Với đa số phiếu tán thành, ông Nguyễn Văn Thể đã trở thành Bộ trưởng Giao thông vận tải, ông Lê Minh Khái làm Tổng thanh tra Chính phủ. Sau khi nhậm chức, ông Thể và ông Khái đã có lời trước Quốc hội.

Tân Tổng TTCP và Bộ trưởng Bộ GTVT nói gì khi nhậm chức?

Nam Phong | 26/10/2017, 16:49

Với đa số phiếu tán thành, ông Nguyễn Văn Thể đã trở thành Bộ trưởng Giao thông vận tải, ông Lê Minh Khái làm Tổng thanh tra Chính phủ. Sau khi nhậm chức, ông Thể và ông Khái đã có lời trước Quốc hội.

>>Đề xuất ông Lê Minh Khái làm Tổng thanh tra Chính phủ

>>Tổng thanh tra Chính phủ được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng

>>Nhiệm vụ nặng nề chờ tân Bộ trưởng Bộ GTVT và tân Tổng thanh tra CP

Đầu buổi làm việc chiều 26.10, Trưởng ban Kiểm phiếu Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam công bố kết quả kiểm phiếu phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Giao thông vận tải và Tổng thanh tra Chính phủ.

Có 461/466 đại biểu đồng ý phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thể giữ chức vụ Bộ trưởng Giao thông vận tải. Số phiếu dành cho ông Lê Minh Khái là 464/466.

Với tuyệt đa số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua nghị quyết xác nhận phê chuẩn việc bổ nhiệm nói trên. Chúc mừng 2 thành viên mới của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mongtân Bộ trưởng Giao thông vận tải và Tổng thanh tra Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị mới mà Quốc hội đã tin tưởng giao phó.

Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Chính phủ tặng hoa chúc mừng tân Bộ trưởng Bộ GTVT và tân Tổng TTCP Lê Minh Khái, ông Nguyễn Văn Thể đã phát biểu trước Quốc hội.

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ GTVT và Tổng TTCP với đa số đại biểu quốc hội tán thành

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: "Tôi trân trọng cảm ơn các đại biểu quốc hội đã phê chuẩn đề xuất của Thủ tướng Chính phủ để tôi làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Tôi nghĩ rằng đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm to lớn của bản thân cũng như của ngành giao thông trong giai đoạn hiện nay.

Như chúng ta đã biết, giao thông phải đi trước một bước, hạ tầng phải tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Nhưng giai đoạn hiện nay kinh phí rất eo hẹp, ngân sách thì ít, nợ công tăng cao, huy động vốn ODA cũng khó và lãi suất cao, huy động xã hội cũng có mức độ.

Trước nhu cầu lớn nhưng nguồn vốn hạn chế, tôi nghĩ cũng sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên Đảng và Nhà nước giao trách nhiệm thì tôi cũng sẽ cố gắng hết mình để cùng ngành giao thông cố gắng tập trung phát triển ngành".

Ông Thể cũng cho biết ông nhận nhiệm vụ trong bối cảnh ngành đang gặp khó khăn, nhất là vấn đề BOT đang gây nhức nhối trong xã hội, vấn đề này đã được báo chí đăng tải rất nhiều, Bộ Giao thông vận tải 3-4 năm trước cũng đã tập trung nhiều tâm huyết để cụ thể hóa Nghị định 108 để phát triển giao thông.

"Qua thời gian triển khai, bản thân Bộ Giao thông vận tải cũng cảm thấy có nhiều vấn đề cần rút ra, do đó Bộ đã chủ động mời Bộ Xây dựng tham gia để thẩm tra, thẩm địnhcùng Bộ Tài chính để xác định các vị trí đặt trạm thu phí, cùng với chính quyền các địa phương để thực hiện dự án.

Phải nói là trong giai đoạn vừa qua, những dự án BOT đã cùng với các dự án do Nhà nước đầu tư tạo nên một sự đột phá lớn cho ngành giao thông. Tuy nhiên hiện nay có một số vấn đề về BOT. Tôi nghĩ chủ trương của Đảng và Nhà nước là rất đúng đắn, trong quá trình làm, Bộ Giao thông vận tải cũng đã chủ động nhưng rõ ràng khung khổ luật pháp của chúng ta chưa chuẩn.

Chúng ta chưa có chuẩn bởi vì Nghị định 108 thì dành cho hình thức đầu tư PPP của tất cả các ngành trong đó có giao thông. Gần đây, Chính phủ ban hành Nghị định 15, cònNghị định 30 thì cụ thể hơn về lĩnh vực BOT và những dự án gần đây chúng ta thực hiện theo khuôn khổ của Nghị định 15, Nghị định 30 đã chặt chẽ hơn khuôn khổ Nghị định 18.

Tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Tôi cũng nghĩ rằng Bộ Giao thông vận tải cũng đã tổng kết để xem xét những ưu, khuyết điểm trong giai đoạn vừa qua đối với dự án BOT. Rất mừng là cách đây vài hôm Ủy ban Thường vụ Quốc hộiđã có Nghị quyết về vấn đề BOT, trong đó có những yêu cầu mang tính ràng buộc pháp lý với dự án BOT. Chúng tôi nghĩ rằng trong giai đoạn sắp tới Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ tham mưu với Chính phủ và Quốc hội nếu cần thiết thì chúng ta cũng nên nâng cấp những nghị quyết, nghị định thành những pháp lệnh hay luật về PPP, lúc đó chúng ta sẽ thực hiện những dự án BOT đúng theo khuôn khổ pháp luật và được đông đảo đại biểu quốc hội tham gia gióp ý để dự án BOT được tốt.

Tôi nghĩ rằng, làm thì có đúng có sai tuy nhiên cái tâm của những ngườingành giao thông chúng tôi là vì sự nghiệp chung, không vì lợi ích nhóm, cũng không vì tư túi, những cá nhân nào có vấn đề này thì chắc chắn pháp luật sẽ xử lý. Còn về cái chung, tôi nghĩ rằng nếu chúng ta không phát triển BOT, không tập trung để huy động các nguồn vốn xã hội thì trong giai đoạn hiện nay chúng ta cũng không thể nào tạo đột phá về hạ tầng. Mà Ban Chấp hành Trung ương xác định hạ tầng, trong đó có giao thông, là một trong 3điểm nghẽn rất lớn. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng BOT là một chủ trương đúng, chúng tôi sẽ cố gắng làm sao thực hiện chặt chẽ hơn, đúng quy định pháp luật hơn, có những luật để ràng buộc chặt hơn. Cuối cùng cũng phải triển khai để làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của nhân dân, trong đó có doanh nghiệp".

Về phần mình, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Lê Minh Khái, tân Tổng TTCP nói: “Xúc độngkhi được Chính phủ đề nghị, Quốc hội tin tưởng, phê chuẩn giữ chức vụ. Đây là vinh dự và cảm nhận được trách nhiệm lớn trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cử tri".

Khi được hỏi ông sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào sau khi nhậm chức, tân Tổng thanh tra Chính phủ cho biết trước hết sẽ tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng giao cho ngành, nhất là thanh tra làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân có sai phạm gây thất thoát, thua lỗ lớn trong các dự án đang được dư luận xã hội quan tâm.

Ông Khái cũng chia sẻ, đồng thời đó, sẽ tiếp tục thanh tra các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, các ngành, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Kết thúc sớm các cuộc thanh tra vụ việc phức tạp liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, các cuộc thanh tra trọng tâm về kinh tế do Chính phủ, Thủ tướng giao.

Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về thời gian báo cáo kết quả thanh tra, kịp thời ban hành và công khai kết luận thanh tra, cố gắng khắc phục việc chậm, hoãn công bố kết luận thanh tra.

Tân Tổng TTCP khẳng định: "Chuyển các vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang cơ quan điều tra theo đúng quy định pháp luật; khắc phục những hạn chế trong giám sát và xử lý sau thanh tra, quyết liệt trong đôn đốc việc thực hiện nghiêm kết luận và kiến nghị của thanh tra.Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan có liên quan sửa đổi, bổ sung Luật Phòngchống tham nhũng, Luật Tố cáo, bảo đảm chất lượng và tính khả thi.

Đồng thời, qua thực tiễn hoạt động thanh tra, nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy trình, quy định về hoạt động thanh tra; kịp thời tham mưu cho Chính phủ giải quyết các công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn được Chính phủ phân công".

Về việc chấn chỉnh kỷ cương làm việc đối với cán bộ của ngành, ông Khái chia sẻ: "Đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thi hành công vụ, tăng cường kiểm soát chất lượng thanh tra, giám sát chặt chẽ hoạt động thanh tra.Xử ký nghiêm đối với những cán bộ ngành thanh tra vi phạm quy định của pháp luật, quy định của ngành.

Trên cương vị mới được đảm nhiệm, tôi sẽ cùng tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ ngành đoàn kết, nhất trí, kế thừa, phát huy truyền thống ngành, khắc phục hạn chế, yếu kém, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, đáp ứng mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân".

Nam Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tân Tổng TTCP và Bộ trưởng Bộ GTVT nói gì khi nhậm chức?