phổi hồi năm 1967, trong lúc ông ta chờ ra phiên tòa mới.

Sát thủ Oswald trước khi bị Ruby bắn chết

Trong cuốn sách Những bí mật của Castro, CIA và cỗ máy tình báo Cuba, cựu nhân viên CIA Brian Lattel nêu cố Chủ tịch Cuba Fidel Castro biết trước vụ ám sát Kennedy.

Lattel viết vào sáng 22.11.1963, Fidel ra lệnh cho Florentino Aspillaga (một cựu quan chức của Cơ quan tình báo Cuba - DGI) ngưng nghe lén các cuộc liên lạc radio của CIA, để tập trung “vào từng chi tiết nhỏ nhất ở Dallas”.

Khoảng 3 giờ sau, Aspillaga bị sốc khi báo cáo vụ ám sát Kennedy. Năm 1987, ông ta trốn qua Mỹ, Lattel đã tìm gặp và được nghe ông ta nói: “Castro biết trước Kennedy sẽ bị giết”.

Lattel còn dẫn báo cáo của đặc vụ Cảnh sát liên bang Mỹ (FBI) Jack Childs được cài sâu vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Mỹ, nêu trong một cuộc họp diễn ra 5 tháng sau cái chết của Kennedy, Fidel công nhận Oswald, kẻ ám sát Kennedy:

Hồi tháng 9 và 10.1963, khi bị Sứ quán Cuba tại Mexico không cấp visa thăm Cuba cho Oswald, hắn nói với các nhân viên ở đó rằng sẽ giết Kennedy để chứng tỏ hắn là cảm tình viên của Cuba.

Childs kể Fidel cho ông ta biết: “Oswald xộc vào Sứ quán, xin cấp visa và khi bị từ chối đã hét: “Ta sẽ giết Kennedy cho mà xem !”.

Lattel viết: “Castro biết ý đồ của Oswald và không làm gì để ngăn chặn”.

Theo tài liệu của CIA được giải mật, vào ngày 1.1.1962, người Cuba còn làm lễ khiêng quan tài giả của Kennedy.

“3 phát vào mặt”

Lúc sinh thời, Fidel cực lực phủ nhận rằng chính phủ Cuba không hề biết gì về Oswald ngoài những thông tin trên báo chí.

Nhưng vào năm 1964, một tay DGI đào ngũ khác là Vladimir Rodriguez Ladera, khai với CIA rằng Fidel nói dối, vì tin tức Oswald bị bắt khiến DGI lập tức xôn xao.

Ladera nói Sứ quán Cuba ở Mexico là “sân chơi chính” để Cuba do thám Mỹ và khu vực Mỹ La tinh, nên tất cả các thông tin nhỏ nhất đều được báo về Fidel.

CIA nghe lén Sứ quán này và biết được các quan chức DGI nói chuyện với nhau, qua đó nổi lên chi tiết bất ngờ: họ biết rõ lý lịch Oswald chỉ vài giờ sau vụ ám sát, khi chưa có nhiều thông tin trên báo chí.

Một trong những người nói chuyện là Luisa Calderon, nữ nhân viên DGI khoảng 20 tuổi và xinh gái, nói thạo tiếng Anh do từng sống ở Miami với bố mẹ cô trong những năm 1950.

Bốn giờ sau vụ ám sát Kennedy, cô nhận cú điện thoại của một điệp viên DGI hỏi cô có biết chuyện gì xảy ra ở Dallas không, và cô đáp “Biết chứ”.

Họ tiếp tục “tám” và người gọi xác nhận Oswald nói thạo tiếng Nga, từng viết thư cho Fidel để xin gia nhập lực lượng vũ trang Cuba hồi năm 1959.

Calderon còn nói “Hoàn hảo” với một người gọi khác, khi đầu dây bên kia nói “3 phát vào mặt”, rồi cô bảo “Đây là một tin vui” trước khi cười ha hả với tin vợ và em của Kennedy cũng bị thương (thực tế không phải vậy).

Lattel nêu những sự việc này cho thấy DGI có lập hồ sơ về Oswald và biết hắn rất rõ. Cuốn sách được xem là công trình nghiên cứu đầu tiên về hoạt động tình báo của Cuba.

Lattel từng là nhà phân tích tình hình Nam Mỹ cho CIA trong những năm 1960, là giảng viên cấp cao về Cuba của đại học Miami. Ông ta khoe phát hiện các thông tin trên từ những cuộc phỏng vấn các cựu quan chức DGI, cộng với các tài liệu được các cơ chính phủ Mỹ như CIA, FBI, Lầu Năm Góc giải mật.

Ông ta nói với báo Miami Herald: “Tôi không nói Castro ra lệnh ám sát, không nói Oswald bị ông ấy kiểm soát. Có thể hắn bị thế nhưng tôi không cãi vì không thể tìm ra chứng cớ xác nhận nghi ngờ này. Nhưng những gì tôi viết là dựa theo các tài liệu và các nguồn tin có ghi âm. Liệu Fidel có muốn Kennedy chết? Có. Ông ấy sợ Kennedy và biết Kennedy muốn khử ông ấy. Có thể Fidel nghĩ ông ta nên tự vệ”.

Fidel tuyên bố “lạnh lưng” với một nhà báo Mỹ hồi tháng 9.1963: “Các lãnh đạo Mỹ nên nghĩ rằng nếu họ giúp bọn khủng bố trừ khử lãnh đạo Cuba, chính họ cũng sẽ không được an toàn”.

Trong bối cảnh đó, việc nghi ngờ Cuba dính líu vụ ám sát Kennedy là lẽ tự nhiên.

Vì vào những năm 1960, cuộc Chiến tranh Lạnh trở nên nóng bỏng. Mỹ sợ cuộc cách mạng của Cuba sẽ giúp Liên Xô có thế đứng ở Tây bán cầu, nên đã ủng hộ kế hoạch xâm lược “Vịnh con heo” của bọn lưu vong Cuba phản động, nhưng chúng bị đập tan ngay khi đổ bộ vào lãnh thổ Cuba.

Tiếp đó, Liên Xô cho lắp đặt tên lửa hạt nhân ở Cuba, khiến toàn thế giới lo sợ nguy cơ bùng nổ Thế chiến 3 trong suốt hai tuần, trước khi Kennedy đạt một thỏa thuận và Liên Xô rút dàn tên lửa.

Vĩnh Thụy (theo Newsweek)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tài liệu mật nghi Nga chủ mưu ám sát Tổng thống Kennedy