Sáng nay (7.4), với 90,28% tổng số đại biểu có mặt bỏ phiếu tán thành, ông Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức đảm đương cương vị Thủ tướng. Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đứng trước Quốc hội và quốc dân đồng bào nói lời tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam. Một vinh dự và cũng là một trọng trách vô cùng lớn và nặng nề đối với ông. Đây cũng là thời điểm đất nước tuy đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức cam go. Cam go không chỉ với riêng ông mà đối với cả một tập thể lãnh đạo mới vừa được Đại hội Đảng XII tín nhiệm bầu ra.
Nói đến "chiếc ghế nóng" Thủ tướng, điều đầu tiên đương nhiên là vấn đề kinh tế đất nước. Đây là lĩnh vực do Chính phủ, cơ quan điều hành cao nhất chịu trách nhiệm. Còn các lĩnh vực khác, thường lại thuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng chung tay.
Vào thời điểm hiện nay, chúng ta cũng đã vượt qua vô vàn khó khăn với nhiều thành công đáng ghi nhận so với thời kỳ chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XI (2011) đề ra: Những khó khăn khi đó đã liên tục diễn ra, nào là lạm phát phi mã, đồng tiền mất giá nghiêm trọng với chỉ số lạm phát tới 18,6% vào năm 2011. Hàng loạt các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước bị chao đảo vì đầu tư dàn trải và quản lý lỏng lẻo nên đã mắc phải những sai lầm chết người như Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)... để rồi phải tái cấu trúc lại hàng loạt các doanh nghiệp nói trên.
Những tưởng sau vài năm, những Vinashin, Vinalines... sẽ hồi phục và tiến tới có lãi vào năm 2013 như một vị lãnh đạo Chính phủ khi đó cam kết trước diễn đàn Quốc hội. Song cho đến nay, dự báo này của vị lãnh đạo trong Chính phủ khi đó cũng chưa chạm bờ an toàn như mong muốn, nói gì có lãi. Khó khăn chưa ngớt thì lại xuất hiện hàng loạt dự án đầu tư hàng ngàn tỉ nhưng kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài dù đã từng được những đặc ân về chính sách thuế này khác. Đến nay xem ra vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm. Đồng thời, lại tiếp tục bộc lộ những điểm yếu, sai lầm trong đầu tư như Khu Công nghiệp lọc hoá dầu Dung Quất, Khu liên hợp khai thác khoáng sản bô xít Tân Rai - Nhân cơ... buộc Chính phủ phải tìm giải pháp tháo gỡ, tuy cũng chưa phải là đã là tối ưu.
Bên cạnh đó, những mặt Chính phủ đã làm được như hạn chế tốc độ lạm phát, giữ đồng nội tệ và ngoai tệ ổn định có thể xem như một thành công lớn. Tất nhiên, do không phải là nhà kinh tế, tôi chưa dám phân tích bên trong cơ sự của những ngân hàng ra đời quá nhiều liệu còn có gì bất ổn hay không. Song nó đã buộc Chính phủ phải sáp nhập, mua lại để giữ ổn định tình hình chung.
Hạ tầng giao thông huyết mạch của cả nước về cơ bản đã có một bước tiến nhanh, tích cực giúp cho giao thương thuận lợi hơn trước rất nhiều và đáng ghi nhận. Nhưng bên cạnh những ưu điểm nổi bật trên thì cũng đã xuất hiện những mối lo về tỉ lệ nợ công cao và đầu tư công lãng phí, chưa phù hợp.
Trên báo Vietnamnet gần đây (22.3) có một bài viết đưa ra một bức tranh kinh tế không thể vui. Theo đó, trong báo cáo gửi tới các ĐBQH tại Kỳ họp QH khóa XIII về tình hình kinh tế năm 2015, Chính phủ đã thừa nhận tổng thu ngân sách nhà nước không đủ bảo đảm nguồn chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn vay nợ. Tổng chi ngân sách nhà nước lên tới hơn 1,2 triệu tỉ đồng đã khiến bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 lên tới 256 nghìn tỉ đồng, tương đương 6,1% GDP, cao hơn mức đã báo cáo QH.
