Các vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris vào tối ngày 13.11 đã đánh trúng tâm lý lo ngại của lực lượng an ninh Pháp về những lỗ hổng trong hệ thống bảo vệ hiện nay, đặc biệt là sau vụ tấn công đẫm máu nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi đầu năm.
Kể từ sau vụ tấn công nhằm tòa soạn báo châm biếm, chính phủ Pháp đã triển khai hàng nghìn binh sĩ nhằm bảo vệ những khu vực quan trọng và liên tục đưa ra các phương án do thám tại các thành phố nhằm giảm thiếu tối đa nguy cơ bị tấn công khủng bố.
Tuy nhiên, vụ xả súng và đánh bom ở các địa điểm tại thủ đô Paris trong tối thứ Sáu một lần nữa cho thấy những khó khăn hiện nay của giới chức an ninh Pháp.
Sắp tới, Pháp sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu. Đây chắc chắn là một thách thức an ninh với cường quốc này. Trong tuần qua, chính phủ Pháp đã quyết định sẽ khôi phục lại các điểm kiểm soát ở biên giới trong thời gian diễn ra hội nghị, một động thái lần đầu tiên được thực hiện sau nhiều năm. Dự kiến, hơn 100 nhà lãnh đạo từ các nước sẽ tham dự phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh năm nay.
Giới chức Pháp mới đây đã nâng mức cảnh báo an ninh vì những nguy cơ mà họ cho rằng các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria có thể thực hiện các vụ tấn công trả đũa ngay trong lòng châu Âu. Chưa kể, Pháp là một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống IS ở Syria thời gian qua.
Theo một báo cáo hồi tháng 9, khoảng 440 công dân Pháp đã sang Syria để gia nhập các nhóm Hồi giáo cực đoan ở đây. Điều này dẫn tới việc Pháp là một trong những quốc gia ở cựu lục địa có nhiều tay súng nước ngoài nhất ở Syria. Trong khi đó, các thông tin tình báo thu thập được hồi mùa Hè vừa qua cho biết IS đã có chiến dịch tuyển mộ người châu Âu ở Syria để huấn luyện và đưa trở cựu lục địa để tiến hành các vụ tấn công.
“Chúng tôi có được thông tin về nguy cơ tấn công khủng bố từ các nhóm Hồi giáo cực đoan nhằm vào Pháp. Đây là các thông tin xuất phát từ những khu vực mà IS đang kiểm soát”, Thủ tướng Pháp Manuel Valls phát biểu trước Quốc hội nước này hôm thứ Ba vừa rồi.
Mỗi tháng, có khoảng chục công dân Pháp tới Syria. Bất chấp các quy định mới nhằm ngăn chặn vấn đề này, chính phủ Pháp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc theo dõi các hoạt động của công dân khi ra nước ngoài.
Trong khi đó, đã hai lần kể từ vụ tấn công nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng 1, các nghị sỹ Pháp đã bỏ phiếu ủng hộ các cơ quan an ninh tăng cường những biện pháp bảo vệ, trong đó cho phép tổ chức các cuộc đột kích trong nước và nước ngoài để bắt giữ những nghi phạm khủng bố. Ngoài ra, Pháp cũng cho phép lục soát nhà và kiểm soát thông tin trên mạng internet của những đối tượng nghi vấn.
Trong thời điểm xảy ra vụ tấn công hồi đầu năm, Pháp đã triển khai hàng nghìn binh sĩ để bảo vệ những khu vực trọng yếu. Tuy nhiên, cá cuộc tấn công sau đó lại được tổ chức nhằm vào các mục tiêu dễ bị tấn công, như vụ tấn công vào một nhà máy hóa chất có hệ thống an ninh lỏng lẻo hay trên một đoàn tàu chở khách. Do đó, các biện pháp mà chính phủ Pháp đưa ra được giới chuyên gia đánh giá là chưa thể “vá” được lỗ hổng trong hệ thống an ninh hiện nay.
Trong vụ tấn công tàu chở khách từ Brussels tới Paris hồi tháng 8, Pháp đã gặp may mắn. Theo đó, kẻ tấn công được vũ trang đã nhanh chóng bị hạ gục hởi hai binh sĩ người Mỹ đang đi nghỉ tại châu Âu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong vụ việc này là giới chức Pháp có thông tin về việc tên Ayoub El-Khazzani đã trở lại châu Âu sau một thời gian ở Syria nhưng không có biện pháp theo dõi nào được triển khai nhằm vào tên này.
Ngọc Anh/ Dân Trí