Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu khẩn trương tiếp nhận vắc xin và chỉ đạo thực hiện tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; tập trung nghiên cứu, tham mưu việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi thứ 4.

Tập trung nghiên cứu, tham mưu tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4

Lam Thanh | 14/03/2022, 05:46

Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu khẩn trương tiếp nhận vắc xin và chỉ đạo thực hiện tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; tập trung nghiên cứu, tham mưu việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi thứ 4.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2022.

Nghị quyết nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 2 tháng đầu năm vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn rủi ro, trong đó có ảnh hưởng của xung đột chính trị, quân sự trên thế giới.

Ngoài ra, dịch COVID-19 vẫn đang lây lan nhanh; công tác triển khai thực hiện phòng, chống dịch tại một số địa phương vẫn là khâu yếu; năng lực y tế cơ sở, trang thiết bị y tế chưa đáp ứng yêu cầu; còn tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; một bộ phận lao động phải nghỉ việc để cách ly y tế, gây ra thiếu hụt lao động tạm thời; chi phí đầu vào cho sản xuất tăng, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt cục bộ xăng dầu trong nước.

cv-4.png
Chính phủ yêu cầu tập trung nghiên cứu, tham mưu tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4

Dự báo thời gian tới, tình hình chính trị thế giới tiếp tục biến động phức tạp, nhất là căng thẳng chính trị giữa các nước lớn, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine; sự phục hồi kinh tế tại các quốc gia còn thiếu ổn định, không đồng đều, giá dầu thô và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác có xu hướng tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, logistics…

Ở trong nước, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp; chậm phục hồi kinh tế có thể xảy ra nếu không quyết liệt, tập trung thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội; rủi ro lạm phát, nợ xấu gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.

Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trong đó tuân thủ nghiêm yêu cầu 5K đối với cá nhân, yêu cầu an toàn COVID-19 đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị và các biện pháp phòng dịch khác; hạn chế tối đa các trường hợp tụ tập đông người không cần thiết, nhất là trong các hoạt động lễ hội. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa chiến dịch tiêm chủng vắc xin thần tốc mùa xuân năm 2022; rà soát, xử lý nguyên nhân đạt tỷ lệ tiêm thấp, nhất là đối với các địa phương chưa hoàn thành tiêm mũi 2 như mục tiêu đã đề ra; hạn chế tối đa số ca chuyển nặng, tử vong do COVID-19.

Nghị quyết cũng yêu cầu thực hiện việc mở cửa trường học gắn với bảo đảm an toàn phòng chống dịch; kiểm soát và xử lý kịp thời các ca nhiễm, giữ mức độ an toàn cao nhất cho học sinh, giáo viên; tổ chức triển khai các hoạt động du lịch bảo đảm an toàn, hiệu quả, thuận lợi cho khách du lịch.

Bộ Y tế được giao nhiệm vụ hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30.12.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 3 năm 2022.

Đồng thời khẩn trương tiếp nhận vắc xin và chỉ đạo thực hiện tiêm cho trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi; tập trung nghiên cứu, tham mưu việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi thứ 4, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.

Song song với đó, đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, từ đó có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu. Trường hợp cần tiếp tục thực hiện thống kê ca nhiễm thì phải rà soát trình tự, thủ tục để bảo đảm đơn giản, dễ thực hiện, hạn chế tiếp xúc trực tiếp và tính chính xác của số liệu. Tiếp tục cập nhật, hoàn thiện hơn nữa quy trình chăm sóc F0 tại nhà.

Nghị quyết cũng yêu cầu thúc đẩy việc cấp phép lưu hành, hướng dẫn sử dụng các loại thuốc điều trị, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm chủ động về thuốc điều trị; nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ điều trị COVID-19; kịp thời tháo gỡ ngay các vướng mắc, bất cập trong quy định về thủ tục kê đơn, bán thuốc điều trị COVID-19 để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thuốc.

“Kiểm soát chặt chẽ giá xét nghiệm, giá kit xét nghiệm, giá các loại thuốc điều trị, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 theo đúng quy định, không để xảy ra tình trạng tăng giá, đầu cơ, trục lợi, mất kiểm soát, tiêu cực; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, tàng trữ, buôn bán thuốc điều trị, kit xét nghiệm COVID-19 giả, thuốc nhập lậu, vi phạm về nguồn gốc xuất xứ...”, Nghị quyết nêu.

Chính phủ cũng yêu cầu khẩn trương xây dựng kịch bản ứng phó dịch bệnh; rà soát, kịp thời hỗ trợ, chi viện cho các địa phương có số ca nặng tăng nhanh; cập nhật, hoàn chỉnh các biện pháp về y tế đối với người bệnh sau điều trị COVID-19; hướng dẫn việc xét nghiệm, cách ly, theo dõi sức khoẻ trẻ em, học sinh (chú ý các em có bệnh nền, có vấn đề về sức khoẻ khi nhiễm bệnh)…

Đồng thời, tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, chế độ đặc thù, ưu đãi đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, nhân viên y tế; xử lý bất cập liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, quản lý giá về khám chữa bệnh, thuốc, sinh phẩm; sửa đổi ngay các quy định, yêu cầu đối với khách du lịch nhập cảnh cho phù hợp với tình hình mới…

Bài liên quan
Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động lấn biển
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP ngày 16.4.2024 quy định về hoạt động lấn biển.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tập trung nghiên cứu, tham mưu tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4