Trong những danh từ riêng tiếng Việt chỉ địa danh một số nước trên thế giới, Ý là cái tên quen thuộc. Vậy mà chẳng hiểu vì cớ gì nhiều cơ quan truyền thông lại cứ cố gò về cách đọc (và cách viết) theo đúng nguyên ngữ là Italia (hoặc tiếng Anh: Italy, tiếng Pháp: Italie)?

Tại sao lại cứ phải là Italia ?

16/04/2017, 11:52

Trong những danh từ riêng tiếng Việt chỉ địa danh một số nước trên thế giới, Ý là cái tên quen thuộc. Vậy mà chẳng hiểu vì cớ gì nhiều cơ quan truyền thông lại cứ cố gò về cách đọc (và cách viết) theo đúng nguyên ngữ là Italia (hoặc tiếng Anh: Italy, tiếng Pháp: Italie)?

Tháp nghiêng Pisa là điểm du lịch nổi tiếng của nước Ý - Ảnh: Internet

Italia (tên tắt của Republica Italiana) là một quốc gia, lãnh thổ nằm giữa Địa Trung Hải, ở phía nam châu Âu, thủ đô là Roma. Đã từ lâu, chúng ta có thói quen gọi là nước Ý. Đó là cách gọi tắt theo cách đọc Hán Việt của cả tổ hợp Ý Đại Lợi. Thực tế, tiếng Việt đã có một kho tên riêng địa danh nước ngoài phiên theo cách đọc này. Chẳng hạn: Mỹ (Mỹ Lợi Kiên), Pháp (Pháp Lan Tây), Anh (Anh Cát Lợi), Nga (Nga La Tư), Hà Lan, Ba Lan, Tiệp Khắc... Ý cũng là một cái tên quen thuộc trong số đó. Vậy mà chẳng hiểu vì cớ gì nhiều cơ quan truyền thông nay lại cứ cố gò về cách đọc (và cách viết) theo đúng nguyên ngữ là Italia (hoặc tiếng Anh: Italy, tiếng Pháp: Italie)?

Theo chúng tôi, cách viết như vậy có khá nhiều điểm không hợp lý cần cân nhắc.

Thứ nhất, đó là cách đối xử thiếu nhất quán trong việc xử lý vấn đề tên riêng nước ngoài. Hiện tại, chúng ta đang có tới 3 phương án khác nhau và cũng đang còn tranh luận trong nhiều năm nay (phiên âm, nguyên dạng, chuyển tự). Nhưng có một số trường hợp do lịch sử để lại, là các tên đã Hán Việt hóa, thông dụng tới mức đã thành thói quen của người bản ngữ, thì không nên thay đổi làm gì. Trừ những trường hợp chưa phổ biến, còn xa lạ với người đọc người nghe Việt Nam như Gia Nã Đại (Canada), Mễ Tây Cơ (Mexico), Á Căn Đình (Argentina), Ba Tây (Brazil), Bảo Gia Lợi (Bulgaria), Phi Luật Tân (Philippines)... thì nếu có đưa trở lại nguyên ngữ còn chấp nhận được (và cũng ít gây xáo trộn). Với những cái tên như Đức, Nhật, Mỹ, Pháp, Ý... thì thói quen sử dụng đã ăn sâu vào tiềm thức người bản ngữ, việc đổi chỉ gây khó khăn, phiền phức vì cùng một lúc tồn tại hai biến thể. Và nếu thực sự theo giải pháp nguyên ngữ thì phải nguyên ngữ tất cả, không trừ một trường hợp nào. Ở đây, tự nhiên, chỉ có một vài ngoại lệ là sao?

Thứ hai, cách dùng đó lại “rườm rà” hóa sự việc. Vì viết Ý vừa ngắn gọn, vừa dễ đọc hơn Italia (ít hơn 5 con chữ khi viết và 3 âm tiết khi đọc). Cũng như ta viết là nước Úc đã quen, ngắn gọn, dễ nhớ hơn (nước) Australia. Đấy là chưa nói là sẽ tạo ra sự bất hợp lý cho việc sử dụng, như chúng ta vẫn thường nói “trục” Đức - Ý - Nhật, thời trang Ý, món ăn Ý, hay Thép Việt - Úc, câu cá kiểu Úc... thì việc thay các từ Italia, Australia vào vừa “cọc cạch” vừa bất tiện khi sử dụng (nếu thay là phát xít Đức - Italia - Nhật, Thép Việt - Australia, câu cá kiểu Australia... thì nghe càng không thuận).

Thứ ba, vì ở đây chả có lý do chính trị hay quan hệ ngoại giao chi phối đến mức phải điều chỉnh cho thích hợp (chẳng hạn, chúng ta từng điều chỉnh các trường hợp như Hàn Quốc, Myanmar, Czech, Slovakia...). Còn về lý do thẩm mỹ (như có thể có ai suy luận), bản thân các từ Ý và Úc không hề gây liên tưởng phản cảm (chúng ta vẫn giữ các tên như Bỉ, Thổ mà suy cho cùng, theo nghĩa tiếng Việt, cũng chưa thật hay đó sao).

Vì vậy, theo chúng tôi, nên giữ nguyên cách gọi nước Ý như đã có trước đây. Nếu theo dõi báo chí vừa qua, ta thấy khá nhiều báo (nhất là báo chí phía nam), vẫn giữ nguyên cách viết Ý, Úc thay cho Italia, Australia. Không phải vì họ bảo thủ, mà thực tế, cách dùng như vậy càng ngày càng tỏ ra tiện lợi, hợp lý. Điều này cũng giống như chúng ta không đổi tên Hán Việt một loạt nước đang tồn tại bởi điều này có lợi cho việc giao tiếp ngôn ngữ.

TS Phạm Văn Tình

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao lại cứ phải là Italia ?