Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chưa muốn thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường vào tháng 1.2024, còn các ý kiến từ Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại thể hiện sẽ quyết tâm hoàn thiện luật để thông qua.
Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn “bộn bề”
Trước đề xuất thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường vào giữa tháng 1.2024, Ủy ban Kinh tế vẫn lo rằng việc trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào tháng 1.2024 “tiềm ẩn nhiều rủi ro”. Tuy vậy, nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần tích cực chuẩn bị để có thể thông qua luật tại kỳ họp này.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết dự kiến kỳ họp bất thường lần thứ 5 sẽ họp 3 ngày, khai mạc ngày 15.1.2024, bế mạc chiều 19.1.2024 và chia làm 2 đợt.
Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế cho rằng mặc dù các cơ quan đã liên tục làm việc, nỗ lực tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành việc rà soát toàn bộ dự thảo luật. Thực tế cho thấy việc rà soát rất mất thời gian và phát sinh thêm các nội dung cần làm rõ, hoàn thiện để bảo đảm không xảy ra vướng mắc trong quá trình triển khai trên thực tiễn.
Theo Ủy ban Kinh tế, từ nay đến hết tháng 12 thời gian không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc còn rất lớn, vì vậy việc trình Quốc hội xem xét, thông qua vào tháng 1.2024 tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó bảo đảm chất lượng tốt nhất của dự thảo luật. Do vậy Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án này tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5.2024).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các phó thủ tướng đều rất quyết tâm trong công tác chỉ đạo, chuẩn bị những nội dung dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường.
Theo đó, Thủ tướng đã ký văn bản phân công cho các phó thủ tướng và các bộ trưởng để chuẩn bị tập trung cao độ vào những nội dung dự kiến trình, đặc biệt là 2 dự án luật rất khó: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây đều là những dự luật có phạm vi và đối tượng điều chỉnh rất rộng, liên quan đến tất cả các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình.
Vừa qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp chỉ đạo các nội dung liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã trực tiếp chỉ đạo các nội dung liên quan đến dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
“Với quyết tâm cao nhất là chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường thứ 5, Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ đang nỗ lực, triển khai rất tích cực trong công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu theo đúng quy định…”, ông Sơn nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ 4 nội dung dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua đều rất cấp bách. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng rất quyết tâm và đang hoàn thành những phần việc cuối cùng để chuyển sang các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Ngoài 4 nội dung đã xác định nêu trên sẽ không bổ sung nội dung khác trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp bất thường để bảo đảm chất lượng.
Nên thông qua khi luật đã “chín”
Nói với Một Thế Giới, luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên NHQuang và cộng sự, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng nếu sửa luật chỉ ở tầm kỹ thuật, tức lựa chọn các giải pháp thực tế để xử lý ngay và trước mắt các vướng mắc phát sinh (giải pháp tình thế) thì có thể thỏa hiệp để thông qua, dù trong kỳ họp này hay kỳ họp sau. Các vấn đề lớn và cơ bản sẽ được để lại cho nghiên cứu tiếp và sửa luật khi chín muồi.
“Còn nếu hy vọng sửa đổi cơ bản ở những vấn đề then chốt, cũng là vấn đề nóng vì đã tích tụ qua nhiều năm và gây nên các hậu quả nghiêm trọng thì không nên câu nệ thời gian trong việc thông qua”, ông Lập nói và cho rằng cần công khai rõ ràng cả về quyết sách, thời gian và lộ trình thông qua.
Theo ông Lập, khi đề ra các giải pháp chính sách thì cách tiếp cận vấn đề nên là sử dụng lý luận để soi sáng thực tiễn mà không chỉ xuất phát từ các nhu cầu bức xúc hay đòi hỏi trực tiếp của từ các nhóm xã hội có liên quan dựa trên lợi ích cụ thể của họ.
“Nói điều này tôi hàm ý một xuất phát điểm quan trọng, đó là khi quyết sách liên quan đến đất, cần có sự phân định rành mạch giữa hai vị thế và chức năng của Nhà nước, đó là chủ thể quyền lực công và chủ sở hữu đại diện về đất. Sự tài tình sẽ ở chỗ trong cả hai tình huống khi nào cần tách bạch để tránh xung đột lợi ích và khi nào có sự phối kết hợp để hài hòa các lợi ích với nhau”, ông Lập nêu.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng Luật Đất đai đóng vai trò định hướng sự phát triển của thị trường nên việc chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) chắc chắn có ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Tuy vậy, luật chỉ nên thông qua khi đã được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, giải quyết đúng những vấn đề mà xã hội và thị trường cần.
“Dù Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua chậm ngày nào thị trường địa ốc sẽ khó khăn thêm ngày đó nhưng không vì thế mà làm vội”, ông Võ nêu.
Trong báo cáo trước đó, Chứng khoán Vietcap (VCSC) cho rằng việc hoãn thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có tác động tiêu cực đến các chủ đầu tư có những dự án tồn đọng vì sẽ tiếp tục kéo dài thêm thời gian giải quyết và triển khai các dự án mới.
Tuy nhiên theo quan điểm của VCSC, mức độ ảnh hưởng cũng sẽ phụ thuộc vào tình trạng pháp lý cụ thể của từng dự án, do VCSC quan sát thấy hầu hết các thủ tục bất động sản đều phức tạp và liên quan đến nhiều bên.
Theo trao đổi của VCSC với một số chủ đầu tư có bề dày thành tích phát triển dự án, ý kiến chung vẫn đang là chưa có đánh giá thêm các tác động cho đến khi thông qua luật mới hoặc cho rằng luật mới sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch phát triển của chủ đầu tư. Họ cũng đề cập việc trì hoãn để có một phiên bản luật phù hợp hơn với thực tế có thể sẽ có lợi hơn so với việc phê duyệt phiên bản hiện tại với nhiều hạn chế.