Theo các chuyên gia, tạp chí khoa học hiện đại đóng một vai trò then chốt, hết sức quan trọng trong việc phát triển KH-CN.
Ngày 4.10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp hội VN) tổ chức Hội thảo Giải pháp phát triển mô hình các tạp chí khoa học thuộc hệ thống Liên hiệp hội VN.
Những thách thức lớn
Trong hệ thống Liên hiệp hội VN hiện nay có một cơ quan báo chí trực thuộc trực tiếp Liên hiệp hội, 21 cơ quan báo chí trực thuộc các viện, 47 cơ quan báo chí trực thuộc các hội ngành, tổng cộng là 69 cơ quan báo chí trong hệ thống Liên hiệp hội.
Các tạp chí thuộc Liên hiệp hội thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, nhất là lĩnh vực nhiệm vụ hoạt động của hội chủ quản; thông tin hoạt động thực hiện nhiệm vụ của hội chủ quản và các thành viên của hội chủ quản; phản biện chính sách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động của hội chủ quản.
Đa số các tạp chí thuộc Liên hiệp hội là tạp chí phổ biến kiến thức về lĩnh vực hoạt động của hội chủ quản và các cơ quan chức năng có liên quan. Chuyển hóa kiến thức khoa học thành kiến thức phổ thông, lan tỏa những mô hình hay, cách làm tốt, điển hình tiên tiến trong lĩnh vực hoạt động của tổ chức mình; phê phán thói hư, tật xấu ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội…
Trong bài tham luận gửi tới hội thảo, PGS-TS Nguyễn Tất Viễn - Chủ tịch Hội đồng khoa học Tạp chí Việt Nam hội nhập cho biết, hiện hầu hết các tạp chí khoa học của Liên hiệp hội VN đều thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính. Đây là một khó khăn, thách thức lớn, đòi hỏi năng lực, kinh nghiệm điều hành của người đứng đầu cơ quan tạp chí (Tổng biên tập) để có thể duy trì và phát triển.
Trong bối cảnh đó, thời gian qua, lãnh đạo các tạp chí trong hệ thống đã tích cực đa dạng hóa các hoạt động, tạo thương hiệu, mở rộng đối tượng bạn đọc, tăng nguồn thu cho tòa soạn trên cơ sở pháp luật cho phép.
Theo PGS-TS Nguyễn Tất Viễn, nhìn chung, hoạt động của tạp chí khoa học thuộc Liên hiệp hội VN trong thời gian qua tuân thủ các quy định pháp luật trong quản lý kinh tế báo chí.
Tuy nhiên, vấn đề kinh tế để đảm bảo duy trì hoạt động tạp chí nhằm đáp ứng yêu cầu công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, vẫn là thách thức lớn và không dễ giải quyết đối với các tạp chí khoa học trong hệ thống Liên hiệp hội hiện nay.
Phải bảo đảm tính khoa học, lý luận và nghiệp vụ của tạp chí
Theo PGS-TS Phạm Bích San, Tạp chí Kinh tế nghe nhìn Việt Nam, trên thế giới, tạp chí khoa học hiện đại đóng một vai trò then chốt, hết sức quan trọng trong việc phát triển KH-CN do các tạp chí này công bố các kết quả khoa học mới nhất; khẳng định kết quả lao động và vai trò của cá nhân các nhà khoa học, tập thể khoa học; công nhận bản quyền phát minh.
Mặt khác, PGS-TS Phạm Bích San cũng cho rằng để phát triển tạp chí khoa học theo đúng nghĩa ở Việt Nam, chúng ta cần có một thể chế hiện đại, phù hợp cho nghiên cứu khoa học nhằm đảm bảo tính liêm chính khoa học.
Nhà báo Chu Thái Thành, Phó tổng biên tập Tạp chí Việt Nam Hương sắc cho biết, muốn có nội dung tốt, phải có phóng viên giỏi; phải bảo đảm tính khoa học, lý luận và nghiệp vụ của tạp chí; tích cực đi thực tế, nghiên cứu, tổng kết các vấn đề từ thực tế…
Ngoài ra, lãnh đạo của một số tạp chí thuộc hệ thống Liên hiệp hội VN nhận thấy rằng để tạo sự phát triển của các tạp chí thuộc Liên hiệp hội, các cơ quan trực thuộc cần xây dựng cơ chế phối hợp với những các cơ quan chức năng để có thể là một đầu mối trong triển khai truyền thông chính sách, làm cầu nối cho các tạp chí của hội thành viên với nhiều bộ ngành, địa phương.
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, các đơn vị tạp chí cần sáng tạo hơn trong thực hiện tôn chỉ mục đích, nhất là việc chuyển hóa thực tiễn thành những bài viết, chuyên đề mang tính tổng kết với kiến nghị, đề xuất giải pháp khoa học.
Cần có nhiều hơn những bài viết phân tích, phản biện khách quan trên cơ sở lĩnh vực khoa học của hội chủ quản và tôn chỉ mục đích, nhiệm vụ được giao…
Theo đại diện Cục Báo chí (Bộ TT-TT), trong thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục nghiên cứu, xin ý kiến các bộ ngành, các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) bảo đảm phù hợp với mục tiêu và yêu cầu của thực tiễn, khắc phục vướng mắc, bất cập, thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực báo chí.