Tùy thuộc vào việc Việt Nam lựa chọn mức lạm phát trong tầm kiểm soát hay vượt mức mục tiêu đề ra sẽ quyết định hướng đi của nền kinh tế trong phần còn lại của năm 2016 theo hướng thúc đẩy tốc độ tăng trưởng hay ổn định kinh tế vĩ mô.

Tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, cái nào quan trọng hơn?

Nhàn Đàm | 12/08/2016, 05:08

Tùy thuộc vào việc Việt Nam lựa chọn mức lạm phát trong tầm kiểm soát hay vượt mức mục tiêu đề ra sẽ quyết định hướng đi của nền kinh tế trong phần còn lại của năm 2016 theo hướng thúc đẩy tốc độ tăng trưởng hay ổn định kinh tế vĩ mô.

Một trong những biến số quan trọng nhất có thể ảnh hưởng lớn đến điều hành vĩ mô nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2016, là chỉ số lạm phát. Trong đó, tùy thuộc vào việc Việt Nam lựa chọn mức lạm phát trong tầm kiểm soát hay vượt mức mục tiêu đề ra để quyết định hướng đi của nền kinh tế trong phần còn lại của năm theo hướng thúc đẩy tốc độ tăng trưởng hay ổn định kinh tế vĩ mô.

Nếu như năm 2015 là một năm rất thành công của Việt Nam trong việc vừa kiềm chế rất tốt lạm phát (chỉ đạt mức 0,63%, thấp nhất kể từ năm 2001) vừa đạt được tốc độ tăng trưởng cao (6,7%), thì rõ ràng trong tình trạng hiện tại của năm 2016, chúng ta không thể lặp lại điều tương tự. Đã đến lúc Việt Nam cần phải giải quyết câu hỏi mang tính cốt lõi ở thời điểm hiện tại: tốc độ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, cái nào quan trọng hơn?

Không hẹn mà gặp, cả hai báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2016 từ hai đầu mối nghiên cứu có trọng lượng lại được công bố gần như cùng lúc. Đó là báo cáo định kỳ từ bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng HSBC, và báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô tháng 7.2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong cùng ngày 9.8 vừa qua. Dù có những điểm khác biệt tương đối, thì điểm chung căn bản giữa hai báo cáo này đều là nhấn mạnh vai trò của yếu tố lạm phát trong điều hành kinh tế vĩ mô từ nay đến cuối năm.

Theo đó, tùy thuộc vào việc Việt Nam lựa chọn mức lạm phát nào để quyết định chính sách kinh tế nào sẽ là chủ đạo trong phần còn lại của năm: hoặc thúc đẩy lạm phát và kích thích tăng trưởng bằng mọi giá, hoặc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo đánh giá trong báo cáo nghiên cứu của HSBCthì nhiều khả năng triển vọng lạm phát của Việt Nam từ nay đến cuối năm có thể vượt qua mức dự báo đồng thời cũng là mục tiêu kiểm soát 5% của Vhính phủ. Trong đó, hai yếu tố sẽ có tác động lớn nhất tới lạm phát những tháng cuối năm là: việc tăng giá các dịch vụ và hàng hóa cơ bản như giáo dục, chăm sóc sức khỏe (được cho là Chính phủ sẽ bắt đầu tăng trong tháng 9 tới) và thực phẩm (do yếu tố bất lợi về khí hậu); và thứ hai là tốc độ tăng trưởng tín dụng theo dự kiến sẽ vượt quá mức đề ra là 18-20% trong nền kinh tế.

