Một doanh nghiệp vừa ra mắt nhóm nhân viên giám sát bảo vệ kiêm bắt cướp được trang bị dụng cụ phòng thân. Đây là sự nối dài các nhóm“hiệp sĩ” đường phố vốn gây nhiều tranh cãi

“Hiệp sĩ” và sự chính danh

03/04/2016, 06:49

Một doanh nghiệp vừa ra mắt nhóm nhân viên giám sát bảo vệ kiêm bắt cướp được trang bị dụng cụ phòng thân. Đây là sự nối dài các nhóm“hiệp sĩ” đường phố vốn gây nhiều tranh cãi

Khoảng hơn 10 năm trước, Đài Truyền hình Việt Nam chiếu bộ phim Mỹ tên “Dark Angel” (Thiên thần bóng tối). Bối cảnh trong phim là xã hội Mỹ năm 2019 khủng bố khắp nơi, tội phạm hoành hành và chính phủ che giấu sự thật để cố duy trì quyền lực. Một vài người muốn chống lại bất công đã tập hợp thành một nhóm chống lại bọn khủng bố, các tổ chức tội phạm và cả nhân viên nhà nước bị tha hóa. Họ là những “hiệp sĩ” trên màn ảnh Mỹ.

Quan niệm về “hiệp sĩ”

Một số hãng phim truyền hình Mỹ, Anh cũng từng nhiều lần tái hiện hình ảnh Robin Hood - một “hiệp sĩ” trong truyện cổ của châu Âu chuyên chống lại bất công, áp bức, giúp đỡ những người yếu thế.

Sử gia Tư Mã Thiên trong cuốn “Sử Ký” đã dành riêng một thiên trong phần “liệt truyện” - “Du hiệp liệt truyện” - cho những con người có tinh thần hào hiệp này.

“Tuy nết không hợp với chính nghĩa nhưng lời họ nói ra thì chắc chắn, việc họ làm thì quả quyết, đã hứa thì nhất định phải làm, không tiếc tính mạng để cứu người ra khỏi nơi nguy khốn. Sau khi đã xông pha vào nơi nguy hiểm để cứu người, họ lại không khoe tài, lấy việc kể ơn làm thẹn, như vậy, xem ra cũng có nhiều điều đáng khen” - sử gia này viết. Ngược lại với quan điểm này, Hàn Phi trong cuốn Hàn Phi Tử lại quan niệm rằng: “Bọn du hiệp lấy võ lực phạm vào việc ngăn cấm”.

Tại Việt Nam cũng đã xuất hiện không ít cá nhân có tinh thần “hiệp sĩ”. Họ là những người dùng sức lực và khả năng của mình để bắt cướp, chống tội phạm. Sự tồn tại của “hiệp sĩ” được truyền thông công nhận và ở mức độ nào đó còn ca ngợi, cổ xúy.

Nên ứng xử ra sao?

Thế nhưng, sự tồn tại của “hiệp sĩ” đang khiến nhiều cơ quan chức năng bối rối bởi những người dân thường đã làm việc mà đáng lẽ do các lực lượng đại diện của thể chế nhà nước pháp quyền thực hiện. Họ cũng hoạt động song song với các lực lượng, các thiết chế của nhà nước.

Nhiệm vụ phòng chống trộm cắp là vấn đề của toàn dân. Tức là mọi người dân đều có nghĩa vụ giữ gìn sự ổn định của xã hội do pháp luật quy định. Nói như vậy không có nghĩa là toàn dân ai cũng có thể đi bắt cướp, công dân nào dũng cảm cũng có thể trở thành “hiệp sĩ”. Nghĩa vụ của người dân là hỗ trợ lực lượng chức năng phản ánh, tố giác, làm nhân chứng trước tòa, vạch mặt kẻ có tội để công lý được thực thi. Nhiệm vụ còn lại thuộc về công an, cảnh sát, các cơ quan chuyên trách… vì họ được trang bị đầy đủ chứng thực pháp lý, công cụ để bảo vệ pháp luật.

Thực tế, số đông người dân ủng hộ mô hình “hiệp sĩ” nên muốn nó tiếp tục tồn tại. Ở một góc độ khác, phần nào điều này thể hiện người dân còn thiếu lòng tin đối với sự công tâm của các cơ quan, lực lượng chấp pháp trong một số trường hợp.

Trong thể chế pháp trị, tinh thần “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” tuyệt đối không thể là khẩu hiệu suông. Công cụ hoạt động không hiệu quả có thể thay đổi, khiếm khuyết có thể hoàn thiện, bộ máy thực thi quyền lực nhà nước chưa hiệu quả thì phải cải tổ... Cái chính yếu không phải là khẩu hiệu cũng không chỉ là quyết tâm mà phải bằng hành động, minh chứng cụ thể để cho người dân tin rằng luật pháp đặt ra là làm khuôn mẫu cho xã hội. Còn nếu cứ tiếp tục thực trạng “tham nhũng vẫn ổn định”, “tỉ lệ tội phạm tăng mạnh” thì niềm tin của người dân sẽ mai một và xã hội vẫn còn đó khoảng trống cần những “hiệp sĩ” lấp đầy.

Chỉ được bắt quả tang và truy nã!

Theo đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, mô hình câu lạc bộ (CLB) Phòng chống tội phạm là nòng cốt của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại tỉnh này. Sau khi đất nước giải phóng, ở TP Thủ Dầu Một đã có những thanh niên hăng hái trợ giúp lực lượng công an bắt tội phạm. Đến năm 1997, các “hiệp sĩ” bắt đầu sinh hoạt trong “Đội Dân quân tự vệ giữ gìn trật tự công cộng và vây bắt đối tượng trộm, cướp, cướp giật” do Công an Thủ Dầu Một phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự thành lập. Địa vị pháp lý của “hiệp sĩ” sau đó được củng cố hơn thông qua 2 quyết định và quy chế hoạt động do chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ký ban hành vào năm 2006 và 2013. Các quyết định và quy chế này do đại tá Thao chấp bút, Sở Tư pháp Bình Dương thẩm định.

