Theo Phó chánh án TAND tỉnh Phú Thọ, việc xét xử trực tuyến là bước đầu để ngành Tòa án tiến hành chuyển đổi số, tiến tới xây dựng Tòa án điện tử.
Giữa tháng 7.2021, Chánh án TAND Tối cao và Bộ trưởng Bộ TT-TT đã ký kết chương trình phối hợp trong công tác chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử.
Tại hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2022 được diễn ra hồi đầu năm, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết trong nhiệm kỳ 2021-2026, tòa án có một số ứng dụng về CNTT theo Nghị quyết của Quốc hội, bao gồm việc xét xử trực tuyến. Đây là xu thế toàn cầu trong điều kiện COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động xét xử, nhiều phiên tòa phải tạm hoãn.
Bước đầu tiến hành chuyển đổi số
Ngày 31.3, TAND tỉnh Phú Thọ đã tiến hành xét xử trực tuyến đối với vụ án “Tàng trữ tiền giả”. Đây là vụ án đầu tiên TAND tỉnh Phú Thọ xét xử theo hình thức trực tuyến. Được biết, trong phiên tòa xét xử này, điểm cầu chính là TAND tỉnh Phú Thọ, điểm cầu thành phần là trại tạm giam công an tỉnh Phú Thọ.
Ông Vũ Anh Tuấn - Phó chánh án TAND tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh: “Việc xét xử trực tuyến là bước đầu để ngành Tòa án tiến hành chuyển đổi số, tiến tới xây dựng Tòa án điện tử. Đây là xu thế tất yếu không chỉ của riêng Việt Nam mà của ngành Tòa án trên toàn thế giới”.
Sau khi có chỉ đạo, hướng dẫn của TAND tối cao, TAND tỉnh Phú Thọ đã tiến hành một số nội dung, trong đó chú trọng đến xét xử trực tuyến và bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng CNTT cho các cán bộ tòa án.
Đặc biệt, Phó chánh án cho biết TAND tỉnh Phú Thọ cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Viettel, Vinaphone để được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, cũng như lắp ráp các thiết bị phục vụ cho việc ứng dụng CNTT tại tòa án, giúp cho việc xét xử trực tuyến đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, ngoài yếu tố đường truyền, đội ngũ nhân lực, cán bộ chuyên trách về CNTT là điều rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số.
Theo ông Tuấn: “Đội ngũ cán bộ CNTT của TAND tỉnh Phú Thọ hiện nay còn rất hạn chế, nhưng không vì thế mà chúng tôi không tiến hành xét xử trực tuyến, không tiến hành chuyển đổi số trong xu thế của quốc gia. Hiện TAND tỉnh Phú Thọ đã tiến hành công tác tập huấn, đặc biệt nâng cao tinh thần tự học công nghệ của các cán bộ”.
Sự phối hợp của Công an, VKS, Tòa án
Là Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa trực tiếp điều hành phiên tòa xét xử trực tuyến đầu tiên của TAND tỉnh Phú Thọ, Thẩm phán Tạ Văn Thành chia sẻ: “Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, việc xét xử trực tuyến sẽ giúp tránh lây lan dịch bệnh”.
Ngoài ra, liên quan đến vấn đề dẫn giải bị cáo tới tòa, theo Thẩm phán Thành, trên địa bàn tỉnh có nhiều đơn vị cách xa trụ sở của trại tạm giam, nếu xét xử trực tuyến sẽ đảm bảo được thời gian khai mạc, xét xử theo đúng thời gian mà Tòa án đề ra, đảm bảo an toàn cho cả người dẫn giải và cả bị cáo.
Dưới góc độ tâm lý, theo phân tích từ vị Thẩm phán, xét xử trực tuyến giúp bị cáo không phải đối mặt trực diện với HĐXX, điều này giúp tâm lý của bị cáo sẽ tốt hơn, trả lời đúng trọng tâm vụ việc hơn và đúng tâm trạng của bị cáo hơn.
Tuy nhiên, theo Thẩm phán Tạ Văn Thành, việc xét xử trực tuyến đối với TAND tỉnh Phú Thọ hiện nay vẫn còn một số hạn chế khi Tòa án cần nhiều thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất. Đặc biệt, nếu đường truyền trực tuyến không tốt sẽ ảnh hưởng đến việc xét hỏi cũng như tranh tụng tại phiên tòa.
Theo Phó chánh án Vũ Anh Tuấn, trước khi phiên tòa xét xử trực tuyến đầu tiên ở TAND tỉnh Phú Thọ được diễn ra, TAND tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch của 3 ngành, gồm Công an, VKS và Tòa án để đảm bảo hiệu quả trong công tác xét xử.
Để tiếp tục tiến hành công cuộc chuyển đổi số ngành Tòa án, tiến tới xây dựng Tòa án điện tử, Phó chánh án TAND tỉnh Phú Thọ cho biết trong tháng 4 và những tháng tiếp theo, TAND tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục xét xử các vụ án theo hình thức trực tuyến. Vì vậy, việc phối hợp giữa 3 đơn vị (Công an, VKS, Tòa án) là điều rất quan trọng, có tính chất bắt buộc để các cơ quan tố tụng cùng thực hiện.