Khi lần lượt chiếm đóng các khu vực trên khắp Afghanistan, Taliban thu giữ không ít trang thiết bị quân sự Mỹ trị giá hàng trăm triệu thậm chí hàng tỉ USD từng thuộc về quân đội Afghanistan.

Taliban có thể dùng số vũ khí Mỹ thu giữ được hay không?

Cẩm Bình | 21/08/2021, 16:56

Khi lần lượt chiếm đóng các khu vực trên khắp Afghanistan, Taliban thu giữ không ít trang thiết bị quân sự Mỹ trị giá hàng trăm triệu thậm chí hàng tỉ USD từng thuộc về quân đội Afghanistan.

Có nhiều video ghi lại cảnh chiến binh Taliban vui mừng sử dụng vũ khí Mỹ như súng, xe bọc thép, máy bay không người lái và cả trực thăng Blackhaw... làm dấy lên lo ngại tổ chức Hồi giáo này sẽ lấy cả công nghệ phức tạp, chẳng hạn thiết bị sinh trắc, họ có thể dùng để truy ra người từng làm việc cho Mỹ cùng đồng minh.

Dù theo đuổi tư tưởng Hồi giáo khắc khổ và không chủ trương phát triển xã hội hiện đại, nhưng Taliban lại cởi mở về mặt công nghệ. Họ biết dùng internet cùng mạng xã hội, đồng thời cũng chẳng xa lạ gì với trang thiết bị quân sự Mỹ.

Theo nhà sử học Robert Crews thuộc Đại học Stanford: “Vài năm gần đây Taliban đã sử dụng thiết bị quân sự tinh vi thu giữ từ lực lượng an ninh Afghanistan: từ kính nhìn đêm, ống ngắm đến súng bắn tỉa, xe bọc thép, pháo”.

the00.jpg
Binh sĩ Taliban trên một chiếc xe bọc thép Humvee (Mỹ) - Ảnh: The Washington Post

Chiếm lấy công nghệ Mỹ có thể được xem là chiến thắng mang tính biểu tượng đối với Taliban vốn chiến đấu bằng vũ khí đơn giản, sợ hãi sức mạnh không quân lẫn sức mạnh công nghệ Mỹ. Tuy nhiên giới chuyên gia lo ngại tổ chức Hồi giáo này còn hưởng được cả lợi ích thực tế.

“Taliban hiểu rất rõ giá trị của thiết bị quân sự tinh vi”, nhà nghiên cứu Ibraheem Bahiss thuộc Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) lưu ý. Ông chỉ ra rằng Taliban trong khoảng thời gian cai trị những năm 1990 từng sở hữu sức mạnh không quân hạn chế, và giờ đây Mullah Yaqoob - chỉ huy quân sự hàng đầu Taliban, con trai nhân vật đồng sáng lập tổ chức Mohammad Omar - công khai yêu cầu chỉ huy các đơn vị chiến đấu bảo vệ sân bay.

Theo nhà nghiên cứu Bahiss: “Họ biết sân bay là tài sản quân sự quan trọng cần giữ gìn”.

Với Taliban, công nghệ hữu ích nhất là công nghệ tương đối đơn giản và không chỉ có mình Mỹ phát triển được. Tổ chức này từng thể hiện khả năng dùng lựu pháo D-30 (Liên Xô sản xuất).

Chuyên gia phân tích Joseph Dempsey thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại London (Anh) cho rằng việc Taliban dùng trang thiết bị quân sự Mỹ chẳng có gì đáng ngạc nhiên, nhưng họ sẽ gặp khó khăn trong bảo dưỡng hay sử dụng máy bay Mỹ vì chúng có công nghệ khá phức tạp.

Kho vũ khí 18 tỉ USD

Số liệu từ cơ quan giám sát viện trợ Mỹ dành cho Afghanistan (SIGAR) cho thấy trang thiết bị quân sự là một phần của dự án giúp lực lượng an ninh Afghanistan tăng cường sức mạnh trị giá đến 83 tỉ USD. Từ năm 2005 đến 2021 Mỹ giải ngân ít nhất 18 tỉ USD cho lực lượng an ninh Afghanistan mua thiết bị và công tác vận tải, cùng nhiều tỉ USD cho huấn luyện cũng như công tác bảo dưỡng.

Trước lúc thất thủ, không quân Afghanistan sở hữu hơn 40 chiếc trực thăng MD-530, hơn 30 trực thăng UH-60 Blackhawk đều do Mỹ sản xuất đang hoạt động. Ngoài ra còn có hơn 23 máy bay tấn công A-29 Super Tucano sử dụng được, vài chiếc vừa trải qua đợt nâng cấp với khả năng thả bom dẫn đường bằng laser.

Thời gian gần nhất vừa rồi, Mỹ cấp cho Afghanistan hơn 212 triệu USD sắm trang bị quan trọng, trong đó có xe bọc thép hạng nhẹ Humvee. Ngoài ra quốc gia Nam Á này còn nhận vũ khí từ nước khác, chẳng hạn như máy bay Nga đời cũ.

