Toyota đã đầu tư 4 tỷ đôla vào viện nghiên cứu AI và robot để tạo ra những phương tiện giao thông an toàn hơn.

Tầm nhìn Toyota về xe tự lái (P.1): Chiếc Lexus LS 600hL bạc

Anh Đủ | 24/09/2018, 13:24

Toyota đã đầu tư 4 tỷ đôla vào viện nghiên cứu AI và robot để tạo ra những phương tiện giao thông an toàn hơn.

John Leonard tản bộ đến một gara chật chội trong khuôn viên Viện Công nghệ Massachusetts và mở cửa. Nơi đây, đáng chú ý nhất có lẽ là các cửa sổ phản chiếu khiến người ngoài không thể nhìn vào trong. “Nếu bạn chạy taxi đi ngang qua, bạn có nghĩ tương lai của Toyota đang được thiết kế ở đây không?”, Leonard nói.

Bên trong gara là một chiếc sedan Lexus LS 600hL bạc. Nó không giống như bất kỳ chiếc Lexus nào khác bởi nó nằm trong dự án nghiên cứu phát triển các loại xe không người lái của Toyota.

Leonard, Phó chủ tịch nghiên cứu xe tự hành tại Viện Nghiên cứu Toyota, sắp tròn ba tuổi, giải thích cách chiếc Lexus được trang bị radar, máy quay video và hệ thống laser để có thể phát hiện, xác định và phản ứng với vật thể cách xe 200 mét (656 feet) – con số này gấp hai lần so với kết quả đạt được cách đây một năm.

Một trong những nhiệm vụ của Leonard là chạy chiếc Lexus xung quanh thành phố Cambridge, bang Massachusetts để thu thập dữ liệu nhằm sử dụng để tạo ra các bản đồ kỹ thuật số và cố gắng ngoại suy cách một chiếc xe có thể hành xử khi không có con người phía sau tay lái. “Nó giống như một dự án khoa học,” Leonard nói. “Ở trên đường, đừng đụng ai/cái gì và cũng đừng bị đụng.”

Giá như nó đơn giản như thế. Toyota Motor Corp., nhà sản xuất ôtô có giá trị lớn nhất thế giới, với mức vốn hóa thị trường 200 tỷ đôla Mỹ (USD), đang chạy sau trong cuộc đua tạo ra những chiếc xe của một tương lai có thể không xa. Chỉ bốn năm trước, Akio Toyoda, chủ tịch công ty, nói rằng Toyota sẽ theo đuổi phát triển xe tự lái chỉ khi loại xe này có thể đánh bại con người, ví dụ như ông, trong cuộc chạy đua marathon. Giờ đây, Akio Toyoda đã không còn suy nghĩ như vậy nữa.

Nếu tham gia cuộc đua và tăng tốc, Toyota, có thể trong một phiên bản tương lai, phải đối mặt với sự sỉ nhục khi trở thành một nhà cung cấp những “chiếc hộp thép” cho các tay chơi mới nổi như Waymo và Baidu. Bản thân Toyoda đã nhận ra các công ty công nghệ là “đối thủ mới của chúng tôi, với tốc độ cao gấp nhiều lần so với các công ty của chúng tôi. Và một trận chiến sinh tử đã bắt đầu trong một thế giới đầy ẩn số”.

Waymo, dự án xe tự lái của Alphabet Inc., có kế hoạch bắt đầu một dịch vụ gọi xe taxi không người lái ở Phoenix vào đầu năm nay. General Motors Co. gần đây đã thu hút khoản đầu tư trị giá 2,25 tỷ USD từ SoftBank Group Corp. để triển khai robo-taxi vào năm tới. Zoox Inc. cho biết họ sẽ có những chiếc xe tự lái sẵn sàng cho thị trường ngay từ năm 2020. Sự điên cuồng này gợi nhớ đến đầu thế kỷ 20, khi hàng trăm nhà sản xuất non trẻ cạnh tranh cho đến khi hầu như tất cả đều thất bại hoặc bị hợp nhất.

