Báo The Wall Street Journal (WSJ) ngày 2.7 dẫn lời các quan chức Mỹ và Ả rập Saudi cho biết tân Thái tử Ả rập Saudi đã hạn chế hoạt động của người tiền nhiệm để củng cố quyền lực.

Tân thái tử Ả rập Saudi kiểm soát thông tin để củng cố quyền lực

03/07/2017, 16:36

Báo The Wall Street Journal (WSJ) ngày 2.7 dẫn lời các quan chức Mỹ và Ả rập Saudi cho biết tân Thái tử Ả rập Saudi đã hạn chế hoạt động của người tiền nhiệm để củng cố quyền lực.

Trẻ con Ả rập Saudi chơi đùa trước biển giới thiệu Vua Salman cạnh con trai Mohammed bin Salman (phải) và cựu thái tử Mohammed bin Nayef - Ảnh: AP

Các quan chức này nói sau khi được cha ruột chọn làm thái tử chờ kế ngôi vua, tân Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) liền hạn chế mọi hoạt động của cựu thái tử Mohammed bin Nayef, người anh bà con 57 tuổi và là cháu trai của Vua Salman.

Lo ngại hé lộ bí mật quốc gia

Thái tử MBS cũng thay vệ sĩ của cựu thái tử Mohammed bin Nayef bằng lực lượng trung thành với triều đình, nhằm bảo đảm ông này không thể tiến hành các bước tập hợp sự ủng hộ.

Một quan chức nói: “Họ muốn bảo đảm không thể có bất kỳ âm mưu nào”.

Ngày 29.6, một quan chức hoàng gia phát thông điệp bác bỏ tin cựu thái tử đang bị giam lỏng, không được phép ra nước ngoài sau khi bị phế ngôi.

Trong một thông điệp ám chỉ cựu thái tử Mohammed bin Nayef, một đại diện hoàng gia viết: “Không hề có sự hạn chế nào đối với hoạt động của ông ấy ở trong và ngoài Ả rập Saudi”, và Mohammed bin Nayef vẫn tiếp khách từ khi thay đổi vai trò lãnh đạo.

Trước đó báo New York Times (Mỹ) đưa tin vị cựu thái tử cùng con cái không được phép ra nước ngoài, không được rời khỏi lâu đài của ông ở thành phố Jeddah bên bờ Biển Đỏ.

Động thái này được cho là nhằm tránh để ông xuất hiện trước công chúng, từ đó châm ngòi làn sóng phản đối vụ phế ngôi thái tử của ông.

Một quan chức Ả rập Saudi giấu tên, nói với báo WSJ: việc cựu thái tử bị quản thúc tại gia là để “xem xét thái độ”, nếu ông vô hại thì sẽ sớm thay đổi.

Nhưng quan chức này cho rằng hoàng gia sợ ông lên máy bay đi Washington với nỗi chán chường và ở đó, “ông ấy tiết lộ tất cả những bí mật quốc gia. Vào lúc này để một nhân vật lớn bất mãn lên tiếng thì rất nguy hiểm”.

Mối quan hệ của Mohamed bin Nayef với các đồng minh của Ả rập Saudi cũng nhiều hơn so với người kế nhiệm, nên đó cũng có thể là một yếu tố quyết định cô lập ông trong thời gian chuyển giao quyền lực.

Chuyển giao quyền lực mượt mà

Ngày 21.6, Vua cha Bin Salman, 81 tuổi, “đôn” con ruột Mohammed bin Salman lên làm Thái tử, đồng thời truất phế chức Thái tử của Mohammed bin Nayef, người có quan hệ thân thiết với giới tình báo Mỹ, và được các quan chức Mỹ xem là một thế lực ổn định tại vùng Vịnh.

Vị cựu thái tử 57 tuổi cũng bị tước mọi chức vụ như Bộ trưởng Nội vụ. Ông từng được phong làm thái tử hồi tháng 4.2015, trong khi Mohammed bin Salman, 31 tuổi, từ lâu được coi là ‘nhiếp chính vương” của vua cha bị đồn thổi là đã không tỉnh táo.

Hoàng gia đã thể hiện một hình ảnh chuyển giao quyền lực mượt mà, video của chính phủ chiếu hình ảnh Mohammed bin Salman khịu chân và hôn tay người anh bà con sau khi được “đôn” từ phó lên Thái tử.

Và hình ảnh người bị phế ngôi thái tử thề trung thành với tân thái tử khi chính thức nhường ngôi.

Hội đồng tận trung phụ trách xử lý vấn đề kế vị đã bỏ 31/34 phiếu thuận, đồng ý với quyết định đổi ngôi thái tử của Vua Salman, người kêu gọi tất cả thần dân trung thành với con trai ông.

