Tối 30.11, Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 đã chính thức khai mạc tại quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Dự lễ khai mạc có ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; ôngTô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư; đại diện đại sứ quán, lãnh sự quán các nước LB Nga, Hàn Quốc, Campuchia; các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước; lãnh đạo các tỉnh trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên về dự và chia vui.
Sứ mệnh gìn giữ di sản quý giá của nhân loại
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước gửi gắm sứ mệnh gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng cho cộng đồng các dân tộc và đồng bào Tây Nguyên.
Thủ tướng cho rằng, Tây Nguyên là vùng đất đầy nắng và gió với những con người mộc mạc, chất pháccùng sinh sống, tạo nên cộng đồng với nền văn hóa đặc sắc, độc đáo.
Trong đó, Gia Lai là vùng đất cổ xưa, lưu giữ nền văn hóa truyền thống, đặc trưng với địa danh lịch sử và kho tàng sử thi hùng tráng vô giá. Cùng với thời gian, tiếng cồng, tiếng chiêng luôn vang vọng trong lòng đồng bào các dân tộc anh em trên dãy Trường Sơn, vượt qua khỏi biên giới quốc gia, là gia tài quý báu trong kho tàng văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa nhân loại.
Lễ hội Festival cồng chiêng lần này là sự tôn vinh những giá trị độc đáo và sức sống mạnh mẽ, trường tồn của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Hiện tại, vùng đất Tây Nguyên đang còn lưu giữ hơn 10.000 bộ cồng chiêng.
Nói về tầm nhìn một Tây Nguyên mới, Thủ tướng xác định Tây Nguyên phải là một biểu tượng nổi bật của du lịch Việt Nam mang đậm sắc thái huyền thoại của di sản Châu Á thế kỷ 21. Phải làm sao để Tây Nguyên, Gia Lai luôn là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư và du khách gần xa.
“Tôi tin tưởng rằng du lịch văn hóa, du lịch di sản là một thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên để phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, tạo dựng cuộc sống tốt đẹp ngày càng giàu có cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.”
Tham dự lễ khai mạc, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho rằng những sự kiện văn hóa đặc sắc như Festival cồng chiêng rất cần được quảng bá nhân rộng hơn nữa bởi đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực để đưa văn hóa Tây Nguyên đến gần hơn với nhân dân cả nước.
“Thông qua Festival du khách sẽ cảm nhận được những nét văn hóa bản địa độc đáo, đời sống tinh thần đa dạng, phong phú của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, và đó chính là nền tảng quan trọng để tạo nên sức hút cho du lịch Tây Nguyên trong thời gian sắp tới.”
Đồng hành cùng Festival văn hóa cồng chiêng 2018, Tập đoàn FLC mong muốn chung tay góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của không gian văn hóa cồng chiêng, qua đó thu hút thêm nhiều du khách trong và ngoài nước đến Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên.
Tạo nền tảng phát triển du lịch
Nhân dịp tham dự lễ khai mạc Festival cồng chiêng, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC nhận định Gia Lai những năm gần đây là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và toàn diện nhất Tây Nguyên.
Là tỉnh có diện tích lớn nhất khu vực và lớn thứ hai cả nước, bên cạnh nền văn hóa giàu bản sắc, Gia Lai sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên đa dạng với rừng nguyên sinh, hệ thống các thác nước, hồ tự nhiên, nhiều di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng cùng khí hậu mát mẻ quanh năm. Đây là những yếu tố quan trọng để Gia Lai có thể trở thành một thị trường du lịch tiềm năng của khu vực Tây Nguyên.
“Đó chính là lý do Tập đoàn FLC quyết định lựa chọn Gia Lai là điểm đến đầu tiên trong các tỉnh Tây Nguyên để đầu tư dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn, bao gồm hệ thống sân golf, khu vui chơi giải trí, chuỗi khách sạn, resort. FLC kỳ vọng với sự đầu tư bài bản, quy mô, đồng bộ, dự án FLC Gia Lai chắc chắn sẽ là một điểm đến mới hấp dẫn đáp ứng nhu cầu du lịch của du khách trong nước, quốc tế, phát huy hiệu quả tiềm năng của địa phương, tạo nền tảng phát triển cho du lịch Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung”, bà Hương Trần Kiều Dung khẳng định.
Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 đã diễn ra từ ngày 30.11 – 2.12, bao gồm các hoạt động chính như: Lễ hội đường phố; phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống; trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm; sinh hoạt văn nghệ dân gian.
Không chỉ là hoạt động nhằm gìn giữ, tôn vinh giá trị của văn hóa cồng chiêng, Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 còn là dịp kết nối, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em, là điều kiện để du khách và các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Gia Lai, Tây Nguyên.
D.T