Đối với Toyota, hãng đã đầu tư gần 4 tỷ đôla để thành lập viện nghiên cứu, có trụ sở tại Los Altos, California; đồng thời kết nối nghiên cứu chính thức với Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Michigan và Đại học Stanford. Để nâng cao kiến thức của mình trong trí thông minh nhân tạo, robot và khoa học vật liệu, Viên nghiên cứu Toyota đã tuyển dụng các ngôi sao trong lĩnh vực này như Leonard, chuyên gia trong lĩnh vực xe tự lái, thậm chí còn có thể vận hành dưới nước và Gill Pratt, hiện giữ vị trí CEO của Viện, người nhiều năm điều hành dự án xe tự lái và robot tại “Cơ quan Quản lý các dự án Quốc phòng tiên tiến” (DARPA), thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Vào tháng 6, Toyota đã đầu tư 1 tỷ USD vào Grab Holdings Inc., gã khổng lồ trong lĩnh vực gọi xe tại Đông Nam Á; vào tháng 8, họ rót 500 triệu đôla vào một thỏa thuận với Uber Technologies Inc. để cùng nhau tạo ra những chiếc xe không người lái. Viện nghiên cứu Toyota thậm chí còn hợp tác với các đối tác ở lĩnh vực khác để phát triển đội phương tiện không người lái đa chức năng.

Thế nhưng có một nghịch lý trong những sáng kiến nêu trên: Toyota không nhất thiết phải mua quảng cáo về xe tự lái một cách nhanh chóng để kiểm soát các con đường ở Hoa Kỳ và xa hơn nữa. Bản thân Leonard cũng không tỏ vẻ thích thú ý tưởng xe tự lái. “Đưa tôi từ Cambridge đến sân bay Logan mà không có tài xế trong bất kỳ điều kiện thời tiết hoặc giao thông nào của Boston – điều đó có thể không có trong cuộc đời tôi”, ông nói. Trên trang web của mình, Viện nghiên cứu mô tả mục tiêu của họ là “một ngày nào đó, phát triển một chiếc xe không có khả năng gây ra tai nạn.” Họ không nói rõ chiếc xe này là xe tự lái hay xe có người lái.

Tầm nhìn về tự lái của Toyota không thực sự loại bỏ tài xế. Đúng hơn, đó là về việc sử dụng các công nghệ tự động và kỹ thuật liên quan để làm cho chiếc xe an toàn hơn và thân thiện với người dùng hơn, với đầy đủ các tính năng giúp người lái giữ được hiệu quả trong khi họ vẫn ngồi sau tay lái. Toyoda, người đều đặn tham dự các cuộc đua và chỉ ký duyệt các thiết kế xe trong tương lai chỉ khi đích thân thử nghiệm, cược rằng tình yêu của người tiêu dùng với ôtô còn lâu mới kết thúc.

Với quỹ tiền mặt 50 tỷ USD tính đến ngày 30/6, nhiều gấp đôi GM, Toyota chắc chắn có tiền để theo đuổi bất kỳ tương lai nào mà nó tin tưởng.Ai cũng hiểu công nghệ xe tự lái là phát minh của Mỹ, và từ lâu Toyota vốn được biết đến không phải là một nhà phát minh mà là một nhà sản xuất tuyệt vời, tìm ra những phát minh của đối thủ và làm chúng tốt hơn. Tuy vậy, cách tiếp cận như thế có thể sẽ thay đổi khi công ty đối mặt sự chuyển dịch với sự thế hệ lãnh đạo mới. “Trong kinh doanh ngày nay, chúng ta cần trở nên giống như các công ty công nghệ trước khi các công ty công nghệ trở nên giống chúng ta hơn”, Pratt nói. “Công ty hiện nay rất mạnh mẽ, vì vậy bây giờ là lúc để đảm bảo rằng chúng ta thực sự là những người tìm ra tất cả những thứ tuyệt vời.”

Đầu năm nay, trong ánh đèn nhấp nháy và âm nhạc vang lên, một chiếc Toyoda rạng rỡ xuất hiện tại sân khấu triển lãm công nghệ CES ở Las Vegas 2018. “Đây là một vinh dự lớn lao cho một anh chàng xe hơi như tôi ở đây,” ông Toyoda Akio, cháu nội của Toyoda Kiichiro, người sáng lập Toyota cách đây tám thập kỷ, nói. Và vài phút sau đó, xung quanh Toyoda trên sân khấu là các giám đốc điều hành từ Amazon.com, Uber, Pizza Hut, Mazda và Didi Chuxing.