Theo quy chế được ban hành năm 2013, CLB Phòng chống tội phạm là tổ chức xã hội của quần chúng tại xã, phường, thị trấn; chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của UBND cấp xã. Chủ nhiệm CLB là chủ tịch UBND cấp xã, phó chủ nhiệm thường trực là trưởng công an cấp xã. CLB này có chức năng tuyên truyền pháp luật, phát hiện và thông báo cho cơ quan công an các thông tin về tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật; tham gia bắt người có hành vi phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.

Những “hiệp sĩ” hoạt động tốt được xem xét hưởng trợ cấp như bảo vệ dân phố. Đến nay, 91/91 xã, phường ở Bình Dương đều đã có đội phòng chống tội phạm. Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết 80% CLB hoạt động hiệu quả. Riêng trong năm 2015, các “hiệp sĩ” đã bắt giữ 201 vụ liên quan đến an ninh trật tự, bắt quả tang 284 đối tượng trộm cắp, cướp giật… Tuy nhiên, Công an tỉnh Bình Dương nhận định có một vài cá nhân lợi dụng danh nghĩa là thành viên CLB Phòng chống tội phạm để hoạt động với mục đích không trong sáng, vụ lợi nên bị xử lý kỷ luật.

“Một vấn đề bao giờ cũng có 2 mặt. Xét thấy mặt lợi lớn thì làm thôi. Chuyện gì cũng sợ thì sao làm nên việc” - đại tá Thao nói.

N.Phú

Ai bảo vệ “hiệp sĩ”?

Trước tình hình tội phạm tại TP HCM tiềm ẩn nhiều thách thức, vừa qua, có ý kiến đề nghị TP nghiên cứu thành lập lực lượng “hiệp sĩ” trấn áp tội phạm như mô hình CLB Phòng chống tội phạm của tỉnh Bình Dương. Đề xuất này được nhiều người ủng hộ, xem như là giải pháp hữu hiệu trong công tác phòng chống tội phạm.

Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ pháp luật, việc thành lập lực lượng “hiệp sĩ” ở TP HCM như một lực lượng phòng chống tội phạm chuyên nghiệp bên cạnh lực lượng công an là không phù hợp và tiềm ẩn nhiều hệ quả khó lường.

Về chức năng, nhiệm vụ, công an là lực lượng chuyên trách trong công tác phòng chống tội phạm được quy định trong Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Công an nhân dân, Luật Tổ chức điều tra hình sự. Bên cạnh đó, còn có các lực lượng bán chuyên trách, hỗ trợ công an bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm như dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố... Các lực lượng này khi phát hiện, truy bắt, xử lý tội phạm theo một trình tự, thủ tục được pháp luật quy định chặt chẽ. Việc truy đuổi, bắt, giữ một người bị tình nghi có hành vi phạm tội không chỉ là quy trình xử lý tội phạm mà còn liên quan mật thiết đến quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp bảo vệ. Do đó, ngoài trường hợp bắt người phạm tội quả tang hoặc người có lệnh truy nã là trách nhiệm của mọi công dân thì trong các trường hợp còn lại phải do người có thẩm quyền thực thi. Trong khi đó, nếu giao “hiệp sĩ” trọng trách truy bắt nghi can thì chưa đúng pháp luật bởi họ không được pháp luật trao cho quyền thực thi pháp luật như lực lượng chuyên trách.

Mặt khác, lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm khi thực thi nhiệm vụ được xác định là người thi hành công vụ, được đào tạo bài bản, trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ. Việc quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ cũng được quy định nghiêm ngặt. Ngược lại, “hiệp sĩ” không thuộc biên chế cơ quan công an, không phải là người thực thi công vụ, không thuộc trường hợp được luật cho phép truy đuổi đối tượng tình nghi.

Khoác cho lực lượng này “chiếc áo” thực thi công vụ thì trái luật, còn nếu để họ làm “bản sao” của lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm thì vô cùng nguy hiểm cho chính các “hiệp sĩ”. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm vốn dĩ đã phức tạp, việc theo dõi, truy đuổi, bắt giữ trên đường, nơi công cộng còn phức tạp hơn nhiều. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nếu không may xảy ra sự cố ngoài ý muốn như tai nạn giao thông hoặc khi sử dụng vũ lực khống chế nghi can làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người khác, “hiệp sĩ” sẽ phải đối diện với rủi ro pháp lý rất cao. Những tình huống như vậy, ai sẽ bảo vệ “hiệp sĩ”?

Một vấn đề nữa cũng cần đặt ra, ai sẽ là người quản lý hoạt động của các “hiệp sĩ”? Trách nhiệm của người quản lý ra sao nếu không kiểm soát được hoạt động của “hiệp sĩ”? Chế độ phụ cấp, kinh phí nuôi lực lượng “hiệp sĩ” lấy từ đâu? Một điều chắc chắn rằng không thể dùng ngân sách để nuôi đội ngũ này vì hiện nay ngân sách đã “nuôi” quá nhiều bộ máy từ cơ quan hành chính nhà nước cho đến các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội. Do đó, việc thành lập lực lượng “hiệp sĩ” là lợi bất cập hại.

Luật sư Nguyễn Văn Đức, Công ty Luật Kinh Luân

Theo Đặng Văn Thuận/Người Lao động
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Hiệp sĩ” và sự chính danh