Tại kỳ họp thứ 8 HĐND TP.HCM khóa 10 sáng 8.12, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết Sở sẽ kết nối các đơn vị để khai thác công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của chợ truyền thống.

TP.HCM đẩy mạnh chuyển đổi số trong chợ truyền thống

Tú Viên | 08/12/2022, 15:20

Tại kỳ họp thứ 8 HĐND TP.HCM khóa 10 sáng 8.12, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết Sở sẽ kết nối các đơn vị để khai thác công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của chợ truyền thống.

Trong phần chất vấn tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân nêu thắc mắc về giải pháp quản lý chợ truyền thống thời gian tới.

Giám đốc Sở Công Thương cho biết hiện TP.HCM có 232 chợ truyền thống. Các chợ phần lớn được hình thành từ rất lâu cùng với quá trình hình thành khu dân cư. Đây cũng là kênh phân phối quan trọng cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng và vẫn đóng vai trò rất quan trọng, sẽ còn đồng hành lâu dài với người dân TP. Khó khăn hiện nay là không gian của chợ không lớn, hạ tầng các chợ thiếu hệ thống thoát nước, nhà vệ sinh, bãi giữ xe; quầy sạp diện tích nhỏ...

ct.jpeg
Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ trả lời chất vấn - Ảnh: P.V

Về giải pháp quản lý chợ, Sở Công Thương kết nối các thông tin về nguồn hàng, phối hợp các cơ quan đơn vị, địa phương các cấp để xây dựng phong trào kinh doanh văn minh. Những chương trình này được các tiểu thương trong chợ hưởng ứng rất tốt. Sở cũng kết nối các đơn vị để khai thác công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của chợ truyền thống. Hiện nay có nhiều mô hình kinh doanh chợ truyền thống online, như ứng dụng Utop…

Hiện quy định còn nhiều chồng chéo, khó khăn, theo Luật Đất đai hiện hành thì chợ là đất thương mại nên phải thu tiền sử dụng đất. Trong khi đó, TP.HCM đã nhiều năm coi chợ là thiết chế công cộng, chỉ thu phí để duy trì hoạt động, phòng cháy chữa cháy... Thời gian tới, Sở cũng phối hợp Sở TN-MT tham mưu cho UBND TP để triển khai cho phù hợp.

Về vấn đề an toàn thực phẩm, đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết đặt câu hỏi gần đây có hiện tượng rau không sạch đi vào siêu thị, núp bóng rau sạch để tới tay người dân, Giám đốc Sở Công Thương suy nghĩ gì về vấn đề này và giải pháp nào được đưa ra để tăng niềm tin của người dân đối với các điểm mua sắm?

Trả lời câu hỏi này, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết rau không sạch vào siêu thị như báo chí phản ánh là do khâu cung cấp dịch vụ không thực hiện đúng. Cơ quan quản lý cũng chưa giám sát kịp thời. Chính các kênh phân phối đã vào cuộc để chọn kỹ hơn đối tác của mình, giám sát quá trình sản xuất. Ban An toàn thực phẩm tăng cường kiểm tra. Sở Công Thương đã thường xuyên làm việc với hệ thống phân phối để nhắc nhở các đơn vị.

"Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ thường xuyên làm việc, nhắc nhở các chuỗi hệ thống phân phối. Mặt khác, chúng ta cũng cần các quy định về tiêu chuẩn thống nhất toàn quốc từ việc sản xuất đến cung ứng ra thị trường. Hiện nay, chúng ta chỉ khuyến khích chứ chưa bắt buộc", Giám đốc Sở Công Thương bày tỏ.

Đại biểu Trần Hoàng Danh chất vấn về tình hình tăng giá cả thực tế có vẻ cao hơn con số lạm phát được công bố. Cử tri phản ánh phải chăng chưa có sự tương đồng với thực tế? TP.HCM có đóng góp gì trong đo lường chỉ số lạm phát chung của cả nước?

Giám đốc Sở Công Thương nói rằng tổng kết 20 năm bình ổn thị trường, TP.HCM điều hành kinh tế mở, nên tác động của kinh tế thế giới là rất lớn. Tuy vậy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP.HCM trong 20 năm đều thấp hơn cả nước.

Giải pháp của TP.HCM là tiếp tục tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp sản xuất tiếp cận thị trường. Nhóm doanh nghiệp tham gia bình ổn được trả lãi suất thấp hơn khoảng 1% so với các doanh nghiệp khác; đồng thời kết nối, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.

toan-canh-1670378195955999390606.jpeg
Cảnh kỳ họp thứ 8 HĐND TP.HCM khóa 10

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung cũng nêu, hiện với tình hình người dân nhập cư ở các vùng ngoại thành rất đông, Sở Công Thương đã có kế hoạch xây dựng siêu thị hay trung tâm lớn ở cửa ngõ hay vùng ngoại thành chưa? Chẳng hạn huyện Bình Chánh có hơn 850.000 dân nhưng chưa có một siêu thị lớn hay trung tâm lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Dung, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhìn nhận mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại hiện chưa phân bổ đồng đều. Theo đó, 47 trung tâm thương mại tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm TP, 237 siêu thị cũng không phân bổ đồng đều giữa các địa phương. Khó khăn là quỹ đất thực hiện. Sở đã kêu gọi các nhà bán lẻ lớn lưu ý điều này, nhưng tiếp cận quỹ đất là việc khó. Ở huyện Bình Chánh, Sở đã nắm tình hình và đề nghị huyện bố trí quỹ đất để đầu tư. Với hơn 800.000 dân thì đây là thị trường hấp dẫn.

Về hệ thống cửa hàng tiện lợi, trong vòng 10 năm qua đã gia tăng gấp 10 lần (nếu năm 2012 có 300 cửa hàng, thì đến năm 2022 đã có hơn 3.000 cửa hàng). Đây cũng là một kênh phân phối mà trong giai đoạn chống dịch đã góp phần quan trọng cung ứng hàng hóa cho TP. Sở Công Thương sẽ kết nối để các nhà đầu tư quan tâm hơn các khu vực xa trung tâm TP.HCM như quận Bình Tân, huyện Bình Chánh...

Tại Hội nghị bàn công tác chuẩn bị Tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão được tổ chức sáng 8.12, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho các kênh phân phối, các doanh nghiệp đã dành nguồn vốn 22 nghìn tỉ đồng để chuẩn bị hàng hóa trong 2 tháng tết.

Trong đó tập trung vào các loại hàng hóa như trứng, lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến… Thành phố hiện có 46 trung tâm thương mại, 227 siêu thị và 3.000 cửa hàng tiện ích. Dự báo nguồn hàng tăng khoảng 2-3 lần so với các tháng bình thường.

TP.HCM cũng đã ký kết 600 biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp bình ổn thị trường cam kết trước và sau Tết không điều chỉnh tăng giá bán với hàng hóa thiết yếu; đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi để người dân được mua hàng hóa với giá ổn định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM đẩy mạnh chuyển đổi số trong chợ truyền thống