Ngoại trưởng Malaysia đã nói thẳng: việc Bắc Kinh lập bản đồ tự vẽ “đường lưỡi bò 9 đoạn” để tuyên bố sở hữu hầu như toàn bộ Biển Đông là quá lố bịch, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 29.12.

Malaysia: ‘Tuyên bố chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc quá lố bịch’

29/12/2019, 14:00

Ngoại trưởng Malaysia đã nói thẳng: việc Bắc Kinh lập bản đồ tự vẽ “đường lưỡi bò 9 đoạn” để tuyên bố sở hữu hầu như toàn bộ Biển Đông là quá lố bịch, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 29.12.

Tàu sân bay Trung Quốc tập trận ở Biển Đông - Ảnh: Reuters

Trước đó vào ngày 12.12.2019, Malaysia đã đề nghị Ủy ban Ranh giới thềm lục địa LHQ (CLCS) xét duyệt yêu cầu của Malaysia là mở rộng ranh giới thềm lục địa qua khỏi Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ, khu vực mà một quốc gia ven biển có đặc quyền khai thác kinh tế đối với biển và đáy biển).

Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) quy định nếu thềm lục địa của một quốc gia ven biển kéo dài ra xa hơn 200 hải lý, thì nước này có đặc quyền khai thác tài nguyên dưới đáy biển trong một vùng bên ngoài 200 hải lý, gọi là thềm lục địa mở rộng (ECS).

Malaysia muốn khẳng định chủ quyền

Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah nói hôm 20.12: “Vì Trung Quốc tuyên bố toàn bộ Biển Đông, tôi nghĩ tuyên bố như thế là lố bịch”. Khi bào chữa cho đơn đăng ký ECS của Malaysia, ông nói nó nhằm để Malaysia khẳng định chủ quyền trên toàn bộ thềm lục địa và các tài nguyên bên dưới gồm các mỏ dầu khí có thể có trong khu vực này: “Đó là một tuyên bố chủ quyền mà chúng tôi sẽ bảo vệ. Nhưng dĩ nhiên là bất kỳ ai cũng có thể thách thức và tranh cãi, điều không hề bất thường”.

Nhưng đó là một động thái khiến Trung Quốc xét là “khiêu khích”. Bắc Kinh đòi CLCS không duyệt đơn đăng ký ECS của Malaysia, và cáo buộc quốc gia Đông Nam Á này vi phạm luật pháp quốc tế và “xâm phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ” của Trung Quốc.

Theo SCMP, ngoại giao đoàn Trung Quốc ở LHQ đã gởi văn bản đến Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, phản đối đơn đăng ký ECS của Malaysia trình CLCS, với nội dung “Chính phủ Trung Quốc nghiêm túc đề nghị Ủy ban không xét đơn của Malaysia. Trung Quốc có vùng biển nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp ở khu vực Nam Hải Chư Đảo. Trung Quốc có một vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trung Quốc có chủ quyền lịch sử ở Nam Hải”, theo cách Trung Quốc gọi Biển Đông.

Ngày 16.12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh cũng gởi ý kiến phản đối đến Malaysia, nêu việc nước này “vi phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và vi phạm các chuẩn mực quan hệ quốc tế”.

Theo các nhà quan sát, họ bị bất ngờ trước việc Malaysia đã nộp đơn đăng ký ECS ở phía bắc Biển Đông. Ông Đinh Đoạt, nhà nghiên cứu thuộc Viện Quốc gia Nghiên cứu Nam Hải (ở tỉnh đảo Hải Nam, Trung Quốc) nói: “Ranh giới mới mà Malaysia đề xuất đi qua vùng biển nằm giữa hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (cách Trung Quốc gọi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam-ND) và chồng lấn lãnh thổ chủ quyền của Trung Quốc. Đó là một hành động đơn phương không có lợi cho sự tin cậy lẫn nhau giữa hai quốc gia”.

Nhưng ông Đinh cũng nói CLCS - một tổ chức khoa học không có nhiệm vụ xem xét các khu vực đang có tranh chấp chủ quyền sẽ không giải quyết vấn đề, như CLCS đã không vào cuộc khi Việt Nam và Malaysia hồi năm 2009 đã cùng nộp đơn đăng ký ECS ở phía nam Biển Đông. Theo SCMP, lúc đó Bắc Kinh phẫn nộ và yêu cầu Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon không xem xét đơn.

Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình An ninh Hàng hải (ở Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) nói đơn đăng ký ECS của Malaysia đã khiêu khích Trung Quốc phản ứng, tương tự vụ năm 2009, và ông nói thêm rằng lúc này nên tiến hành các bước đáp ứng yêu cầu của CLCS hơn là chọc tức Trung Quốc.

Các động thái khác của khối ASEAN

Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, quân sự hóa các đảo nhân tạo xây trái phép trên vùng biển này, bất chấp các tuyên bố chủ quyền chồng lấn của Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan. Mới đây, Trung Quốc tung ra tàu sân bay Sơn Đông nhằm hù dọa các nước tranh chấp chủ quyền.

