“Việc Hiệu trưởng Huỳnh Tấn Đăng Giang không chấp hành quyết định điều động, bổ nhiệm, tự ý bỏ nhiệm sở gần 2 năm là vi phạm Luật Cán bộ - Công chức, vô tổ chức”, ông Trần Kim Lân - Bí thư Thành ủy TP.Tân An - khẳng định.

Tân An: Hiệu trưởng ngồi nhà gần 2 năm vẫn được trả lương

Hùng Anh | 15/06/2017, 11:13

“Việc Hiệu trưởng Huỳnh Tấn Đăng Giang không chấp hành quyết định điều động, bổ nhiệm, tự ý bỏ nhiệm sở gần 2 năm là vi phạm Luật Cán bộ - Công chức, vô tổ chức”, ông Trần Kim Lân - Bí thư Thành ủy TP.Tân An - khẳng định.

Cho rằng bị trù dập?

Ông Hiệu trưởng không làm việc gần 2 năm vẫn được trả lương là thầy Huỳnh Tấn Đăng Giang (sinh năm1960), nguyên Hiệu trưởng trường tiểu học Võ Thị Sáu (trường loại 1, phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An). Ông Giang “nổi tiếng” vì từ tháng 8.2015 đến nay ông không chấp hành quyết định của UBND TP.Tân An điều động bổ nhiệm ông từ trường Võ Thị Sáu về giữ chức Hiệu trưởng trường tiểu học Hướng Bình (trường loại 3, xã Hướng Thọ Phú, TP. Tân An).

Chính vì thế, ông không đến nhiệm sở nhận công tác, nhưng… vẫn được trả lương đều đều mỗi tháng. Theo các tài liệu chúng tôi có được, sở dĩ ông Giang không chấp hành quyết định điều động, bổ nhiệm vì ông cho rằng UBND TP.Tân An điều động ông từ trường loại 1 về trường loại 3 không có lý do chính đáng, trù dập người chống tiêu cực.

Ông Giang trước đây là Hiệu trưởng trường tiểu học Hướng Thọ Phú (TP.Tân An). Tháng 9.2014, ông Giang được UBND TP.Tân An điều động về giữ chức hiệu trưởng trường tiểu học Võ Thị Sáu. Khi nhận nhiệm sở mới, thời gian đầu ông Giang được đánh giá là mộthiệu trưởng năng động, tích cực đưa ra nhiều biện pháp củng cố, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, chỉ đạo tập thể giáo viên thực hiện tốt các quy chế chuyên môn.

Bản thân ông Giang thường xuyên xuống lớp dự giờ, cương quyết chấn chỉnh tình hình dạy thêm, học thêm đang rất tai tiếng, yêu cầu tập thể giáo viên, Ban Giám hiệu phải công khai, minh bạch trong xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; tích cực tham mưu cho Phòng GD&ĐT TP.Tân An, Đảng ủy - UBND phường 1 đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, ổn định công tác tổ chức của trường.

Thế nhưng ngay trong năm học 2014-2015, giữa ông Giang và các thành viên Ban Giám hiệu, tập thể giáo viên trường Võ Thị Sáu đã xảy ra nhiều bất hòa dẫn đến việc mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tình hình nhà trường rối ren. Đỉnh điểm của sự việc này là chuyện ông Giang bị tập thể bất tín nhiệm, không bầu vào Chi ủy của Chi bộ nhà trường vào ngày 31.1.2015.

Ngay sau đó, ông Giang liên tục gửi tờ trình về Phòng GD&ĐT yêu cầu thay đổi 2 Phó hiệu trưởng đi nơi khác, nếu không phải chuyển ông Giang đến nơi công tác khác và trả một số giáo viên về Phòng GD&ĐT. Bởi ông cho rằng,ông không có được sự hợp tác trong công việc của những người này, từ đó dẫn đến việc ông bị tập thể bất tín nhiệm.

Tuy nhiên,theo Phòng GD&ĐT TP. Tân An, trong thời gian giữ chức hiệu trưởng trường tiểu học Võ Thị Sáu, ông Giang đã có nhiều sai phạm. Cụ thể, ngoài việc “bất hòa” với các giáo viên và 2 Phó hiệu trưởng, ông Giang còn không tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, không lắng nghe ý kiến của giáo viên, độc đoán trong công việc…

Từ việc mất tín nhiệm của tập thể giáo viên, ông Giang cũng không còn sự tín nhiệm của chính quyền địa phương, nên ngày 23.3.2015 Đảng ủy phường 1, TP.Tân An phải triệu tập cuộc họp bất thường của Ban Thường vụ Đảng ủy (có sự tham dự của lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP.Tân An) để xem xét trường hợp củaông Giang.