Sáu công ty này là đối tác trong một sản phẩm mà Toyoda cho biết sẽ sẵn sàng phục vụ cho Thế vận hội Tokyo và Paralympic 2020: một chiếc xe điện có hình dạng bong bóng mang tên e-Palette. e-Palette được thiết kế để đưa đón mọi người, cung cấp bánh pizza, cứu thương hoặc trung tâm cứu hộ khẩn cấp … “Hôm nay, bạn phải đi đến cửa hàng. Trong tương lai, với e-Palette, cửa hàng sẽ đến với bạn.”, Toyoda nói.

Lời nói trên là biểu hiện công khai sự thay đổi trong suy nghĩ của Toyoda bởi trước đó, năm 2014, ông vốn không đánh giá cao tương lai của xe tự lái.

Sau đó, Toyota sớm tham gia lập kế hoạch cho Thế vận hội 2020 tại Tokyo. Toyoda nói với Automotive News rằng ông rất ngạc nhiên khi biết rằng các vận động viên Paralympic muốn lái “những chiếc xe tuyệt vời, chứ không chỉ những chiếc xe được thiết kế riêng cho người khuyết tật.” Từ đó, ông nhận ra, các phương tiện tự động và bán tự động có thể giúp người khuyết tật, người cao tuổi lái xe dễ dàng hơn, vui hơn so với trước đây.

Ông quay sang Shigeki Tomoyama, một giám đốc điều hành cấp cao ở Tokyo và là người thân tín lâu năm mà Toyoda gọi là “Tướng quân” (shogun). Tomoyama là người sùng bái kaizen, triết lý cốt lõi của Toyota về việc thực hiện các cải tiến nhỏ, liên tục trong quá trình sản xuất để tạo ra chất lượng tốt hơn với chi phí thấp hơn. Tomoyama đã đón nhận công nghệ đủ để Jeff Liker, một giáo sư Đại học Michigan và là tác giả của một số cuốn sách về Toyota, gọi ông là “Frankenstein” — với một nửa Toyota, một nửa thung lũng Silicon. Điều đó nghe có vẻ phóng đại. Nhưng chính Tomoyama là người đã thiết lập dự án đầu tiên của Toyota để kết nối xe hơi với Internet gần hai thập kỷ trước. Trong số các lãnh đạo cấp cao của Toyota, Tomoyama gần như là người duy nhất đăng hình ảnh sinh hoạt hàng ngày, từ bữa cơm anh ta ăn, nhà máy anh ta đến thăm, và con cá anh câu được trên mạng xã hội. Kiến thức nền của Tomoyama rất rộng, từ dữ liệu lớn đến các môn thể thao có động cơ. Điều đó giúp anh thuận lợi trong việc phát triển một chiếc du thuyền của Lexus.

Trong vòng vài tháng sau khi được bố trí để thúc đẩy phát triển xe hơi tự lái, Tomoyama đã lôi kéo Pratt từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và cho ra mắt Viện Nghiên cứu Toyota (TRI). Một năm sau khi thành lập TRI, ông ra mắt Toyota Connected, một công ty con của Toyota ở Mỹ cố gắng biến dữ liệu thu được từ những chiếc xe được kết nối với internet của công ty thành hàng hóa và dịch vụ có thể bán được. Cũng trong khoảng thời gian đó, Tomoyama bắt đầu nói chuyện với Uber về sự hợp tác và kết quả là e-Palette ra đời.

Ngoại trừ việc giới thiệu rằng e-Pallete sẽ xuất hiện tại Olympic Tokyo 2020, Toyota chưa công bố cụ thể họ sẽ bán sản phẩm này ở đâu và khi nào. Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi thấy thế tiến thoái lương nan của Toyota về về công nghệ tự động lõi này. Họ không thể đứng ngoài cuộc đua trong mảng xe tự lái nhưng cũng khó có thể khắng định điểm rơi của thị trường. Masahiro Nakashima, giám đốc điều hành của Toyota Connected cho biết: “90% người tiêu dùng vẫn không mong đợi việc lái xe tự động”. Một nghiên cứu của Gartner Inc. năm ngoái cho thấy 55% người tiêu dùng được khảo sát cho biết sẽ không sử dụng một chiếc xe tự lái hoàn toàn; nhưng hơn 70% bày tỏ sự quan tâm sẽ sử dụng một chiếc xe tự động một phần. Đây chính là những khách hàng tiềm năng mà Toyota hướng đến.

Đức Tâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
2 phút trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tầm nhìn Toyota về xe tự lái (P.1): Chiếc Lexus LS 600hL bạc