Chưa đến 10 phút, toàn bộ hạm đội tàu sân bay Mỹ với hơn 20.000 quân bị Iran tiêu diệt sau một đòn tấn công phủ đầu, đó là những gì đã xảy ra trong cuộc tập trận Thách thức Thiên niên kỷ 2002 do Mỹ thực hiện.

Tập trận giả lập: Mỹ thiệt hại nặng nề nếu để Iran đánh phủ đầu

26/06/2019, 20:12

Chưa đến 10 phút, toàn bộ hạm đội tàu sân bay Mỹ với hơn 20.000 quân bị Iran tiêu diệt sau một đòn tấn công phủ đầu, đó là những gì đã xảy ra trong cuộc tập trận Thách thức Thiên niên kỷ 2002 do Mỹ thực hiện.

Mô hình tàu sân bay Mỹ bị tên lửa Iran tiêu diệt trong một cuộc tập trận của Iran - Ảnh: Internet

Kịch bản chiến tranh tồi tệ cho Mỹ

Năm 2002, quân đội Mỹ từng thực hiện cuộc tập trận đắt đỏ nhất mang tên Thách thức Thiên niên kỷ 2002. Để chuẩn bị cuộc tập trận với 13.500 quân, chi phí lên tới 250 triệu USD này, Bộ Tư lệnh Lực lượng Liên hợp Mỹ đã phải mất đến 2 năm và kết quả là thất bại nặng nề cho quân đội Mỹ.

Năm đó, quân đội Mỹ lên kế hoạch tập trận Thách thức Thiên niên kỷ 2002 với hàng loạt vũ khí "không tưởng" mà hiện vẫn không được biên chế như pháo điện từ, pháo laser... Cuộc tập trận này được lên kế hoạch nhằm để tấn công một kẻ thù ở Trung Đông vào năm 2007, với tất cả các đặc điểm được thống kê phù hợp với Iran.

Cuộc tập trận được thiết kế với kết quả được định sẵn là quân đội Mỹ sẽ nhanh chóng chiến thắng, đè bẹp kẻ thù với ưu thế sức mạnh quân sự cũng như công nghệ quân sự vượt trội hơn đối phương. Kết quả của cuộc tập trận khi đó được báo cáo với truyền thông là một "thành công" tuyệt vời.

Tuy nhiên, các quan chức tại Bộ Quốc phòng Mỹ đã "sai lầm" khi mời Tướng về hưu Van Riper làm chỉ huy "đội đỏ" với lời hứa là cho ông tự do chỉ huy lực lượng đối địch với Mỹ. Viên tướng người Mỹ với 41 năm binh nghiệp đã đưa ra kế hoạch tác chiến làm "phá hủy" hoàn toàn kịch bản của quân đội nước này. Thiệt hại nặng đến nỗi, nếu để cho Van Riper chỉ huy tự do, cuộc tập trận kéo dài hơn nửa tháng theo kế hoạch phải hủy chỉ trong 2 ngày vì "đội xanh" là quân đội Mỹ mất toàn bộ số quân của mình.

Kết quả là lệnh được ban ra, Van Riper bị "trói chân trói tay" buộc phải chỉ huy "đội đỏ" theo kịch bản mà chắc chắn quân "đội xanh" sẽ chiến thắng. Tức giận trước những lệnh o ép của chỉ huy cuộc tập trận, chỉ sau 6 ngày chỉ huy "đội đỏ" ông Van Riper xin từ chức và lui về làm cố vấn cho cuộc tập trận này.

Báo cáo sự thật về cuộc tập trận này phải mất 10 năm sau mới được quân đội Mỹ giải mật, và như chúng ta đã biết là không có bất kỳ một sự xâm lược nào của Mỹ vào năm 2007 vào "một kẻ thù ở Trung Đông" như đã định.

Công nghệ không thể thắng được trực giác của con người và nghiên cứu về bản chất cơ bản của chiến tranh

Trung tướng Paul Van Riper - Ảnh: Internet

Năm 2017, hồi tưởng lại cuộc chiến giả định vào năm 2002, ông Riper nói rằng các chỉ huy quân đội Mỹ khi đó đã quá dựa vào công nghệ và thất bại của họ là vì "Công nghệ không thể thắng được trực giác của con người và nghiên cứu về bản chất cơ bản của chiến tranh".

Kể với nhà báo Malcolm Gladwell, ông Riper khẳng định rằng chỉ huy "đội xanh" đã mắc kẹt trong chính tư tưởng của mình. Khi đó, chỉ huy "đội xanh" đã quá phụ thuộc vào công nghệ vượt trội của họ gồm ma trận thông minh tiên tiến và Đánh giá mạng hoạt động cho họ biết các lỗ hổng "đội đỏ" là gì, và chỉ huy của "đội đỏ" có khả năng làm gì tiếp theo trong một loạt các tình huống có thể xảy ra.

Những chỉ huy "đội xanh" đã hy vọng rằng chỉ huy của địch sẽ dùng điện thoại vệ tinh và điện thoại di động (vốn dễ nghe lén) để ra lệnh khi mà cáp quang cũng như mạng lưới truyền thông của họ bị tên lửa hành trình Mỹ tiêu diệt phủ đầu.

Thay vào đó, vị chỉ huy nhiều kinh nghiệm tác chiến của "đội đỏ" sử dụng các phương pháp truyền tin bảo mật như thư chuyển bằng đường bộ, mật mã chiếu sáng, thông điệp ẩn giấu trong các bài cầu nguyện...

