Tại diễn đàn thường niên "Kịch bản kinh tế Việt Nam" 2024, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế trung ương nêu hàng loạt vấn đề về kinh tế Việt Nam cần được phân tích, mổ xẻ.
Làm sao kích cầu đầu tư tư nhân?
Chính phủ đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai hoạt động năm 2024. Kết quả cho thấy, GDP năm 2023 tăng 5,05%, lạm phát 3,25% - thấp hơn mục tiêu đề ra.
Song theo ông Nguyễn Đức Hiển, tăng trưởng GDP thời gian qua của nước ta có sự đóng góp rất quan trọng của đầu tư công là chính, trong khi đó đầu tư tư nhân còn rất thấp, chỉ đạt 2,7%, là mức thấp so với giai đoạn từ 2019-2023. So với giai đoạn trước, năm 2019 thấp hơn 6,3 lần, năm 2020 là năm dịch COVID-19 bùng nổ nên giảm thấp hơn 1,1 lần, 2021 là 2,6 lần, 2022 là 3,3 lần.
Từ chuyện này, ông Hiển đặt câu hỏi trong thời gian tới chúng ta cần động lực thúc đẩy đầu tư tư nhân thông qua hoạt động kích cầu đầu tư là vô cùng quan trọng, vậy chính sách sẽ là gì?
Qua việc triển khai báo cáo của các bộ ngành, theo ông Nguyễn Đức Hiển, các cơ chế chính sách đặc biệt cho khu vực kinh tế tư nhân còn rất nhiều rào cản, chính sách chưa đưa vào thực tiễn được. Việc thúc đẩy các cơ chế chính sách nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế là vô cùng quan trọng.
Công nghiệp mất vị trí chủ đạo thúc đẩy tăng trưởng
Theo ông Hiển, ngành công nghiệp mất hoàn toàn vị trí, vai trò là ngành chủ đạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Công nghiệp giai đoạn 2019-2023, kể cả 2 năm khủng hoảng lớn, vẫn có đóng góp giá trị cao, nhưng năm nay công nghiệp mất vai trò động lực.
Câu hỏi đặt ra là những có chế độ chính sách nào để vực dậy lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo quan trọng của Việt Nam. Trong khi đó, đặc điểm của tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực FDI và xuất khẩu đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng, về dài hạn, trong Nghị quyết 29 ban hành năm 2022 của Ban Kinh tế trung ương khóa 13 đã đưa ra định hướng dài hạn trong phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết đặt ra nhiều chương trình, nhiệm vụ như xây dựng, tăng cường năng lực sản xuất, thiết kế, chế tạo của Việt Nam (Make in Vietnam).
“Tuy nhiên, chúng ta cần xem các cơ chế, chính sách này đã làm được những gì, làm đến đâu. Chúng ta cũng đặt ra những mục tiêu về các cơ chế, chính sách thúc đẩy 6 ngành công nghiệp nền tảng, trong đó có công nghiệp bán dẫn, vậy chính sách là gì, triển khai cơ chế chính sách ra sao?”, ông Hiển nói.
Ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng ngành dịch vụ năm nay có sự đóng góp khá vào tăng trưởng kinh tế, đạt mức tăng 6,82% - đóng góp lớn vào giá trị tăng thêm của GDP. Trong đó tính chung cả năm 2023, du lịch Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế. Con số này gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách.
Tuy vậy, số lượng này mới chỉ bằng 70% năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Lúc này, câu hỏi đặt ra là cần cơ chế chính sách gì để tăng giá trị thực sự của ngành dịch vụ, cũng như thúc đẩy các ngành dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, kể cả một số lĩnh vực chúng ta đang có chính sách phục hồi nhưng còn khó khăn, như bất động sản…
“Năm nay chúng ta xuất siêu nhưng một phần do nhập khẩu giảm mạnh, trong khi đó cơ cấu nhập khẩu là các nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ sản xuất trong nước. Nhập khẩu giảm mạnh chứng tỏ nội lực nền kinh tế, các yếu tố đang đặt ra nhiều vấn đề”, ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.
Liên quan tới an sinh việc làm, ông Hiển nêu câu hỏi: Tính cả năm 2023, việc làm được đảm bảo hơn, thu nhập tăng hơn nhưng tại sao bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp một lần lại tăng, chúng ta chi trả trong năm là 1,05 lượt - con số này tăng so với cùng kỳ năm trước. Phải chăng, sự bền vững của việc làm, của các ngành sản xuất là dấu hỏi?
“Chúng tôi thống kê, ở các trung tâm sản xuất công nghiệp, tình trạng thất nghiệp lại lớn, điều này cũng dễ hiểu vì sản xuất công nghiệp suy giảm tại các trung tâm như Quảng Nam, Bắc Ninh…”, ông Nguyễn Đức Hiển đặt vấn đề. Đâu là những vấn đề cần giải quyết trong dài hạn?
Rất nhiều chính sách chưa được thể chế hóa
Cũng theo ông Hiển, năm 2023 kinh tế số, chuyển đổi số đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, quốc tế đánh giá tốc độ tăng của Việt Nam đạt 19% - cao nhất khu vực. Đóng góp của kinh tế số vào GDP cũng tăng, 16,5%.
Tuy vậy, cần xem xét việc thúc đẩy, dịch chuyển chuyển đổi số trong sản xuất thông minh trong lĩnh vực công nghiệp thực chất là gì? Nếu tăng trưởng của kinh tế số vẫn dựa chính chủ yếu là đóng góp giá trị gia tăng từ xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử và mang lại giá trị gia tăng cho Việt Nam không nhiều, thì chúng ta vẫn là gia công.
“4 năm triển khai Nghị quyết 52 rất nhiều chính sách chưa được thể chế hóa, như triển khai các sandbox vẫn còn vướng. Nếu triển khai các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát vẫn dừng lại ở các nghị định không đầu thì sẽ bế tắc trong thời gian tới. Chúng ta mới loay hoay thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt, qua hệ thống thanh toán nhỏ mobile money là chậm tiến…, thực chất vướng ở đâu?”, ông Hiển nêu.
Do vậy, theo ông Hiển, cần có chính sách thực sự, kích cầu đầu tư đặc biệt đầu tư tư nhân, cần nhìn nhận thẳng thắn chính sách cho đầu tư tư nhân và cả khu vực nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước trừ những dự án dầu khi có sự quyết liệt của Chính phủ, còn lại các doanh nghiệp nhà nước không có đầu tư mới, họ bế tắc về chính sách cho thúc đẩy đầu tư của chính mình.
Do đó, những vướng về Luật Ngân sách, Luật 69 cần được tháo gỡ, được chia sẻ. Kể cả đầu tư công cũng cần được đánh giá, nhìn nhận. Ngân hàng Thế giới (WB) đã từng kiến nghị, trong đầu tư công của Việt Nam cần cân nhắc chú trọng đầu tư cho khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, bên cạnh đầu tư cho hạ tầng. Lý do là đầu tư cho hạ tầng công nghệ, giáo dục chưa được bao nhiêu.
Ngoài ra, kích cầu cho tiêu dùng cũng là vấn đề cần bàn thảo, vì chỉ số 9,6% tăng giá bán lẻ rất thấp so với 20% so với năm trước. Đã gần Tết mà chi tiêu mua sắm cũng trầm lắng hơn so với năm trước, trong khi đó tiền gửi tiết kiệm tăng lên 13,5 triệu tỉ đồng… Cần có cơ chế đưa dòng tiền này vào sản xuất, đầu tư để phát triển…