Theo SCMP, tuyên bố của Ngoại trưởng Malaysia vào lúc xem ra các nước Đông Nam Á tuyên bố có chủ quyền chồng lấn trên Biển Đông đang tăng quan điểm cứng rắn hơn, vào lúc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) cùng Trung Quốc nỗ lực đạt đến Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trước khi đến hạn chót vào năm 2021.

Theo SCMP, hồi tháng 7.2019, tàu cảnh sát biển Việt Nam ngăn chặn đội tàu Trung Quốc hộ tống tàu thăm dò Hải Dương địa chất 8 vào tận Vùng EEZ của Việt Nam, nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác dầu khí giữa Việt Nam với công ty dầu khí nhà nước Nga Rosneft ở gần Bãi Tư Chính. Trung Quốc cũng đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền bãi này.

Đến tháng 10 thì tàu Hải Dương địa chất 8 rời đi. Vài tuần sau sự kiện này, Việt Nam đã ban hành Sách Trắng Quốc phòng, qua đó thể hiện sự lo ngại về các diễn biến mới trên Biển Đông, gồm những hành động đơn phương, dùng vũ lực để ép buộc, vi phạm luật pháp quốc tế, quân sự hóa, thay đổi tính nguyên trạng và vi phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của pháp luật quốc tế”.

Trong khi đó, Philippines tuyên bố một kế hoạch tham vọng, là mở rộng năng lực của lực lượng tuần duyên. Chính phủ Tổng thống Rodrigo Duterte muốn tuyển dụng 4.000 người cho lực lượng này từ cuối năm 2019, và thêm 6.000 người nữa trong năm 2020. Theo báo Inquirer, mục tiêu là có 25.000 cảnh sát tuần duyên kể từ năm 2025, khi Philippines ngày càng phải đối mặt với sự hung hăng của tàu hải cảnh và tàu đánh cá Trung Quốc.

Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông

Ông Koh nói đơn đăng ký ECS của Malaysia đã khiêu khích Trung Quốc phản ứng, tương tự vụ năm 2009, và ông nói thêm rằng lúc này nên tiến hành các bước đáp ứng yêu cầu của CLCS hơn là chọc tức Trung Quốc. Ông còn cho rằng các nước tranh chấp chủ quyền có thể củng cố tối đa quan điểm của mình về Biển Đông, trước khi ASEAN và Trung Quốc có thể đạt đến COC vào năm 2021.

Ông nói các bên có thể hành động kiềm chế, nhằm kiểm soát được căng thẳng cũng như tạo điều kiện cho cuộc đàm phán duy trì được bầu khí xây dựng: “Các bên ASEAN sẽ có một thời gian thử thách, nhằm thống nhất các quan điểm đối với Trung Quốc trong các cuộc đàm phán COC. Nhưng vẫn còn không gian cho vài dạng thức điều phối về những điều đặc biệt vốn tạo nên quyền lợi chung”.

Việc Trung Quốc ngang ngược đòi chủ quyền toàn bộ Biển Đông đã khiến Mỹ cùng các đồng minh công khai thách thức, tiến hành các cuộc tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP0 ở vùng biển này). Bắc Kinh cáo buộc Mỹ và các nước gây bất ổn cho khu vực.

Ông Koh nói Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc FONOP, như một cách gây ấn tượng với các nước đàm phán COC rằng chớ nên xâm phạm những lợi ích quan trọng của các quốc gia sử dụng hàng hải quốc tế, đặc biệt là quyền tự do hàng hải và hàng không: “Các cuộc tuần tra này có thể được tiến hành nhằm nhắc nhở các bên đàm phán, nhất là các chính phủ ASEAN cần nhớ đến quyền lợi của các bên khác ở Biển Đông”.

Ông Trương Minh Lượng, một chuyên gia về Đông Nam Á ở Đại học Tế Nam (Trung Quốc), nói các nước đòi chủ quyền có thể sử dụng các chiến thuật phòng ngừa để bảo vệ quyền lợi của mình: “Các động thái này dựa trên những phán đoán và kết luận của họ, và đó cũng có thể là các nỗ lực của chính quyền các nước nhằm giảm thiểu sức ép chính trị trong nước”.

Ông Trương còn nói Bắc Kinh sẽ không phản ứng mạnh với các động thái gần đây của các nước láng giềng trên Biển Đông. Ông lưu ý Trung Quốc đang tăng bị sức ép mạnh của cộng đồng quốc tế vốn phẫn nộ việc Bắc Kinh ngược đãi cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi ở vùng Tân Cương, cộng với những cuộc biểu tình của người Hồng Kông phản đối Trung Quốc, cuộc chiến thương mại với Mỹ và nền kinh tế Trung Quốc đang lao dốc.

Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Malaysia: ‘Tuyên bố chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc quá lố bịch’