"Tôi đánh phủ đầu. Mọi chuyện khá đơn giản, chúng tôi đã tính toán về số lượng tên lửa hành trình mà tàu chiến của họ có thể đánh chặn được, chúng tôi chỉ việc bắn số tên lửa nhiều hơn mức họ có thể phòng thủ", ông Riper nói trong sách Blink: Sức mạnh của suy nghĩ mà không cần suy nghĩ của nhà báo Malcolm Gladwell được xuất bản hồi năm 2005.

Ông Riper cho rằng các tướng lĩnh thuộc "đội xanh" đã sử dụng các phân tích chiến lược với tốc độ quá lâu vì phụ thuộc vào công nghệ. Trong khi đó, kế hoạch "kháng chiến" của ông đơn giản là gồm những điều khiến cho quân của mình đưa ra quyết định tốt bằng cách sử dụng nhận thức nhanh và truyền thông tương tự nhưng đáng tin cậy.

Khi đó, các chỉ huy "đội xanh" đã phàn nàn rằng chỉ huy "đội đỏ" sẽ không bao giờ sử dụng chiến thuật mà ông Riper đã sử dụng - ngoại trừ đội tàu cao tốc liều chết vốn đã được dùng để đánh USS Cole hồi năm 2000.

"Và tôi đã nói không ai có thể nghĩ rằng ai đó sẽ lái máy bay đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới ", ông Riper trả lời những phàn nàn từ "đội xanh". "Nhưng không ai (trong cuộc tập trận) có vẻ lắng nghe".

Ngay sau cuộc tập trận, ông Riper đã viết một bài phê bình dài 21 trang, báo cáo này khi đó ngay lập tức bị đóng dấu "tuyệt mật".

"Không có gì được học từ điều này (những cuộc tập trận với kết quả được định sẵn). Một nền văn hóa không sẵn sàng nghĩ đến khó khăn và thử thách bản thân sẽ không mang lại kết quả tốt cho tương lai", ông nói với tờ Guardian năm 2002 về cuộc tập trận Thách thức Thiên niên kỷ 2002.

Diễn biến cuộc tập trận giả lập 2002

Năm xxxx, căng thẳng giữa Mỹ và Iran lên cao độ. Chính quyền Mỹ quyết định đưa ra tối hậu thư với 8 điểm, trong đó yêu cầu quân đội Iran đầu hàng vô điều kiện.

Vị tướng thống lĩnh quân đội Iran khi đó là Trung tướng Paul Van Riper đã đưa ra quyết định của mình, ông không thể đầu hàng vì đất nước ông không muốn thế. Ông nhận biết rõ ràng rằng học thuyết chiến tranh của quân đội Mỹ sẽ khiến nước này đưa quân đến phủ đầu lực lượng của mình chỉ trong vài ngày. Ngay lập tức quyết định được đưa ra, lực lượng của ông ở chế độ sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất.

Quân đội Mỹ đã cử một hạm đội tàu sân bay với 19 tàu chiến các loại ngay lập tức áp sát lãnh hải Iran tại vịnh Ba Tư.

Ngay khi những chiếc tàu chiến Mỹ vừa vào đến vùng tác chiến, Tướng Riper đưa ra lệnh tấn công hạm đội này bằng toàn lực. Hàng trăm tên lửa hành trình được phóng ra từ các bệ phóng di động, máy bay chiến đấu bay tầm thấp nhắm thẳng vào hạm đội Mỹ.

Khi đối phương chưa hết bàng hoàng, lực lượng tàu cao tốc liều chết của Iran cũng xung phong đâm thẳng vào phần còn lại của hạm đội Mỹ.

Kết quả, chỉ chưa đầy 10 phút, cuộc chiến đã được định đoạt. Hệ thống radar Aegis của nhóm tàu sân bay - theo dõi và cố gắng đánh chặn các tên lửa đang tấn công - đã nhanh chóng bị áp đảo và 19 tàu Mỹ bị đánh chìm, gồm tàu sân bay, một số tàu tuần dương và năm tàu đổ bộ. Số thương vong của Mỹ ước tính trong vụ tấn công này là 20.000 quân.

Thủy quân lục chiến Mỹ nhanh chóng triển khai hàng đoàn máy bay chở quân V-22 Osprey hướng thẳng đến Iran. Tuy nhiên, phía bên kia chiến tuyến, vị chỉ huy quân đội Iran không hề lo sợ khi những chiếc máy bay Mỹ di chuyển với tốc độ quá chậm, lại có mức phản xạ radar cao mà đến những loại radar thế hệ cũ vẫn dễ dàng bắt được.

Kết quả đã định, hàng loạt máy bay Mỹ bị loại khỏi vòng chiến, dù một số vẫn vượt qua được lưới lửa phòng không của Iran. Tuy nhiên, chờ đợi họ trên thực địa là lực lượng bộ binh sẵn sàng tấn công phủ đầu, thậm chí là dùng vũ khí hóa học nếu cần.

Cuộc xâm lượcc Iran của Mỹ năm xxxx nhanh chóng kết thúc với thất bại nặng nề thuộc về quân lực Mỹ.

Thiên Hà (theo War On The Rock, We Are The Mighty)

Bài liên quan
Mỹ ngăn các công ty cung cấp linh kiện vũ khí, sợ bị chuyển tới Nga
Hãng Reuters dẫn lời Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Matthew Axelrod cho biết Mỹ yêu cầu các công ty nước này ngừng cung cấp hàng hóa cho hơn 600 thực thể nước ngoài vì lo ngại hàng bị chuyển đến Nga để phục vụ chiến tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tập trận giả lập: Mỹ thiệt hại nặng nề nếu để Iran đánh phủ đầu