Quyết định phân công ông Giang về trường tiểu học Hướng Bình từ tháng 8.2015

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Công, Bí thư Đảng ủy, có ý kiến nên điều chuyển ông Giang đi nơi khác, vì uy tín của ông Giang đã giảm sút nhiều. Đến ngày 24.8.2015, UBND TP.Tân An ra quyết định điều động, bổ nhiệm ông Giang về giữ chức Hiệu trưởng trường tiểu học Hướng Bình và phân công người khác về giữ chức Hiệu trường trường Võ Thị Sáu. Tuy nhiên, từ ngày 25.8.2015 ông Giang không đến trường Tiểu học Hướng Bình nhận nhiệm sở!

Là “trường hợp đặc biệt”?

Tiếp xúc PV vào giữa tháng 6.2017, ông Giang xác nhận dù gần 2 năm bỏ nhiệm sở, không làm việc, nhưng ông vẫn được nhận lương đến tháng 2.2017. Chỉ từ tháng 3 đến nay ông chưa nhận lương. “Tôi không biết trường Võ Thị Sáu hay trường Hướng Bình trả lương cho tôi, vì lương được gửi vào tài khoản thẻ ATM”, ông Giang cho biết.

Theo ông, sở dĩ ông bị tập thể giáo viên, Ban Giám hiệu trường Võ Thị Sáu cô lập, bất hợp tác, bất tín nhiệm và bị UBND TP.Tân An điều động về trường Hướng Bình là do ông có công... phanh phui tiêu cực tại trường Võ Thị Sáu, nên bị trù dập.

“Thời gian làm Hiệu trưởng Trường Võ Thị Sáu, tôi phanh phui vụ sổ vàng của trường, buộc giáo viên cam kết không dạy thêm học thêm, chấn chỉnh bếp ăn kém chất lượng của trường, thu nợ nghỉ mát chi sai cho giáo viên… đụng chạm đến quyền lợi của nhiều người nên bị bất hợp tác.

Một lý do khác là thầy Trần Trung Trí, Phó hiệu trưởng, không ưa tôi, không hợp tác trong công việc vì cho rằng tôi chiếm mất ghế Hiệu trường của thầy Trí sau khi Hiệu trưởng trước tôi bị kỷ luật”, ông Giang kể.

Nhưng ông Trần Kim Lân, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Long An, Bí thư Thành ủy TP.Tân An, khẳng định việc ông Giang không chấp hành quyết định điều động, bổ nhiệm của UBND TP.Tân An, tự ý bỏ nhiệm sở gần 2 năm qua là vi phạm nghiêm trọng Luật Cán bộ - Công chức, vô tổ chức, kỷ luật. Mới đây, Thành ủy TP.Tân An và đích thân ông Lân đã mời ông Giang đến làm việc về vấn đề này.

Trong khi đó 1 cán bộ của UBND TP.Tân An cho biết, sở dĩ thành phố vẫn phải trả lương cho ông Giang trong thời gian ông không đến nhiệm sở làm việc là do bị sức ép từ “cấp trên”. Nhưng sắp tới UBND TP sẽ có biện pháp giải quyết dứt điểm, vì vụ việc đang gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Lý giải về việc không chấp hành quyết định điều động bổ nhiệm của UBND TP.Tân An, tự ý bỏ nhiệm sở gần 2 năm, ông Giang cho rằng bản thân ông không vi phạm Luật Cán bộ - Công chức, vì ông là “trường hợp đặc biệt”.

“Tôi thấy mình không có sai phạm gì, bởi khi làm Hiệu trưởng trường Võ Thị Sáu tôi đã nhiều lần gửi kiến nghị đến Phòng GD&ĐT, các cơ quan chức năng của TP.Tân An kêu cứu, yêu cầu phối hợp giải quyết những bất ổn của trường, nhưng không ai trả lời.

Sau đó lại điều tôi đi trường khác mà không làm công tác tư tưởng, không trao đổi gì hết, không chỉ ra được sai phạm nào nghiêm trọng, chỉ viện lý do là tôi không còn uy tín ở trường, không được bầu vào chi ủy nhà trường, không còn sự tín nhiệm của địa phương… Từ đó tôi thấy mình bị trù dập vì có công chống tiêu cực, nên không nhận quyết định, nhiệm sở”, ông Giang giải thích.

Tuy nhiên, theo 1 cán bộ ở Long An, việc ông Giang không nhận quyết định, tự ý bỏ nhiệm sở là sai hoàn toàn. Là cán bộ quản lý, lẽ ra ông Giang nên nhận quyết định, chấp hành sự phân công phân nhiệm của tổ chức, cấp trên. Sau đó ông Giang có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định của UBND TP.Tân An ra Tòa Hành chính để đòi quyền lợi hợp pháp.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tân An: Hiệu trưởng ngồi nhà gần 2 năm vẫn được trả lương