Dù tăng trưởng của Việt Nam 2023 vẫn thuộc nhóm khá tốt trong khu vực, nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Việc tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2024 là nhiệm vụ rất quan trọng.
Thị trường và chính sách

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để kinh tế tăng tốc năm 2024

Sơn Lam 13/01/2024 17:32

Dù tăng trưởng của Việt Nam 2023 vẫn thuộc nhóm khá tốt trong khu vực, nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Việc tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2024 là nhiệm vụ rất quan trọng.

Những dự báo lạc quan cho 2024

Việt Nam đã khép lại năm 2023 một cách tương đối tích cực. GDP trong quý 4/2023 đã tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, đưa tăng trưởng cả năm lên 5,1%. Các dự báo của các tổ chức quốc tế cho tăng trưởng Việt Nam năm 2024 cũng rất khả quan.

Theo báo cáo của Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu Ngân hàng HSBC, năm 2024, HSBC kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ mở ra nhiều hy vọng hơn, tăng trưởng sẽ tăng tốc lên 6% trong năm nay.

Theo HSBC, Việt Nam được biết đến rộng rãi như là quốc gia hưởng lợi chính từ những căng thẳng thương mại Trung - Mỹ, một xu hướng sẽ còn tiếp diễn. Cả tổng FDI và FDI mới trong năm 2023 đều gần đạt đến các mức cao trong lịch sử trước đây.

sx-2.jpeg
Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng khởi sắc ở 2024

Nhóm phân tích cho rằng lạm phát của Việt Nam vẫn nằm trong mức kiểm soát trong năm 2023. HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức nhẹ trong năm nay, dự báo ở mức 3,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát mới là 4-4,5%.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Bloomberg hay Ngân hàng Standard Chartered đều dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 từ 6% trở lên, đạt hoặc vượt chỉ tiêu Quốc hội giao 6-6,5%.

Chứng khoán VnDirect dự báo quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ tăng tốc vào năm tới và tăng trưởng GDP có thể đạt 6,3% vào năm 2024.

Cụ thể, đơn vị này cho rằng hoạt động sản xuất và xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ hơn nhờ đơn đặt hàng bên ngoài tăng trong bối cảnh lạm phát giảm và mức tồn kho giảm ở các thị trường phát triển. Sự phục hồi của hoạt động sản xuất cũng kích thích nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị.

Ngoài ra, dòng vốn FDI vào Việt Nam cải thiện trong nửa cuối năm 2023 và những năm tiếp theo, góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi của hoạt động sản xuất, xuất khẩu vào năm 2024.

Theo sau sự phục hồi của ngành công nghiệp, việc làm và tiền lương sẽ được cải thiện vào năm 2024, góp phần củng cố nhu cầu trong nước. Hơn nữa, việc Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương, duy trì một số gói kích thích tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế… cũng sẽ kích thích tiêu dùng trong nước.

sx-1.jpeg
Dòng vốn FDI dự báo là trợ lực cho sự phục hồi của tăng trưởng 2024

Một yếu tố nữa là sự hồi phục của thị trường bất động sản. Để hỗ trợ thị trường, Chính phủ và các địa phương đang tích cực xử lý vướng mắc pháp lý với các dự án bất động sản; triển khai các giải pháp cần thiết để khơi thông tín dụng cho lĩnh vực bất động sản.

VnDirect kỳ vọng lĩnh vực đầu tư tư nhân sẽ phục hồi vào năm 2024 vì DN sẽ triển khai dự án mới và mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng tăng và sự phục hồi của các đơn hàng xuất khẩu; lãi suất cho vay thấp hơn, điều kiện tài chính toàn cầu được nới lỏng hơn vào nửa cuối năm 2024 sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư tư nhân mới.

Phải gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Để thúc đẩy đầu tư tư nhân, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của DN.

Theo ông Tuấn, những điểm tối năm 2023 trong bức tranh DN lại đến từ khu vực kinh tế tư nhân. Mặc dù số lượng DN thành lập mới đạt kỷ lục nhưng tốc độ thành lập mới DN lại thấp so với nhiều năm gần đây.

Số lượng DN rời khỏi thị trường lại cao kỷ lục (số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn; 65,5 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 18 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể).

Theo đó, ông Tuấn đề nghị sang năm 2024, một trong những định hướng quan trọng của Quốc hội và Chính phủ là phải làm sao cho DN đỡ khó khăn hơn.

“Tôi không thích từ “tháo gỡ khó khăn”, thay vào đó hãy chuyển sang “tạo thuận lợi” cho DN. Đây là cách tiếp cận tốt hơn. Vai trò sẵn sàng trong việc tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của DN có lẽ là điều cần phải làm ở nhiều cấp.

Dưới khía cạnh DN, trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, đơn hàng giảm, ông Tuấn cho rằng cần giảm chi phí kinh doanh. Hiện tại ở nhiều nơi, nhiều chỗ vấn đề chi phí kinh doanh rất cao, nên những giải pháp để giảm chi phí kinh doanh cần phải phát huy triệt để, cần có gói giải pháp tổng thể cho việc giảm chi phí kinh doanh này.

“Đây là những nhóm giải pháp quan trọng trong năm 2024 cần được đẩy mạnh nhằm sốc lại tinh thần, không khí phát triển ở nhiều địa phương”, ông Tuấn nhấn mạnh và nêu rằng, nếu chính sách tốt nhưng thực thi không tốt thì hiệu ứng chính sách trên thực tế không cao.

sx-3.jpeg
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá kinh tế vĩ mô của Việt Nam rất ổn định, lạm phát tương đối thấp trong khi đó mức độ giảm giá của đồng Việt Nam so với USD cũng tương đối thấp. Việc này sẽ tạo vị thế để các DN xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể yên tâm trong việc hoạch định sản xuất kinh doanh cũng như trong việc tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.

Với các yếu tố trên, theo ông Thịnh, có 2 kịch bản với tăng trưởng GDP trong năm 2024. Ở kịch bản thứ nhất, đó là tăng trưởng GDP không đạt như kỳ vọng và sẽ đạt con số từ 5,5 - 6,5% với các điều kiện chúng ta vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô nhưng giao thương quốc tế vẫn trì trệ, nền kinh tế thế giới tăng trưởng không như mong muốn, lạm phát vẫn cao.

Ở kịch bản thứ 2, đó là khi nền kinh tế thế giới được cải thiện tốt hơn, lạm phát thấp hơn, lãi suất được các quốc gia trên thế giới hạ xuống, nhu cầu giao thương quốc tế tăng lên, khi đó, hoạt động xuất nhập khẩu của sẽ tốt hơn. Cộng với điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam tương đối ổn định, giá trị đồng Việt Nam tiếp tục được giữ vững như hiện nay, các cân đối vĩ mô về nợ vay và các vấn đề khác tốt hơn thì chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng GDP có thể đạt được từ 6,2 - 7% trong năm 2024 này.

Bài liên quan
Doanh nghiệp công nghệ số cần dấn thân vào lĩnh vực công nghệ mới, đổi mới sáng tạo
Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng mỗi doanh nghiệp công nghệ số cần dấn thân vào những lĩnh vực công nghệ tiên phong, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, chủ động tiếp cận công nghệ mới và không ngừng đổi mới sáng tạo…

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để kinh tế tăng tốc năm 2024