Tàu thăm dò sao Hỏa Curiosity của NASA đã ghi hình một cơn lốc bụi đang xoáy qua cảnh quan hành tinh đỏ khô cằn.

Tàu thăm dò Curiosity của NASA ghi hình lốc bụi trên sao Hỏa

01/09/2020, 11:30

Tàu thăm dò sao Hỏa Curiosity của NASA đã ghi hình một cơn lốc bụi đang xoáy qua cảnh quan hành tinh đỏ khô cằn.

Lốc bụi được robot Curiosity ghi lại tại miệng núi lửa Gale vào hôm 9.8 - Ảnh: NASA

Hình ảnh do robot Curiosity ghi lại cho thấy lốc bụi di chuyển từ trái sang phải, xuất hiện ở vùng ranh giới giữa những dãy núi màu đậm và nhạt tại miệng núi lửa Gale rộng 154 km trên sao Hỏa vào hôm 9.8. Nhóm vận hành Curiosity cho biết không có gì ngạc nhiên khi những cơn lốc bụi, hiện tượng mà chúng ta cũng gặp trên Trái đất, xuất hiện trong hố trũng vào thời điểm này.

Claire Newman, nhà khoa học khí quyển tại công ty Aeolis Research, có trụ sở tại Arizona, giải thích: “Miệng núi lửa Gale sắp bước vào mùa hè. Giai đoạn từ đầu xuân đến giữa hè, mặt đất tại đây nóng lên đáng kể”.

“Việc bề mặt nóng hơn có xu hướng tạo ra đối lưu và gió xoáy mạnh hơn, bao gồm gió thổi nhanh xung quanh các lõi áp suất thấp. Nếu những cơn gió xoáy này đủ mạnh, chúng có thể cuốn bụi từ mặt đất lên và trở thành lốc bụi”, ông Claire Newman nói thêm.

Lốc bụi thường khá mờ nên ảnh chụp của Curiosity thường phải được xử lý để chúng hiện rõ. Tuy nhiên, lốc bụi hôm 9.8 vẫn có thể nhìn được trong hình ảnh chưa qua xử lý.

Lốc bụi được robot Curiosity ghi lại tại miệng núi lửa Gale vào năm 2017 - Video: NASA

Các hoạt động gần đây của Curiosity bao gồm cả nghiên cứu về những cơn lốc bụi, sử dụng camera và trạm khí tượng trên tàu. Nhưng nhiệm vụ chính của sứ mệnh trị giá 2,5 tỉ USD này tập trung vào việc phân tích đất đá trên sao Hỏa để tìm hiểu thêm về sự thay đổi khí hậu của hành tinh và khả năng chứa sự sống trong quá khứ của nó.

Ngay sau khi hạ cánh xuống miệng núi lửa Gale vào tháng 8.2012, các quan sát của Curiosity đã cho phép các nhà khoa học xác định rằng hàng tỷ năm trước, khu vực này có một hệ thống sông hồ tiềm năng thích hợp cho sự sống.

Vào tháng 9.2014, Curiosity tới chân núi Sharp, ngọn núi cao 5,5 km tại trung tâm Gale. Kể từ đó, robot đã di chuyển qua các chân núi và phân tích các lớp đá để tìm manh mối về việc Hành tinh đỏ đã thay đổi như thế nào theo thời gian.

Long Hải (theo Space)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tàu thăm dò Curiosity của NASA ghi hình lốc bụi trên sao Hỏa