Trả lời họp báo đầu tuần qua, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan thừa nhận Mỹ không nắm hết số lượng trang thiết bị quân sự rơi vào tay Taliban, nhưng đánh giá đây là số lượng lớn.

Hình ảnh từ Afghanistan cho thấy Taliban sử dụng một số trang thiết bị Mỹ như súng trường M4 hay xe bọc thép Humvee. Vài máy bay Mỹ chưa rõ tình trạng hoạt động cũng đang nằm trong tay Taliban.

the01.jpg
Chiến binh Taliban dùng vũ khí Mỹ tuần tra trên đường phố Kabul ngày 19.8 - Ảnh: The Washington Post

Xem xét hình ảnh do một số lực lượng trung thành với Taliban ghi lại, hai nhà phân tích Stijn Mitzer và Joost Oliemans ghi nhận đến hơn 30 loại trang thiết bị đã thuộc sở hữu của “không quân Taliban”, trong đó có ít nhất 1 chiến đấu cơ A-29 Super Tucano, 7 máy bay không người lái Insitu ScanEagle.

Đặc biệt, Taliban hiện thu giữ 4 chiếc trực thăng Blackhawk (giá 10 triệu USD/chiếc) hoặc có thể hơn.

Một video xuất hiện cuối tuần qua cho thấy chiến binh Taliban điều khiển trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất, tại sân bay Herat. Đến nay chưa có hình ảnh Taliban dùng máy bay Mỹ.

Vài trang thiết bị đắt tiền khác dường như bị vô hiệu hóa hoặc đưa đi bởi lực lượng an ninh và quan chức Afghanistan. Nhà phân tích Mitzer dẫn bằng chứng video chỉ ra rằng một số máy bay (gồm cả 3 chiếc Blackhawk) được đưa đến thung lũng Panjshir phía bắc Kabul, nơi lực lượng chống Taliban tập trung.

Uzbekistan ngày 15.8 tuyên bố đã buộc 22 máy bay cùng 24 chiếc trực thăng - tương đương 1/4 số máy bay của không quân Afghanistan - di chuyển từ Afghanistan xâm phạm không phận phải hạ cánh. Hình ảnh vệ tinh củng cố sức thuyết phục của tuyên bố này.

Nguy cơ Taliban dùng được trang thiết bị quân sự tối tân

Giới lãnh đạo Taliban dường như không mấy quan tâm đến một loạt tiện ích hiện đại. Trong thời gian cầm quyền trước đó họ cấm TV, băng cassette và máy ảnh. Tuy nhiên tổ chức này luôn cố dùng mọi trang thiết bị quân sự có thể dùng.

Những năm 1990, Taliban thiết lập lực lượng không quân quy mô nhỏ chủ yếu sử dụng máy bay Nga (trong đó có 20 chiến đấu cơ MiG 21). Phần lớn hoạt động dựa vào chuyên môn của đội ngũ phi công, kỹ thuật viên dưới quyền Taliban.

Nhà nghiên cứu Bahiss nhận định Taliban hiện nay chắc chắn làm theo kinh nghiệm cũ: “Khả năng họ bán trang thiết bị Mỹ lấy tiền rất thấp. Nhiều khả năng họ sẽ giữ lại để tăng cường năng lực phục vụ nỗ lực chống lại hoạt động phản kháng”.

Chuyên gia Dempsey lạc quan cho rằng Mỹ đã chú ý đến rủi ro công nghệ chuyển giao cho lực lượng an ninh Afghanistan rơi vào tay bên thứ ba.

Thời gian qua Taliban cho thấy họ sẵn sàng dùng vũ khí cỡ nhỏ cũng như một số công nghệ quân sự Mỹ. Đặc biệt đáng quan ngại là thiết bị phát hiện nhận dạng liên hợp cầm tay (HIIDE) có thể giúp truy ra người từng làm việc cho Mỹ cùng đồng minh.

Nhưng trang thiết bị tối tân như máy bay thì lại là vấn đề lớn. Máy bay Mỹ đòi hỏi quy trình bảo dưỡng phức tạp, kể cả khi có sự giúp đỡ từ quốc gia nắm rõ công nghệ như Pakistan thì trình độ Taliban cũng khó lòng thực hiện.

Hơn nữa nếu để công nghệ Pakistan nắm giữ rơi vào tay nhóm nổi dậy ủng hộ Taliban, thường xuyên quấy rối biên giới như Tehreek-e-Taliban thì sẽ là thảm họa cho giới chức Islamabad, theo học giả Madiha Afzal thuộc Viện Nghiên cứu Brookings.

Như vậy, Taliban có thể lặp lại tình cảnh mà lực lượng an ninh Afghanistan từng gặp phải: nếu không có sự hỗ trợ thường xuyên và đắt đỏ từ nhà thầu nước ngoài thì phần lớn trang thiết bị Mỹ trang bị công nghệ tiên tiến sẽ chỉ để bám bụi trong kho.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Taliban có thể dùng số vũ khí Mỹ thu giữ được hay không?