Theo đánh giá của HSBC, nhiều khả năng tốc độ mở rộng tín dụng từ nay đến cuối năm sẽ vượt mức 18-20% do nhu cầu trong nước sẽ tăng mạnh những tháng cuối năm, và một phần khác là việc Chính phủ hiện vẫn chưa từ bỏ mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay, có thể dẫn tới việc tốc độ mở rộng tín dụng cao hơn mức dự kiến để kích thích tăng trưởng kinh tế. Nói cách khác, theo HSBCkhi mà CPI tính đến thời điểm tháng 7 đã tăng tới 2,48% (gần một nửa so với mức mục tiêu 5% cả năm mà Chính phủ đề ra) so với đầu năm dù các yếu tố thúc đẩy được xem là thấp hơn nhiều so với 5 tháng cuối năm, thì gần như mức tăng CPI sẽ vượt mức 5% từ nay đến cuối năm khi các yếu tố thúc đẩy sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Còn báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) lại hơi khác một chút. Theo NFSCthì các yếu tố tác động tới lạm phát trong 5 tháng cuối năm sẽ chỉ ngang bằng hoặc yếu hơn so với 7 tháng đầu năm, dẫn đến việc CPI cả năm sẽ vẫn nằm trong khả năng kiểm soát. Cụ thể, mức tăng giá các dịch vụ và hàng hóa thiết yếu như giáo dục, y tế và thực phẩm trong 5 tháng cuối năm thậm chí sẽ thấp hơn 7 tháng đầu năm. Nhờ vậy, kể cả khi tốc độ mở rộng tín dụng vượt mức mục tiêu 18-20%, thì lạm phát cả năm sẽ vẫn được kiểm soát. Cụ thể, theo dự báo của NFSC, thì lạm phát cả năm 2016 sẽ ở khoảng 3,4-4% (nếu chưa tính tới sự tăng giá về giáo dục, y tế hay thực phẩm).

Điều này có nghĩa làcả HSBC lẫn NFSC đều thừa nhận rằng, lạm phát cả năm 2016 có thể sẽ cao hơn mức mục tiêu của Chính phủ là 5%. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào động thái điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Nếu Chính phủ chọn cách kiềm chế mở rộng tín dụng bất chấp việc tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, thì lạm phát sẽ thấp hơn mức dự kiến là 5%; ngược lại, nếu chọn cách kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng mức mở rộng tín dụng, thì lạm phát sẽ vượt quá 5%. Ngoài ra, cũng cần nói thêm là cả HSBC lẫn Thủ tướng Chính phủ đều cùng thừa nhận rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay là khó đạt được, và kể cả khi mở rộng tín dụng để kích thích tăng trưởng thì cũng chỉ có thể đạt được mức cao nhất là 6,3-6,4% mà thôi.

Nói cách khác, Việt Nam đang đứng trước một sự lựa chọn giữa việc đặt tốc độ tăng trưởng lên hàng đầu, hay chọn ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu quan trọng nhất. Theo đánh giá của HSBC, nếu lạm phát cả năm 2016 vượt quá mức 5%, thì ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ bị tác động rất lớn, và nhiều khả năng đến quý 3-2017 thì Ngân hàng Nhà nước sẽ phải nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Khi ổn định kinh tế vĩ mô đã bị xáo trộnthì khả năng rất lớn là tăng trưởng kinh tế của cả năm 2017 cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vì thế, dường như việc lựa chọn ổn định kinh tế vĩ mô đang là phương án có lợi hơn cho nền kinh tế Việt Nam cả ở thời điểm hiện tại lẫn trong tương lai gần. Hơn ai hết, Việt Nam hiểu rõ cái giá phải trả cho việc đánh mất ổn định kinh tế vĩ mô đắt như thế nào, khi chúng ta đã mất tới 4-5 năm mới có thể đưa nền kinh tế về trạng thái tăng trưởng ổn định sau cuộc khủng hoảng 2007-2011.

Ở thời điểm hiện tại khi Việt Nam đang tiến hành cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường nhiều hơn, thì việc để xảy ra tình trạng mất ổn định kinh tế vĩ mô lại càng là một điều đại kỵ. Nó có thể khiến các nỗ lực cải cách hoặc là đi chệch hướng hoặc là bị chết yểu ngay từ trong trứng nước. Với bất cứ một cuộc cải cách kinh tế nào, thì điều kiện tiên quyết là sự ổn định trước đã, vì khi nền kinh tế bị xáo trộn mạnh thì sẽ rất khó để các chính sách cải cách có thể phát huy tác dụng.

Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, Vneconomy, CafeF)
Bài liên quan
Nhu cầu chip AI của Nvidia vẫn bùng nổ nhưng tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại khiến nhà đầu tư lo ngại
Nvidia hôm 20.11 dự báo mức tăng trưởng doanh thu chậm nhất trong 7 quý, không đáp ứng được kỳ vọng cao của một số nhà đầu tư đã biến hãng chip trí tuệ nhân tạo (AI) Mỹ này thành công ty có giá trị nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, cái nào quan trọng hơn?