Cũng trên tờ báo này, tác giả Kỳ Duyên có nêu những phân tích rất đáng lưu ý: "Món nợ này chúng ta đã phải chạy đôn đáo khắp nơi (để vay), và tổng số tiền vay mượn trong quý I đã lên tới 116 nghìn tỉ đồng, mục đích chỉ để “trang trải nợ nần”. Mặc dù, tính đến ngày 31.12.2015, nợ công của VN vẫn dưới mức cho phép 65% GDP, nhưng xưa nay, cách tính nợ công của VN và cách tính theo tiêu chí quốc tế rất khác nhau. Dù vậy, rất đáng suy nghĩ khi các tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chỉ ra căn nguyên: Đó là phần lớn do thâm hụt ngân sách lớn (mất cân đối thu - chi ngân sách); nợ của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, nợ do sử dụng một số khoản ODA không hiệu quả…".
Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), hiện nay nợ Chính phủ đã đến ngưỡng nguy hiểm, đặc biệt là vay nợ nước ngoài đã vượt ngưỡng khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế, trong khi điều kiện, khả năng trả nợ của Việt Nam vô cùng mỏng manh (Đất Việt, ngày 24.3).
Tình trạng "cát cứ" của 63 tỉnh thành trong đầu tư và phân bổ ngân sách cũng đang là vấn đề rất đáng lo khi còn hiện tượng rất mơ hồ giữa các khái niệm ngân sách nhà nước với ngân sách địa phương. Chính vì vậy, nhiều địa phương đã chi tiêu thiếu căn cơ, mạnh ai nấy xin, xin được nhiều thì chi nhiều. Họ rất ít lo đến cái chung của cả quốc gia. Ai là người trả nợ thay địa phương họ? Điều này họ ít quan tâm, nhất là việc sử dụng vốn vay ODA lâu nay đang có chiều hướng không lành mạnh ở địa phương.
Tôi nghĩ, đó mới là điều chúng ta cần lưu tâm trong những năm tới. Chính phủ nhiệm kỳ sắp tới được kiện toàn ngay trong kỳ họp khoá XIII này sẽ là những người nhận trọng trách nặng nề trước những áp lực về hiện trạng kinh tế hôm nay là như thế.
Để khắc phục bội chi, giảm nợ công, chắc chắn Chính phủ khoá mới sẽ phải triệt để tiết kiệm trong chi tiêu, mua sắm, đầu tư và phải rất thực tế, tránh dàn trải, kém hiệu quả. Các công trình hạ tầng như sân bay, bến cảng kiểu như ý tưởng cách nhau gần 200km đã có một sân bay thì sẽ rất lãng phí. Các nhà máy kém hiệu quả kinh tế cũng cần siết chặt, tính toán kỹ, không thể có kiểu sinh ra rồi lại ban phát cho cơ chế hoạt động đặc thù này khác. Đã hoạt động kinh tế thì cần phải bình đẳng. Ngay cả việc đầu tư xây dựng các công trình văn hoá, thể thao, tượng đài, các đại hội, lễ hội tốn kém tiền bạc như lâu nay báo chí phản ánh cũng cần tiết giảm một cách kiên quyết. Một đất nước mà có đến 8.000 lễ hội mỗi năm, nhà nước cũng còn phải chi tiền cho khá nhiều lễ hội trong đó là điều rất không cần thiết... Đây cũng chính là những lỗ hổng cho tệ nạn tham nhũng, lãng phí hoành hành.
Một cuộc thăm dò dư luận độc giả gần đây của VnExpress cho thấy, gần 3/4 trong số 9.500 người tham gia trả lời mong mỏi lãnh đạo đất nước sẽ hành động để chống tham nhũng, trong khi 18% muốn cải thiện chế độ an sinh và 13% ý kiến quan tâm đến kinh tế trăng trưởng. Có lẽ tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nên quan tâm tới những cuộc thăm dò tương tự để hiểu rõ người dân họ đang muốn gì, chờ đợi gì ở nhiệm kỳ Chính phủ mới.
