Câu chuyện nhận được nhiều sự chú ý của đông đảo dư luận trên cả nước những ngày gần đây là việc chính quyền TP.HCM đề xuất được cấp cơ chế mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước.

Ý nghĩa thực sự của đề xuất cấp cơ chế mới cho TP.HCM?

06/04/2016, 14:45

Câu chuyện nhận được nhiều sự chú ý của đông đảo dư luận trên cả nước những ngày gần đây là việc chính quyền TP.HCM đề xuất được cấp cơ chế mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước.

Mục đích của đề xuất này là nhằm tạo ra bước đột phá giúp nền kinh tế cất cánh giống như những gì mà Thượng Hải hay Thâm Quyến đã tạo ra cho nền kinh tế Trung Quốc. Cho đến giờ, hầu hết các cuộc trao đổi vẫn dừng lại ở góc độ câu chuyện một thành phố đề xuất cơ chế mới để tăng tốc phát triển. Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của câu chuyện này lại đang lớn hơn thế rất nhiều. Để hiểu được ý nghĩa thực sự đó, trước hết cần phải đặt vấn đề vào câu chuyện nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước bài toán đổi mới và cải cách toàn diện mạnh mẽ ở thời điểm hiện tại.

Để có được những nhận thức đúng đắn đầu tiên về ý nghĩa thực sự của đề xuất này, chúng ta cần hiểu được vai trò và ý nghĩa của các khu thương mại tự do (FTZ) như Thượng Hải hay các đặc khu kinh tế (SEZ) như Thẩm Quyến đối với toàn bộ nền kinh tế của cả quốc gia như Trung Quốc. Đứng trên góc độ một thành phố đơn lẻ, thì việc thiết lập cơ chế FTZ hay SEZ chỉ đồng nghĩa với việc cấp cho thành phố đó những cơ chế đặc biệt, thông thoáng hơn để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế mạnh mẽ và năng động hơn. Nhưng đứng trên khía cạnh nền kinh tế quốc gia, thì ý nghĩa của các khu thương mại tự do và các đặc khu kinh tế này quan trọng hơn thế rất nhiều. Nó đóng vai trò những điểm nút và từ đó thiết lập mạng lưới phát triển hiệu quả trong nền kinh tế quốc gia. Chứ các FTZ hay SEZ này không mang ý nghĩa như nhiều người vẫn hiểu lầm, đó là, nếu mô hình này thành công thì nó sẽ được nhân rộng ra khắp các thành phố và vùng miền khác trên toàn quốc. Trên thực tế các quốc gia chỉ chọn một vài thành phố phù hợp để cấp quy chế đặc biệt này mà thôi. Chẳng hạn như Thâm Quyến hay Thượng Hải ở Trung Quốc, Seoul và Busan ở Hàn Quốc.

Ý nghĩa thực sự của các khu thương mại tự do và các đặc khu kinh tế đối với nền kinh tế quốc gia, trước hết nó sẽ đóng vai trò là đầu tàu để đưa nền kinh tế quốc gia cất cánh. Nhờ các điều kiện thuận lợi và đặc biệt là cơ chế phát triển phù hợp, các FTZ hay SEZ này sẽ đóng vai trò các thành phố có nền kinh tế phát triển năng động và mạnh mẽ, từ đó lan tỏa sự phát triển ra các khu vực khác theo lối vệt dầu loang, qua đó đưa nền kinh tế phát triển. Đây là điều đã xảy ra tại các trường hợp FTZ và SEZ được thiết lập trước đó, theo thống kê, các đặc khu kinh tế đóng góp 22% GDP của Trung Quốc, 45% tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 60% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo ra 30 triệu việc làm.

Nói cách khác, bằng cách giải phóng hết tiềm năng phát triển kinh tế của thành phố thông qua cơ chế mới, TP.HCM có thể tăng tốc phát triển kinh tế nhanh nhất có thể, qua đó trực tiếp kéo sự phát triển của các khu vực lân cận và cả nền kinh tế quốc gia. Nói một cách dễ hiểu, Việt Nam sẽ nỗ lực tối ưu hóa hiệu quả trên khía cạnh đầu tư quốc gia, trong đó sẽ tạo điều kiện phát triển thuận lợi nhất có thể cho các thành phố phát triển kinh tế, mà điển hình là TP.HCM, thay vì lối phát triển không hiệu quả theo kiểu “cào bằng” như trước.

