Trung Quốc tự hào ra mắt tàu sân bay thứ 2 mang tên Sơn Đông nhưng nhanh chóng bị giới chuyên gia phương Tây David Axe mỉa mai là hổ giấy. Trên National Interest, Axe đã phân tích những điểm yếu cốt tử trong hệ thống vận hành máy bay chiến đấu của tàu Sơn Đông.
Vào ngày 17.12.2019, hải quân Trung Quốc đã chính thức trình làng tàu sân bay thứ hai mang tên Sơn Đông. Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình đã chủ trì buổi lễ vận hành ra mắt tàu Sơn Đông tại căn cứ hải quân Tam Á, trên đảo Hải Nam.
Với việc tàu Sơn Đông chính thức đi vào hoạt động, hạm đội Trung Quốc đã trở thành cường quốc tàu sân bay lớn thứ hai trên thế giới có khả năng vận hành máy bay phản lực trên biển, chỉ kém hải quân Mỹ. Tuy nhiên, khoảng cách giữa cường quốc số 1 – Mỹ và cường quốc số 2 – Trung quốc vẫn xa vời vợi. Mỹ hiện sở hữu 20 tàu sân bay có khả năng phóng và thu hồi máy bay. Vấn đề tạo khoảng cách lớn giữa hai nền hải quân không chỉ ở số lượng mà còn ở cả chất lượng.
Tàu Sơn Đông là một bản sao được cải tiến phần nào từ tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc Liêu Ninh mà bản thân Liêu Ninh vốn là một tàu cũ của Ukraine đã được tân trang lại từ cuối những năm 1980. Có chăng Sơn Đông tự hào hơn so với Liêu Ninh với sức chứa máy bay lớn hơn: 36 chiếc phản lực so với 24 chiếc của tàu Liêu Ninh.
Nhưng dù lớn hơn Liêu Ninh một chút, Sơn Đông vẫn phải chịu những hạn chế như chiếc tàu sân bay anh em và có thể ngăn Sơn Đông không bao giờ đóng vai trò có ý nghĩa trong một cuộc xung đột lớn.
Tất cả bắt nguồn từ một vài thực tế đơn giản. Trung Quốc chỉ vận hành được 1 loại máy bay chiến đấu có khả năng cất cánh từ tàu sân bay, J-15. Là bản sao của Su-33 Liên Xô, J-15 rất nặng. Trên thực tế, với 19 tấn chưa tải, nó là chiếc máy bay phản lực nặng nhất hiện được đưa lên tàu sân bay. Để so sánh thì cần biết máy bay chiến đấu F / A-18E / F Super Hornet của Hải quân Mỹ chỉ nặng 16 tấn rỗng.
Trọng lượng của J-15 có thể không phải là vấn đề lớn nếu các tàu sân bay Trung Quốc có máy phóng như các tàu sân bay Mỹ đang sử dụng. Nhưng Trung Quốc không có công nghệ đó. Thay vào đó, cả Liêu Ninh và Sơn Đông đều phóng máy bay thông qua một đoạn đường băng cong hình cánh cung để tạo góc cho máy bay cất cánh. Phương pháp dùng dốc tạo ra ít năng lượng hơn nhiều so với máy phóng có thể làm được, điều này đồng nghĩa là các máy bay từ tàu sân bay Trung Quốc phải hạn chế trọng lượng tải của chúng.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, D.C. ước tính trọng lượng cất cánh tối đa của J-15 từ tàu sân bay là khoảng 31 tấn. Con số này quá khiêm tốn nếu biết các siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ được trang bị máy phóng có thể phóng các máy bay nặng tới 50 tấn.
Với trọng lượng 31 tấn, J-15 chỉ có thể mang theo nhiên liệu và vũ khí tối thiểu. Thật vậy, không có hình ảnh hoặc video công khai nào về hoạt động của các tàu sân bay Trung Quốc mô tả được những chiếc J-15 được phóng đi có nhiều hơn một vài tên lửa không đối không loại nhỏ. Trên thực tế, những chiếc J-15 chỉ có thể chở một lượng vũ khí nhỏ dùng cho chiến đấu.
Tiếp nhiên liệu trên không phần nào có thể giảm thiểu giới hạn trọng lượng đó. Tuy nhiên, thực tế điều này vẫn khó thực hiện và khả năng tiếp nhiên liệu của [hải quân Trung Quốc] vẫn chưa được phát triển đầy đủ, CSIS giải thích.
Các quan chức Trung Quốc nhận thức rõ về hạn chế của J-15. Trọng lượng của nó là một trong những lý do chính khiến giới quân sự đã thúc đẩy việc đưa vào sử dụng hệ thống phóng máy bay điện từ - chứ không phải máy phóng chạy bằng hơi nước - trên tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc, hiện đang trong quá trình sản xuất, theo South Morning Post.
Nhưng ngay cả khi được phóng qua máy phóng, J-15 cũng chưa chứng minh được điều gì - đặc biệt nếu máy phóng này chạy bằng hơi nước. “Nếu Trung Quốc khăng khăng sử dụng máy phóng chạy bằng hơi nước để phóng J-15, thì có vẻ như buộc một đứa trẻ mới biết đi phải chạy thi với Liu Xiang (VĐV chạy vượt rào huyền thoại của Trung Quốc) và tia chớp Usain Bolt”, một chuyên gia giấu tên nói trên South China Morning Post.
Trung Quốc vẫn đang nghiên cứu các máy phóng điện từ hiệu quả hơn. Hải quân Trung Quốc cho biết có kế hoạch lắp đặt các bệ phóng điện từ trên tàu sân bay thứ 3 của nước này, có thể đưa vào hoạt động vào giữa thập niên tới. Bắc Kinh chỉ đặt mục tiêu sở hữu 4 tàu sân bay bao gồm Liêu Ninh và Sơn Đông.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2017 với Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, đô đốc hải quân Trung Quốc Yin Zhuo, một nhà nghiên cứu cao cấp tại trung tâm nghiên cứu hải quân, cho biết Trung Quốc đã thực hiện hàng trăm thử nghiệm trên đất liền với máy phóng và máy bay J-15 thế hệ mới. Nhưng máy phóng điện từ là một công nghệ mới và ngay cả người Mỹ cũng gặp khó khi chế tạo. Cho đến giờ, vẫn không rõ liệu Trung Quốc có sẵn sàng trang bị máy phóng kịp cho tàu sân bay thứ ba hay không.
Trong viễn cảnh tốt nhất, hạm đội tàu sân bay tương lai của Trung Quốc với 4 tàu sẽ bao gồm tối đa 2 tàu có khả năng phóng J-15 với đầy đủ vũ khí và nhiên liệu. Hai tàu sân bay khác sẽ tiếp tục phóng các máy bay chiến đấu theo công nghệ đường dốc nên không có khả năng chuyên chở đủ vũ khí và nhiên liệu mà chúng cần để thực sự tham gia vào một trận chiến trên không.
Anh Tú (dịch)