Vị thế chính trị của Việt Nam hôm nay đã rất khác. Chúng ta quan hệ với bè bạn quốc tế trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, có thế mới được thế giới nể trọng. Thời gian gần đây, vấn đề hoà bình, bảo vệ chủ quyền biển đảo và giữ gìn an ninh trên Biển Đông luôn là câu chuyện "nóng". Người dân luôn tỏ ra lo lắng trước lối ứng xử kiểu nước lớn từ phía người hàng xóm Trung Quốc. Khi nào ta có vẻ lúng túng, chưa quyết liệt trong đấu tranh về pháp lý thì họ càng lấn tới. Chúng ta là dân tộc luôn khát khao hoà bình. Người đứng đầu đất nước nếu thể hiện theo tinh thần đó, tránh gây căng thẳng, đối đầu quân sự nhưng vẫn tỏ rõ bản lĩnh, đặc biệt quan tâm đến đấu tranh ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế thì khi đó Đảng, Chính phủ sẽ rất được lòng dân. Người dân có thể vì cách ứng xử bản lĩnh đó mà nguôi đi những nỗi bức xúc bởi những tiêu cực, khó khăn gặp phải trong đời sống... Tất nhiên là phải thực lòng. Dân bao dung chính là ở chỗ đó!
Bộ máy công quyền của chúng ta hiện quá cồng kềnh mà hiệu quả hoạt động thấp. Để tiết giảm chi ngân sách cho bộ máy, nên chăng tính toán, thể nghiệm mô hình bộ máy Đảng, Chính quyền theo hướng nhất thể hoá. Đây phải là vấn đề rất cần được Đảng quan tâm và ủng hộ Chính phủ. Nếu không sẽ có lúc Nhà nước chúng ta không thể chịu nổi vì nguồn thu eo hẹp, khó khăn trong chi trả lương cho lực lượng công chức, viên chức và xét ở góc độ nào đó thì đây cũng là cải cách hệ thống chính trị. Nói như Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh tại Đại hội Đảng toàn quốc mới đây thì 30 năm qua, việc đổi mới thể chế kinh tế thì thành tựu đã khá rõ, nhưng đổi mới thể chế chính trị thì hầu như ta chưa làm được mấy... Để tạo thuận lợi cho Chính phủ nhiệm kỳ tới đây điều hành được hiệu quả, việc đổi mới một bước hệ thống chính trị đúng là việc Đảng cần làm sớm.
Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trưởng thành từ địa phương mà đi lên. Xông xáo, mạnh mẽ và nhiệt huyết trong công việc là những gì ông luôn có trong mình. Ông có may mắn là được nắm giữ những vị trí công tác ở một địa phương có nhiều khởi sắc nhất trong cả nước, đó là Quảng Nam - Đà Nẵng rồi về Trung ương đảm đương trọng trách một thời gian ngắn làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Sau đó là Phó Chủ nhiệm rồi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ 5 năm, trước khi làm Phó thủ tướng cũng 5 năm. Chặng đường dài 10 năm ông ở Chính phủ với các công việc khác nhau, tôi nghĩ như vậy là cũng đủ để khi ông đảm trách cương vị Thủ tướng Chính phủ mà không hề bị bỡ ngỡ.
Những gì là thành tích cũng như những hạn chế tồn tại của bộ máy Chính phủ 5 - 10 năm qua, tôi nghĩ ông Nguyễn Xuân Phúc vừa là người góp sức để đi tới thành công cũng như có phần trách nhiệm của lớp lãnh đạo như ông chưa giải quyết tốt các khó khăn. Nay là lúc ông hiểu rõ nguyên nhân vì sao chưa thành công để làm tiếp công việc dang dở đó với vai trò là người trực tiếp đứng mũi chịu sào, chèo lái sao cho đi đến thành công dù sẽ gặp muôn vàn khó khăn.
Liệu có thể kỳ vọng vào một thế hệ lãnh đạo mới trong Chính phủ nhiệm kỳ tới, luôn lấy dân làm gốc và phụng sự toàn tâm, toàn ý và sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp...
Quốc Phong