Một trong những lý do chính khiến TP.HCM chưa thể giải phóng hết tiềm năng phát triển kinh tế của mình những năm vừa qua, ngoài việc chưa có một cơ chế phù hợp thì bản thân thành phố cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách phát triển “cào bằng” của Việt Nam. Cụ thể, hai thập kỷ qua mức chi ngân sách của TP.HCM chỉ là khoảng 7% GDP trong khi thành phố tạo ra gần 20% GDP và hơn 30% ngân sách quốc gia. Trong khi đó hầu hết các thành phố có vai trò trung tâm khác như Thượng Hải hay Hồng Kông cao hơn mức đó trung bình khoảng 3 lần, với Thượng Hải thì mức chi ngân sách thường xuyên đạt trên 21% GDP, còn Singapore thì cũng lên tới trên 15%. Đó là chưa kể mức chi ngân sách quốc gia bình quân của Việt Nam những năm qua lên đến 29%, gấp 2 lần Singapore và hơn 1,5 lần so với Trung Quốc.

Nói cách khác, ở Trung Quốc các đặc khu kinh tế đóng vai trò đòn bẩy cho nền kinh tế quốc gia được chi ngân sách nhiều hơn đủ để có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất có thể; còn tại Việt Nam, các thành phố làm ăn hiệu quả nhất và nộp ngân sách nhiều nhất lại có mức chi ngân sách thấp nhất như một cách bù đắp cho các khu vực khác kém hiệu quả hơn. Chính sách này là một trong những nguyên nhân chủ yếu tạo ra mô hình tăng trưởng kém hiệu quả, trong đó nguồn vốn đầu tư bị phân bổ thiên lệch và sai chỗ, tạo ra lãng phí. Điều này có nghĩa là bằng việc chấp nhận trao cho TP.HCM cơ chế mới (nếu xảy ra) cũng sẽ đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ chính thức chấm dứt mô hình tăng trưởng kiểu “cào bằng” kém hiệu quả trước đây, và chấp nhận nguyên tắc phân bổ nguồn lực vào những nơi hiệu quả nhất thông qua chấp nhận vai trò của các thành phố năng động đóng vai trò đầu tàu của nền kinh tế. Nói cách khác, nó còn nhiều hơn ý nghĩa là tạo ra một cơ chế kinh tế mới cho một thành phố đơn thuần, mà còn là cam kết thay đổi mô hình tăng trưởng ở cấp quốc gia.

Ý nghĩa quan trọng thứ hai của đề xuất trao cơ chế mới cho TP.HCM là ở chỗ, TP.HCM có thể trở thành nơi thí điểm cho các cải cách toàn diện về quản lý hành chính cũng như chiến lược phát triển kinh tế. Nếu thành công sẽ được áp dụng rộng rãi trên khắp các tỉnh, thành trên toàn quốc. Đây cũng là mục đích mà chính phủ Trung Quốc đã chấp nhận trao quy chế khá tự do và linh hoạt cho các đặc khu kinh tế như Thượng Hải hay Thâm Quyến khi mới mở cửa nền kinh tế nước này.

Một khi cơ chế quản lý mới này áp dụng thành công và tạo được hiệu quả cao tại các thành phố thí điểm, nó sẽ được áp dụng rộng rãi trên khắp cả nước. Hiện tại một trong những điểm yếu lớn nhất đồng thời cũng là rào cản lớn ngăn Việt Nam cải cách toàn diện nền kinh tế là sự chồng chéo và thiếu hiệu quả của bộ máy quản lý hành chính. Việt Nam muốn cải cách nhưng vẫn chưa tìm được mô hình phù hợp, vì thế thí điểm mô hình quản lý hành chính mới ở TP.HCM sẽ là một lựa chọn phù hợp trước khi nhân rộng ra khắp cả nước.

Vì thế, việc TP.HCM xin cấp quy chế mới để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế thành phố nhanh nhất có thể, không dừng lại ở ý nghĩa tạo sự phát triển cho một thành phố đơn lẻ. Nó đang mang ý nghĩa bước đi đầu tiên trong quá trình cải cách, đổi mới toàn diện và sâu rộng nền kinh tế và bộ máy quản lý ở tầm quốc gia của Việt Nam. Bằng cách chấp nhận trao quy chế mới cho TP.HCM (nếu thực sự xảy ra) cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ quyết định chuyển sang một mô hình tăng trưởng kinh tế mới hiệu quả hơn ở tầm vóc quốc gia, đồng thời cũng là một cam kết sẽ cải cách toàn diện bộ máy quản lý và điều hành trên khắp cả nước – nền tảng quan trọng nhất cho một cuộc cải cách toàn diện cả về kinh tế lẫn điều hành có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Đây mới là ý nghĩa thực sự đang ẩn chứa trong đề xuất cấp quy chế mới cho TP.HCM. Một khi nhận ra được ý nghĩa thực sự này, thì câu hỏi liệu Việt Nam có nên chấp nhận trao quy chế mới cho TP.HCM hay không cũng sẽ tự dẫn đến câu trả lời. Dĩ nhiên là nên, rất nên nữa là đằng khác.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Cafebiz)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ý nghĩa thực sự của đề xuất cấp cơ chế mới cho TP.HCM?