Việc điều chỉnh tăng viện phí giúp các cơ sở y tế có điều kiện tăng chất lượng dịch vụ, nhưng cũng đòi hỏi bệnh viện phải nâng cao chất lượng làm hài lòng bệnh nhân.

Tăng viện phí công: Đừng để người dân chịu áp lực, y bác sĩ mệt mỏi

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 10/12/2022, 08:30

Việc điều chỉnh tăng viện phí giúp các cơ sở y tế có điều kiện tăng chất lượng dịch vụ, nhưng cũng đòi hỏi bệnh viện phải nâng cao chất lượng làm hài lòng bệnh nhân.

Mong chờ tăng lương và sự quan tâm đúng mức

Nhiều nhân viên y tế đang rất mong chờ những thay đổi tích cực ở mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi nghề. Việc tăng lương sẽ giúp cho đội ngũ y bác sĩ nâng cao chất lượng cuộc sống, yên tâm công tác. Có nhiều ý kiến cho rằng việc tăng giá dịch vụ y tế có tác động tích cực đến người dân, đặc biệt là những người mong muốn được hưởng dịch vụ đúng với số tiền họ bỏ ra. Tăng giá dịch vụ y tế là nhằm mục đích tăng chất lượng khám chữa bệnh.

Việc quy định giá dịch vụ BHYT thống nhất giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc sẽ giúp người bệnh được cung cấp dịch vụ một cách công bằng, đồng đều, không phân biệt vùng miền. Ngoài ra, phần chi từ tiền túi người dân sẽ giảm, do thuốc, vật tư y tế, chi phí khấu hao máy móc, duy tu bảo dưỡng thiết bị đã được tính vào giá dịch vụ và được quỹ BHYT chi trả. Người bệnh sẽ không phải trả chi phí đã được tính vào giá dịch vụ y tế.

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Huệ (Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội) cũng đã đưa ý kiến xác đáng với việc tăng viện phí ở các bệnh viện công lập. Hiện nay các y bác sĩ với 6 năm học đại học ngành y sau đó lại học thêm vài năm khi thực tập nội trú và thêm 18 tháng lấy chứng chỉ hành nghề, rồi lại thêm vài năm học sâu thêm chuyên khoa nhưng khi đi làm lương cũng chỉ bằng công nhân ở các nhà máy. Mức lương khởi điểm của bác sĩ quá thấp, chưa thật sự xứng đáng với trình độ kiến thức và công việc khiến nhiều người buồn bã.

"Bỏ ra gần 10 năm học hành nhưng lương và trợ cấp không phù hợp, không được quan tâm hỗ trợ..., chưa kể trực đêm hay trực ca mổ rất vất vả nhưng mỗi ca chỉ có hơn 200 ngàn đồng. Chưa kể đợt dịch bệnh vừa qua, ngành y thật sự vất vả nhưng đến tận giờ vẫn chưa nhận được tiền thưởng hay trợ cấp theo thông tin đã thông báo. Trong khi đó chúng tôi vẫn phải sống, làm việc, trực bệnh viện và sinh hoạt hằng ngày không đủ chi tiêu chứ đừng nói đến lo cho con cái. Việc tăng viện phí không chỉ để cho người dân được hưởng đúng với số tiền mình bỏ ra mà còn làm tăng trách nhiệm cho y bác sĩ để chúng tôi cố gắng hơn, làm đúng với khả năng mình đã có" - chị Huệ đưa ý kiến.

20220919_vaccine-adenovirus-1.jpg
Nhiều y bác sĩ phải làm việc trên 10 tiếng/ngày

Một thực tế cho thấy, chủ trương tăng giá viện phí trong thời điểm này là hợp lý, đa phần người dân nói chung và bệnh nhân nói riêng đều đồng tình, ủng hộ. Khi viện phí tăng, người bệnh sẽ có cơ hội được điều trị với các thiết bị khám chữa bệnh hiện đại, tiên tiến, được chăm sóc bằng những dịch vụ tốt hơn…

Việc tăng giá viện phí ở các bệnh viện công là điều mà hầu hết mọi người ủng hộ. Tuy nhiên, không nên dùng chính sách cào bằng để tăng viện phí đồng loạt mà không gây áp lực với người bệnh, hoặc làm cho các y bác sĩ mệt mỏi thì lại là một câu chuyện đáng bàn. Với việc tăng viện phí, người bệnh sẽ phải đối diện với mức chi trả cao hơn gây khó khăn hơn trong việc chữa bệnh đối với những gia đình có mức kinh tế trung bình hoặc khó khăn, điều này sẽ còn nhiều trăn trở. Nhưng nếu không tăng sẽ gây áp lực cho chính các y bác sĩ cũng như các bệnh viện về vấn đề lương, chính sách, hỗ trợ...

Ví dụ một ca mổ của bệnh viện sẽ có rất nhiều mục cần chi trả như trang thiết bị, máy móc, điện nước, cơ sở vật chất, đồ đạc chống nhiễm khuẩn, tiền công cho bác sĩ y tá điều dưỡng... đều phải được tính đầy đủ. Nếu bệnh viện không tính đủ và phù hợp với viện phí thì nguồn thu của các y bác sĩ sẽ bị ảnh hưởng. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều y bác sĩ muốn chuyển sang làm tư nhân thay vì làm ở các bệnh viện công vì chi phí tiền công cho ca trực, ca mổ bệnh viện công rất thấp. Trong thực tế, viện phí chưa được tính đúng tính đủ, mà chỉ mới tính chi phí lương của những người làm việc trực tiếp như đội ngũ y bác sĩ. Còn nhân viên gián tiếp và các phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại… hoàn toàn chưa được tính. 