Mohammed bin Salman cũng được bổ nhiệm làm phó thủ tướng, vẫn làm Bộ trưởng Quốc phòng và phụ trách các vấn đề năng lượng, giữ chức chủ tịch Hội đồng các vấn đề kinh tế và phát triển (CEDA) vốn là một nhóm Bộ trưởng hàng tuần họp và giám sát mọi vấn đề kinh tế hoặc xã hội như giáo dục, y tế, nhà ở.

Nhân vật cứng rắn

Theo Reuters, tân Thái tử đang là ngôi sao sáng trên chính trường Ả rập Saudi. Mohammed bin Salman chủ trương cải cách kinh tế để Ả rập Saudi không quá lệ thuộc vào dầu thô, đồng thời có đường lối cứng rắn trong các vấn đề của khu vực, nhất là cứng rắn với đối thủ Iran.

Theo WSJ, chính Thái tử Mohammed bin Salman là người khởi xướng vụ phong tỏa Qatar, với lý do Qatar thân thiện với Iran và bao che, tài trợ các tổ chức khủng bố.

Trong khi đó, cựu thái tử Mohammed bin Nayef cổ động một giải pháp ôn hòa thông qua các kênh ngoại giao. Sự bất đồng quan điểm này góp phần vào việc phế ngôi thái tử của Mohamed bin Nayef.

Việc Thái tử Mohammed bin Salman ủng hộ một chính sách đối ngoại hung hăng khiến có sự lo ngại, nơi những quan chức Mỹ từ lâu trông mong Ả rập Saudi là một nguồn ổn định ở Trung Đông.

Cựu thái tử Mohammed bin Nayef là một đầu mối tiếp xúc đáng tin cậy cho các quan chức Mỹ này. Một cựu quan chức ngoại giao nói ở Ả rập Saudi và Mỹ, “mọi quyết định an ninh” đều tùy thuộc vị thái tử bị phế ngôi.

Steven Simon, từng là giám đốc cấp cao phụ trách vấn đề an ninh Trung Đông ở Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng (thời hai Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama) nói: Mohammed bin Nayef và các quan chức Mỹ thường “nhìn vào mắt nhau” về mọi chuyện.

Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump xem ra ưng Mohammed bin Salman hơn, qua việc ông gặp Mohammed bin Salman ở Ả rập Saudi hồi tháng 5 và ở Mỹ hồi tháng 3, tức ngay từ trước khi Mohammed bin Salman được “đôn” lên làm Thái tử.

Nhà Trắng từ chối bình luận về việc này.

Hạn chế chỉ trích

Theo WSJ, chính Mohammed bin Salman còn đàn áp người chống đối, các nhà hoạt động và giới chức tôn giáo thường chỉ trích hoàng gia.

Từ cuộc nổi dậy Mùa Xuân Ả rập năm 2011, Ả rập Saudi đã tăng cường nỗ lực kéo giảm người chống đối bằng những luật cứng rắn, kết án tù những người lên mạng sỉ nhục lãnh đạo hoặc đe dọa trật tự trị an.

Vụ đàn áp này tiếp sau cuộc thay đổi nhân sự lãnh đạo, cùng việc Ả rập Saudi dẫn đầu vụ phong tỏa kinh tế Qatar láng giềng.

Nó khiến các quan chức Mỹ và những nhà quan sát lo ngại có lẽ còn những thay đổi chính trị, nhất là khi vị vua tuổi cao sức yếu đã củng cố quyền lực cho con trai Mohammed bin Salman.

Trong vài tuần trước khi xảy ra vụ phế ngôi thái tử của ông Mohamed bin Nayef, những phàn nàn về vụ căng thẳng với Qatar đã khiến các quan chức Ả rập Saudi từ tháng 6 tăng cường nỗ lực kiểm soát ý kiến chỉ trích.

Các quan chức làm việc cho MBSMohammed bin Salman dùng công nghệ của Hacking Team, một công ty chuyên cung cấp phương tiện giám sát cho các chính phủ, theo nguồn thạo tin. Hacking Team (Ý) từ chối bình luận.

Một số người đã phải rời khỏi mạng xã hội. Ngày 14.6, Giáo sĩ Bader al-Amer cho fan đọc Twitter của ông cho biết ông sẽ ngưng vĩnh viễn hoạt động này, sau khi ông viết rằng nhiều nhà trí thức và giáo sĩ tin vào tuyên bố của Qatar là họ không dung túng hoặc tài trợ cho bọn khủng bố.

Trung Trực (theo The Wall Street Journal)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tân thái tử Ả rập Saudi kiểm soát thông tin để củng cố quyền lực