Với nguồn thu như hiện nay, bệnh viện chỉ có thể chi lương cơ bản theo hệ số cho cán bộ nhân viên, bác sĩ bệnh viện. Khoản chi cho lương và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật đã được tính vào viện phí, nhưng mức lương để tính vào viện phí lại là lương tối thiểu, thành ra bệnh viện phải có thêm phần "thu nhập tăng thêm" đều tính vào nguồn thu của bệnh viện. Đây chính là một nguyên nhân khiến nhiều y bác sĩ nghỉ việc ở việc ở các bệnh viện công để chuyển sang bệnh viện tư thời gian qua.

Tăng viện phí nhưng không tăng gánh nặng

Để vấn đề tăng viện phí, tăng giá dịch vụ y tế nhưng không tăng thêm gánh nặng cho người dân là một bài toán khó, cần có sự tháo gỡ từ các bệnh viện hoặc BHYT để các bệnh viện thực hiện việc tự chủ một cách tốt hơn. Hiện nay Bộ Y tế đang tính toán việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, trong đó có việc xây dựng lại định mức kinh tế kỹ thuật và xác định lại định mức này.

do-nhiet-do-3.jpg
Ngành y là một ngành đặc thù, đối diện với rủi ro cao

Trên cơ sở định mức đó, người ta sẽ xây dựng các yếu tố chi phí cấu thành. Quan điểm là ngân sách nhà nước sẽ không chi trả trực tiếp cho các bệnh viện và cơ sở y tế, mà hỗ trợ thông qua mua bảo hiểm y tế. Việc hỗ trợ có thể là tăng mệnh giá bảo hiểm y tế lên để người dân được hưởng lợi, hoặc tăng tỷ lệ chi trả quỹ bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng, thay vì 80% thì chi trả lên 90% chẳng hạn. 

“Vấn đề làm sao khi tăng giá dịch vụ y tế nhưng không tăng gánh nặng thêm cho người dân trong việc sử dụng dịch vụ y tế, qua đó tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện, tạo cơ chế để thực hiện tự chủ bệnh viện tốt hơn”, đó là điều ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế nêu ra.

Một chuyên gia y tế cho biết hiện nay các cơ sở máy móc ở các bệnh viện công đã không còn hoạt động tốt, sự đầu tư cho ngành y tế không đủ khiến người bệnh bị thiệt thòi đầu tiên, sau đó đến các nhân viên y tế. Các y bác sĩ thường làm việc trên 10 tiếng/ngày, thậm chí có người làm liên tục tới 16 tiếng/ngày nhưng lương không hề tăng. Đơn cử ngay Bệnh viện Bạch Mai có nhiều y bác sĩ bỏ việc sang các bệnh viện tư nhân lớn để nhận lương lên tới 60 - 70 triệu đồng/tháng, thậm chí có người nhận lương gần 100 triệu đồng.

"Khi làm ở bệnh viện công, điều đầu tiên y bác sĩ thấy vui không phải là lương mà chính là máy móc hiện đại, góp phần làm tăng tay nghề của chính họ, được học hỏi, tìm tòi những phương pháp điều trị tốt hơn để phục vụ người bệnh. Tiếp sau đó mới là vấn đề lương-thưởng khi hoàn thành một ca mổ hay điều trị xong 1 trường hợp bệnh nhân. Tuy nhiên ở bệnh viện công lập thì giá khám, chụp chiếu cũng chỉ tính vài chục ngàn/ca, chính sách y tế không đúng không đủ gây ra khó khăn trong các bệnh viện khi trả lương, duy trì hoạt động ngành y tế", vị chuyên gia cho hay.

Ngoài vấn đề tiền lương, các y bác sĩ còn đề xuất các chính sách đãi ngộ nhân viên y tế cũng cần được quan tâm vì ngành y là ngành đặc thù luôn đối diện với rủi ro cao.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng hiện nay ngoài việc nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, phân bổ nguồn lực hợp lý giữa y tế dự phòng, y tế cơ sở và y tế điều trị, thì quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng nhân lực y tế, từ đó, nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh. Bên cạnh đấy, việc cải cách và đổi mới cơ chế tài chính y tế cũng rất cần thiết để nâng cao được thu nhập đối với nhân viên y tế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng, giúp họ yên tâm công tác.

Hiện nay chủ trương ngành y tế là nâng cao thu nhập nhưng chế độ tiền lương phải đúng chính sách và giá trị lao động. Đối với ngành y, tiền lương không chỉ nhằm nâng cao hơn năng suất, hiệu quả mà còn là giá trị nhân văn, tinh thần trách nhiệm đối với người dân.

Với trách nhiệm của mình, công đoàn y tế Việt Nam đang đề xuất nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40 - 70% lên mức 100% để thu hút nhân lực y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở. Các đơn vị y tế được tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế. Người bệnh tham gia bảo hiểm y tế sẽ được cung cấp đầy đủ thuốc trang thiết bị để nâng cao chất lượng. Bệnh viện được tính đủ sẽ có kinh phí đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho thầy thuốc để yên tâm công tác lâu dài trong ngành y.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
4 người chết, 78 người bị thương do bão số 3
10 giờ trước Theo dòng thời sự
Tính đến 17 giờ ngày 7.9, bão số 3 đã làm 4 người chết, 78 người bị thương và gây mất điện diện rộng tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng viện phí công: Đừng để người dân chịu áp lực, y bác sĩ mệt mỏi